Đứng bên ngôi nhà đổ sập hoàn toàn vì sạt lở, bà Trương Thị Được (63 tuổi) ở xã Đại Đồng, H.Yên Bình (Yên Bái) không cầm nổi nước mắt. Ngôi nhà bà vừa mới chạy vạy để xây lại sau vụ cháy cách đây hơn 2 năm, giờ chỉ còn lại đống đổ nát. "Đêm 9.9, thấy nước dâng lên cao, tôi cùng chồng phải chạy lên cao, vừa lên tới đỉnh đồi thì ngôi nhà đổ sập", bà Được bàng hoàng nhớ lại.
"Tôi chỉ mong dọn hết lớp bùn đất này đi rồi dựng cái lều để ở tạm. Mấy ngày nay, hai vợ chồng phải đi ở nhờ hai nơi", bà Được ngậm ngùi nói.
Cũng ở xã Đại Đồng, ngôi nhà của ông Nguyễn Xuân Chữ (63 tuổi) cũng bị đổ sập gần như hoàn toàn. Phần lớn đồ đạc, tài sản gia đình bị vùi sâu dưới lớp bùn đất. Ông chỉ cố vớt vát được bát hương để thờ tự cùng một ít vật dụng. "Đêm 9.9, trời mưa bão, thấy sạt lở một chút đằng sau thì cả nhà hô nhau chạy. Con trai tôi chở hai đứa cháu chạy trước, tôi với vợ chạy sau. Khi chạy được một đoạn thì cả hai lao xuống ruộng. Vợ tôi bị xây xát hết cả người", ông Chữ nghẹn ngào kể lại.
Rời xã Đại Đồng, chúng tôi đi ngược về TP.Yên Bái để gặp gỡ, chia sẻ với những gia đình có người thân vừa mất trong đợt lũ lụt vừa qua.
Chị Cầm Thị Phương Thảo về lại ngôi nhà ở P.Đồng Tiến, nơi bố chị vừa mất vì sạt lở đất. "Hôm đó 9.9, trời mưa to, tôi gọi điện định rước bố qua nhà nhưng bố bảo nhà không việc gì. Được một lúc thì em gái điện nói không thấy bố đâu. Tôi chạy vào tìm cũng không thấy, lúc đó đất sau nhà bị sạt lở một khoảng to rồi", chị Thảo kể. Sau đó, gia đình phải thuê máy xúc tìm kiếm ở khu vực quanh nhà, được một lúc thì tìm được người bố bị đất vùi lấp cạnh tường. "Giá lúc nước chưa lên nhanh, tôi đón bố ra nhà mình thì đã không xảy ra chuyện này", chị Thảo buồn bã nói.
Khi chúng tôi tới nhà, bà Phạm Thị Muốn (ở P.Đồng Tâm), cũng vừa thắp xong nén nhang cho chồng mình là ông Trần Văn Thanh. Bà và ông lấy nhau được 41 năm, có với nhau 2 người con; một người ở Hà Nội, còn một người đang sống cùng. Nhà có dãy phòng trọ nên ông thường hay qua lại trông coi. "Khoảng gần 7 giờ ngày 9.9, nghe đứa cháu nói ông vừa đi lên đồi, tôi gọi về ăn cơm, nhưng gọi hoài mà không thấy", bà Muốn nhớ lại. Thấy đất lở, bà cầu nguyện ông không làm sao nhưng điều đó đã không thành sự thật. Sau một đêm bị vùi lấp, ông mới được tìm thấy. Kìm nén nỗi đau mất chồng, bà phải tiếp tục cố gắng vì con vì cháu.
Một trường hợp đau lòng khác là của anh Đặng Văn Huy, ở xã Minh Bảo, TP.Yên Bái. Vụ sạt lở đất đã khiến gia đình anh rơi vào cảnh "người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh". Anh Huy ra đi để lại vợ và 2 con nhỏ, đứa lớn mới vào lớp 1. Vợ anh Huy làm việc ở H.Mù Cang Chải (Yên Bái), cách nhà gần 200 km. Cuối tuần anh thường chạy lên tranh thủ gặp vợ con, sau đó thứ hai phải về lại thành phố để làm việc.
Ngày 9.9, trời mưa to, được điều động đi trực, anh vừa vào rửa tay chân để đi thì taluy phía sau nhà đổ, anh bị đất vùi lấp. "Vừa vào cửa nhà tắm, đất đổ sụp cái rầm như bom nổ. Trưa đó bố con tôi mới đi cứu hộ nhà hàng xóm. Tôi chủ quan nghĩ bên nhà mình chắc không thể sạt, không ngờ nó sạt lở một lúc hơn 30 m", ông Đặng Xuân Hồng, bố anh Huy, buồn bã nhớ lại.
