Đang không có việc làm, mới đây, chị N.T.T (Hà Nội) được một người mời tham gia làm công việc online có chiết khấu cao. Theo lời giới thiệu của người này, chị T. chỉ cần gắn link sản phẩm từ mỹ phẩm, đồ gia dụng, quần áo… trên các sàn thương mại điện tử lên trên Facebook, Zalo… để nhận "hoa hồng" từ các shop (trung bình 10.000 - 500.000 đồng/sản phẩm).
Để tham gia công việc kể trên, các đối tượng yêu cầu chị T. phải bỏ ra một khoản phí là 399.000 đồng, sau đó thêm chị vào một nhóm trên Telegram. Đối tượng tạo niềm tin cho nạn nhân bằng cách giả mạo thành viên trong hội nhóm, liên tục gửi các hóa đơn nhận tiền từ vài trăm đến hàng triệu đồng.
"Sau 3 đơn hàng đầu được nhận tiền thật, đến đơn thứ 4 giá trị đơn hàng cao, họ yêu cầu tôi gửi tiền đối ứng cọc giá trị, lấy lý do hệ thống bị lỗi cần thêm tiền để xác minh, đóng thuế. Khi tôi phát hiện ra thì đã bị đối tượng chặn tài khoản, không thể liên lạc", chị N.T.T. kể.
Cũng với chiêu lừa đảo "việc nhẹ, lương cao", chị Đ.T.N ở Ninh Bình được giới thiệu làm công việc online nghe nhạc thả tim cho bài hát là có "hoa hồng". Để thực hiện công việc này, chị N. được hướng dẫn tải app Telegram để tiện trao đổi với các "chuyên gia".
"Theo cách họ hướng dẫn đúng là dễ làm thật, chỉ cần bấm vào đường link sẽ hiện tên bài hát và tên ca sĩ, mình chỉ cần nghe và thả tim, sau đó chụp màn hình gửi là nhận được 10.000 đồng. Sau 5 lần thả tim, chụp màn hình mình đã nhận được 50.000 đồng. Thực hiện hết nhiệm vụ này, họ giao cho mình nhiệm vụ cao hơn với mức "hoa hồng" cũng cao. Mình đóng tiền ứng trước làm xong "hoa hồng" trả rất nhanh. Đến cuối ngày mình nhận được 300.000 đồng" - chị N. phản ánh.
Tưởng là rất dễ nhưng sang đến những ngày hôm sau, chị N. muốn thực hiện nhiệm vụ tiếp theo với mức "hoa hồng" cao thì số tiền nộp thực hiện cũng tăng dần lên. Khi số tiền nộp vào lên đến 35 triệu đồng thì "chuyên gia" thông báo chị N. không hoàn thành nhiệm vụ thứ 3 nên mất luôn tiền làm 2 nhiệm vụ trước đó. Muốn thực hiện lại nhiệm vụ thứ 3 phải đóng thêm tiền vào. Chị N. tin tưởng, đóng thêm 15 triệu nữa, lúc này các đối tượng xóa hết dấu vết thông tin, hình ảnh và lặn mất tăm.
Mới đây, chị H., 38 tuổi, trú tại H.Ba Vì (Hà Nội) thấy một tài khoản đăng bài viết có nội dung "việc nhẹ, lương cao", chị đã nhắn tin liên hệ để trao đổi. Chị H. được hướng dẫn đăng ký tài khoản tham gia đầu tư sàn giao dịch tiền ảo có thể kiếm nhiều lợi nhuận. Sau khi bị đối tượng lôi kéo, chị H. đóng 100 triệu đồng để đặt lệnh thì tài khoản báo nhận được 3,2 tỉ đồng nhưng hệ thống báo lỗi không cho rút tiền. Sau đó, các đối tượng hướng dẫn chị phải đóng thuế, phí bảo hiểm… thì mới được rút tiền ra.
Chỉ sau gần 1 tuần, đến ngày 17.3, chị H. đã chuyển hơn 750 triệu đồng cho các đối tượng nhưng không nhận được số tiền trên sàn. Lúc này chị mới biết bị lừa và đến cơ quan công an trình báo.
Theo Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT), thời gian gần đây còn xuất hiện nhiều đối tượng giả mạo sử dụng tên, hình ảnh, văn bản, công văn của Công ty 1980Books nhằm mục đích lừa đảo thông qua quảng cáo tuyển dụng để chiếm đoạt tiền. Nhóm đối tượng dùng tên, thông tin của 1980Books để đăng tải tin tuyển dụng độc giả đọc sách tại nhà qua các nền tảng mạng xã hội.
