Thành viên 4 đoàn kiểm tra, ngoài Sở Y tế TP.HCM còn có sự tham gia của Sở LĐ-TB-XH và Sở GD-ĐT TP.HCM. Tổ trưởng các đoàn kiểm tra là Ban giám đốc Sở Y tế TP.HCM.
Theo đó, từ ngày 16.9, 4 đoàn kiểm tra sẽ bắt đầu đi kiểm tra, hướng dẫn và chấn chỉnh kịp thời các thiếu sót hạn chế của đơn vị được kiểm tra, đồng thời rút kinh nghiệm cho các quận, huyện, TP.Thủ Đức.
Tính từ ngày 31.8 - 14.9, chiến dịch tiêm vắc xin phòng chống bệnh sởi cho trẻ từ 1 - 10 tuổi tại TP.HCM đã tiêm được 54.023 mũi. Ngành y tế TP.HCM đẩy mạnh tiêm vắc xin phòng chống bệnh sởi trong tháng 9 với sự tham gia của các cơ sở tiêm chủng tư nhân nhằm chấm dứt dịch sởi trong thời gian sớm nhất.
Sở Y tế TP.HCM cũng đã ban hành văn bản chỉ đạo các cơ sở y tế khẩn trương dự trù vắc xin và tiêm vắc xin cho nhân viên y tế, người làm việc tại cơ sở khám chữa bệnh có nguy cơ tiếp xúc người mắc sởi; nhân viên y tế, người chăm sóc trẻ thuộc nhóm nguy cơ cao từ ngày 16 - 20.9.
Yêu cầu mỗi quận, huyện, TP.Thủ Đức phải đảm bảo tổ chức 1 - 2 điểm tiêm vào 2 ngày thứ bảy và chủ nhật. Tùy tình hình thực tế của địa phương, có thể tổ chức thêm điểm tiêm tại khu dân cư đông người, khu chế xuất, khu công nghiệp để thuận tiện cho phụ huynh đưa trẻ đến điểm tiêm…
Trước đó, Sở Y tế TP.HCM đã quyết định thành lập 12 tổ phản ứng nhanh theo khu vực địa bàn quận, huyện và TP.Thủ Đức. Đây là biện pháp cấp bách giúp giải quyết hiệu quả các ổ dịch sởi bùng phát tại trường học, nơi tập trung đông học sinh dễ có nguy cơ lây nhiễm cao.
Theo báo cáo của Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), tính từ đầu năm 2024 đến nay, tổng số ca sốt phát ban nghi sởi tại TP.HCM là 748 ca, trong đó có 581 ca sởi. Các quận, huyện có số ca mắc cao, gồm: H.Bình Chánh, Q.Bình Tân và H.Hóc Môn.