Hầu hết diện tích cây trồng đang trong tình trạng khô héo. Cả một cánh đồng ngút mắt trơ lại màu vàng cháy khi cây lúa thiếu nước tưới. Tại một số khoảnh ruộng, người dân đành gặt lúa về làm thức ăn gia súc. Một số người dân chấp nhận tốn tiền hơn khoan giếng để tìm nguồn nước tưới cho cây trồng.
Ông Bùi Trọng Thành, Trưởng phòng NN-PTNT H.Phú Thiện cho biết, năm nay nắng hạn diễn ra sớm hơn cùng kỳ, nguồn nước từ các suối và ao hồ, giếng khoan của người dân đã cạn kiệt từ giữa tháng 2. Hiện lượng nước tưới gần như không còn đủ cung cấp đủ cho nhiều diện tích cây trồng sắp đến ngày thu hoạch.
Tại nhiều địa phương khác trong tỉnh, dù chưa đến đỉnh điểm mùa khô nhưng tình trạng cây trồng thiếu nước tưới cũng đã và đang diễn ra. H.Chư Pah, địa phương có diện tích cây trồng lớn của tỉnh Gia Lai với gần 30.000 ha, cũng đang đối mặt với hạn hán.
Bên cạnh đó, với khoảng 100.000 ha cà phê - loại cây trồng đang trong thời điểm rất cần nước tưới để giúp cây sinh trưởng, đậu quả sau thời điểm ra hoa, nhưng do nắng hạn kéo dài cũng không đủ nước tưới. Số diện tích cà phê tập trung ở các huyện như Đăk Đoa, Mang Yang, Ia Grai, Chư Prông, TP.Pleiku…
Ngoài lúa, cà phê, hồ tiêu, hàng ngàn ha các loại hoa màu, cây ăn quả khác ở nhiều địa phương của Gia Lai cũng đối mặt với tình trạng thiếu nước. Đây là bài toán quá nan giải đối với người nông dân cũng như cơ quan quản lý khi thời tiết ngày càng diễn biến cực đoan.
Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Tây nguyên, trên địa bàn tỉnh Gia Lai nắng nóng có khả năng xuất hiện vào tháng 3 ở khu vực đông nam của tỉnh. Tổng lượng mưa từ tháng 1 - 3 phổ biến ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ; từ tháng 4 - 6 lượng mưa phổ biến xấp xỉ và thấp hơn so với trung bình nhiều năm, khả năng xuất hiện thời tiết nguy hiểm như nắng nóng tiếp tục xảy ra trong các tháng 4 - 5. Khô hạn có khả năng xảy ra trên diện rộng trong các tháng của mùa khô.
Để đối phó lâu dài với tình trạng hạn hán ngày càng diễn biến khốc liệt, nhiều người dân ở Gia Lai đã chọn giải pháp tưới nhỏ giọt như một giải pháp lâu dài. Tuy nhiên, ngoài những khó khăn về nguồn điện, nguồn nước, để đầu tư từ 30 - 40 triệu đồng lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm/ha là cả một vấn đề lớn đối với nông dân.