Với hình thức lừa đảo tinh vi, những người quan tâm sẽ được gửi những hợp đồng, thỏa thuận lương, thưởng có chữ ký và con dấu giả của 1980Books. Đối tượng giả mạo này có tổ chức, khi lập ra hệ thống website/landing page, Facebook, sử dụng thông tin của 1980Books (thay đổi số điện thoại, địa chỉ, con dấu và chữ ký giả…). Sau đó, nạn nhân sẽ bị đối tượng lừa đảo thêm vào các nhóm trên ứng dụng Telegram để thực hiện nhiệm vụ đọc sách mỗi ngày để nhận lương.
Để được nhận công việc, người dùng phải nạp tiền, sau mỗi lần kết thúc công việc thì được hoàn tiền về tài khoản. Khi số tiền lớn, hệ thống sẽ báo lỗi, yêu cầu người bị hại đóng thêm tiền để sửa lỗi và hoàn tiền về ví điện tử, sau đó tiền không bao giờ được hoàn lại, chúng sẽ xoá toàn bộ tài khoản liên hệ.
Đại diện Công ty 1980Books đã lên tiếng khẳng định, đây là hành vi lừa đảo giả danh, lợi dụng lòng tin của mọi người để trục lợi.
Không có công việc dễ dàng
Theo ông Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC), chuyên gia tại Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (Bộ TT-TT), chiêu trò tuyển cộng tác viên "việc nhẹ, lương cao" là một trong 3 hình thức lừa đảo chủ yếu. Nếu thấy ai đó dẫn dụ giới thiệu việc làm từ các trang mạng xã hội chuyển sang Telegram để trao đổi thì khả năng bị lừa là 95%.
"Hầu hết người VN đều bị lừa đảo qua cuộc gọi điện thoại và tin nhắn/SMS Facebook và Gmail. Trong đó, không ít bạn trẻ, sinh viên tin và bị hấp dẫn bởi những lời mời gọi "việc nhẹ, lương cao". Hậu quả là thời gian qua không ít người đã bị lừa mất tiền, thậm chí còn bị lừa sang Campuchia, bị nhốt, đánh đập nếu không làm việc theo yêu cầu của bọn chúng… ", ông Hiếu cho hay.
Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT) thông tin, thời gian qua, cơ quan này đã liên tục đưa ra cảnh báo và biện pháp phòng tránh cho người dân trước chiêu trò trên. Lợi dụng tâm lý của nhiều người muốn kiếm thêm thu nhập, một số đối tượng áp dụng chiêu lừa đảo tuyển dụng làm việc tại nhà với mức lương hấp dẫn. Các đối tượng thường nhắm đến nạn nhân là các "mẹ bỉm sữa", học sinh, sinh viên, người lao động đang có nhu cầu tìm việc làm.
"Người dân cần tuyệt đối nâng cao cảnh giác, đồng thời tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu. Khi làm cộng tác viên cho các công ty, doanh nghiệp, đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ, người dân cần kiểm tra rõ các thông tin về hàng hóa và đơn vị cung cấp thông qua nhiều nguồn khác nhau để kiểm chứng tính chính xác. Người dân tuyệt đối không làm theo yêu cầu tạm ứng trước tiền; không nên quá tin tưởng vào những đề nghị quá hấp dẫn và những công việc dễ dàng, không quan trọng trình độ hay kỹ năng; tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân: căn cước công dân, mã OTP, số thẻ ngân hàng... cho bất kỳ ai hoặc trên bất kỳ trang web lạ nào", đại diện Cục An toàn thông tin khuyến cáo.
Để phòng tránh bị lừa đảo bởi hình thức trên, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân không nên chủ quan khi gặp các trường hợp và hành vi không minh bạch trên mạng xã hội. Khi phát hiện ra dấu hiệu hoặc đã trở thành nạn nhân bị lừa đảo, người dân cần nhanh chóng tố giác các hành vi lừa đảo đến các cơ quan có thẩm quyền để hạn chế tối đa rủi ro, thiệt hại, đồng thời bảo đảm quyền lợi hợp pháp của mình.
Ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho hay, trong tháng 3 có hàng trăm doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng với rất nhiều việc làm dành cho người lao động trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận được trung tâm giới thiệu hoàn toàn miễn phí. Ông Thành lưu ý, người lao động cần cẩn trọng trước những lời mời "việc nhẹ, lương cao", bởi trong giai đoạn này nhiều doanh nghiệp rất khó khăn, không thể có chuyện làm ít mà hưởng lương hậu hĩnh.
"Người lao động khi tìm kiếm bất kỳ công việc nào cũng nên tìm hiểu thật kỹ từ thông tin tuyển dụng, tính chất công việc, lĩnh vực hoạt động đến địa chỉ, số điện thoại cụ thể…" - ông Thành khuyến cáo.