Đồng hành cùng Báo Thanh Niên đi trao các phần tiền hỗ trợ, thượng tá Nguyễn Chí Dân, Trưởng phòng Công tác Đảng và công tác chính trị, Công an tỉnh Yên Bái, cảm ơn Báo Thanh Niên và bạn đọc của báo đã chung tay giúp nhân dân tỉnh Yên Bái vượt qua hậu quả nặng nề của cơn bão số 3 gây ra. "Mong quý độc giả và Báo Thanh Niên sẽ tiếp tục kêu gọi, giúp đỡ người dân vùng bão, và chúng tôi sẽ luôn sẵn sàng cùng quý báo mang tình cảm của bạn đọc nhanh chóng đến với người dân bị thiệt hại", thượng tá Dân nói.
Dù đã lên kế hoạch đi cứu trợ người dân miền Bắc cùng với Báo Thanh Niên rất sớm, ngay từ những ngày sau bão số 3, nhưng do bận việc đột xuất, nên bà Lê Hiền, nhà sáng lập Bệnh viện thẩm mỹ Gangwhoo, đành phải chuyển trực tiếp 300 triệu đồng cho chúng tôi với lời nhắn gửi tha thiết: "Nhờ các anh nhanh chóng trao đến những người dân gặp khó khăn giúp bệnh viện, không thu xếp để cùng đi trao, tôi nóng ruột lắm…".
Trong đợt hỗ trợ người dân tại Yên Bái lần này, Công an tỉnh Yên Bái đã lên danh sách cụ thể, chi tiết. Qua đó, đoàn đã giúp 15 hộ gia đình có người thân thiệt mạng trong lũ, mỗi gia đình 10 triệu đồng; và 30 hộ gia đình có nhà bị sập hoàn toàn, mỗi gia đình nhận 5 triệu đồng.
"Mong học sinh sớm được đi học trở lại"
Sau khi công việc trao hỗ trợ cho người dân tạm ổn, chúng tôi đến Trường tiểu học Yên Ninh (TP.Yên Bái) để hỗ trợ cho nhà trường. Để đến được điểm trường này, chúng tôi phải đi bộ gần 1 km qua nhiều đoạn bùn đất.
Tại điểm trường, rất nhiều giáo viên, phụ huynh và người dân vẫn tất bật, mỗi người một tay dọn dẹp vệ sinh sân trường, phòng học để học sinh có thể sớm đến trường.
Bà Nguyễn Thị Bình, Hiệu trường Trường tiểu học Yên Ninh, đã gửi lời cảm ơn tới Báo Thanh Niên, các nhà hảo tâm vì đã giúp đỡ trường trong hoàn cảnh khó khăn.
"Hôm nay, các anh chị em trong đoàn của Báo Thanh Niên, Tỉnh đoàn và nhà hảo tâm đã đến tận nhà trường để hỗ trợ kinh phí và động viên cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường, chúng tôi rất xúc động. Dù nhiều hay ít thì tấm lòng của các anh chị đến với Trường tiểu học Yên Ninh đều rất trân quý, vì chúng tôi phải trả tiền máy móc thiết bị và dọn sạt lở ở điểm trường số 1 để đảm bảo cơ sở vật chất, an toàn cho học sinh sớm được đi học trở lại", bà Bình chia sẻ.
Trường tiểu học Yên Ninh có 2 điểm trường. Sau hoàn lưu của cơn bão số 3, nhà trường bị thiệt hại nặng nề cả 2 điểm. Tại điểm trường thứ 2 ở tổ 1, P.Yên Ninh, nước ngập lên tới trần của tầng 1. Hơn 40 bộ bàn ghế và nhiều thiết bị máy móc của các thầy cô giáo bị hư hỏng. Sau khi nước rút, toàn bộ sân trường và lớp học phủ đầy bùn dầy khoảng 60 cm. Nhà trường phải đi mua nợ máy hút bùn, bơm nước để có thể dọn bùn thật nhanh, đón học sinh sớm quay trở lại trường. Điểm trường số 1 cách điểm trường số 2 khoảng 3 km cũng bị thiệt hại do sạt lở taluy phía sau trường, gây hư hỏng tường, nhà xe cùng hệ thống dây điện dẫn vào trường. Thiệt hại ước tính khoảng 200 triệu đồng.
Trước đó, chiều 13.9, khi biết chúng tôi đang trên đường từ Lào Cai qua Yên Bái, ông Nguyễn Việt Lãm, Giám đốc Công ty Công nghiệp vật liệu Cao Sơn, đã nhắn tin cho chúng tôi trước: "Cho chúng tôi đi cùng để hỗ trợ bà con". Thế là từ 20 giờ tối 13.9, ông Lãm đã xuất phát từ Hà Nội, trực chỉ Yên Bái để ngày 14.9 cùng gia nhập đoàn cứu trợ. Để góp phần giúp nhà trường sớm hoạt động trở lại, ông Nguyễn Việt Lãm đã trao hỗ trợ nhà trường số tiền 50 triệu đồng.