Ông Huỳnh Khắc Điệp, Bí thư Quận ủy Bình Tân, cho rằng để phấn đấu mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 10% năm 2025, TP.HCM cần tập trung khai thác hiệu quả nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực đất đai.
Mặc dù vấn đề khai thác nguồn lực đất đai đã được đặt ra từ nhiều năm nhưng ông Điệp nhận định kết quả thực hiện vẫn chưa đạt như kỳ vọng. Điển hình, tại Q.Bình Tân, cách đây một năm, quận rà soát và kiến nghị TP.HCM xem xét điều chuyển các khu đất do doanh nghiệp, tổng công ty thuộc thành phố quản lý.
"Những khu đất này hiện đang khai thác kém hiệu quả, nhiều nơi chỉ được sử dụng làm bãi thuê xe", ông Điệp nói thêm. Trước bất cập đó, quận kiến nghị thu hồi 5 khu đất để phục vụ các nhiệm vụ khác nhưng đến nay chỉ mới triển khai được 1 khu. Đại biểu cho rằng điều này không chỉ gây lãng phí nguồn lực mà còn làm chậm tiến độ phát triển kinh tế.
Do đó, ông Điệp đề nghị UBND TP.HCM cần quan tâm đến quy trình, thủ tục và đẩy mạnh chống lãng phí trong việc sử dụng đất công, đồng thời đẩy nhanh tiến độ đề án số hóa quản lý nhà đất công.
Một nghịch lý khách được Bí thư Quận ủy Q.1 Dương Anh Đức nêu tại phần thảo luận tổ là một số doanh nghiệp nhà nước muốn trả lại đất vì sử dụng không hiệu quả nhưng phải trả thuế đất. Dù vậy, thủ tục bàn giao đất về cho Nhà nước rườm rà, kéo dài.
Ở Q.1 còn gặp phải tình cảnh Công ty TNHH MTV dịch vụ công ích quận cho thuê nhà đất công, muốn thu hồi lại nhưng bên thuê không chịu trả dù đã hết thời hạn thuê. Muốn thu hồi, doanh nghiệp nhà nước phải kiện ra tòa, thường mất nhiều năm. Trong thời gian này, bên thuê vẫn sử dụng, thậm chí cho thuê lại hưởng tiền chênh lệch.
Ông Đức cho rằng cần phải quyết liệt trong việc sử dụng tài sản công để tránh lãng phí. Song song đó, cơ quan quản lý phải ứng dụng công nghệ thông tin vào việc quản lý, khai thác hiệu quả nhất. "Công nghệ thông tin có thể làm được nếu làm nghiêm túc", ông Đức nhìn nhận.
Thu hồi hơn 1,2 triệu m2 nhà đất công
Trả lời vấn đề này, Phó giám đốc Sở Tài chính Trần Mai Phương cho biết đã yêu cầu các đơn vị rà soát và báo cáo về tình hình quản lý, sử dụng tài sản công, đặc biệt là những tài sản không còn nhu cầu sử dụng để tổng hợp, báo cáo UBND TP.HCM.
Về việc sắp xếp lại và xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước, bà Phương cho hay Sở Tài chính đang phối hợp Trường đại học Kinh tế - Luật và một số đơn vị liên quan để triển khai đề án gồm 12 chuyên đề. Đến nay, 5 chuyên đề đã hoàn thiện, các đơn vị đang hoàn thiện 7 đề án còn lại.
"Sở Tài chính sẽ báo cáo UBND TP.HCM vào cuối năm 2024. Mục tiêu của đề án là xây dựng một hệ thống quản lý tổng thể về tài sản công trên địa bàn thành phố, bao gồm việc số hóa dữ liệu để tăng cường hiệu quả quản lý và khai thác", bà Phương nói thêm.
Theo báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024, từ năm 2001 đến nay, Sở Tài chính đã trình UBND TP.HCM và Bộ Tài chính phê duyệt phương án xử lý 12.915 địa chỉ nhà đất, trong đó khối TP.HCM là 10.853 địa chỉ và khối Trung ương là 2.062 địa chỉ. Đến nay, TP.HCM đã xử lý thu hồi 339 địa chỉ nhà đất với tổng diện tích hơn 1,2 triệu m2.
UBND TP.HCM đánh giá công tác quản lý các địa chỉ nhà đất theo Nghị định 167/2017 của Chính phủ do số lượng nhà đất với quy mô rất lớn, dẫn đến tình trạng vẫn còn các trụ sở làm việc sử dụng không hiệu quả hoặc chưa sử dụng, một số trường hợp bỏ trống ngay trong khu vực trung tâm, gây ra sự lãng phí.