Tuy nhiên, từ khi dự án triển khai, nhiều người dân địa phương bức xúc vì cho rằng dự án đã ảnh hưởng đời sống, sinh hoạt, sinh kế của họ. "Những năm trước, người dân và phía dự án nhiều lần xảy ra tranh chấp. Người dân cho rằng dự án lấn biển. Ngoài ra, kể từ khi dự án được che chắn, đường đi ra biển của người dân xa hơn", cụ Nguyễn Báu (85 tuổi, thôn Chánh Oai) nói.
Cùng quan điểm với cụ Báu, một số người dân thôn Chánh Oai cho rằng từ khi dự án được chủ đầu tư che chắn, muốn ra biển phải đi đường vòng chứ không thể đi đường thẳng như trước. Vì vậy, đoạn đường ra biển dài hơn, nhất là với những người có thuyền, thúng để ở bãi biển.
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, năm 2021, Công ty TNHH Ban Mai có sự thay đổi về chủ sở hữu và ban lãnh đạo. Do đó, dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp và du lịch sinh thái Ban Mai cũng có một số điều chỉnh.
Theo ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch UBND H.Phù Cát, ban đầu dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp và du lịch sinh thái Ban Mai được triển khai rất tốt, xây nhiều hạ tầng và đã được đưa vào vận hành một thời gian. Tuy nhiên, sau đó lại bị kẹt vốn. Việc xung đột giữa dự án với người dân địa phương xảy ra trước khi Công ty TNHH Ban Mai đổi chủ sở hữu (năm 2021). Trước đây, người dân cũng có ý kiến về việc chủ đầu tư rào chắn bờ biển một đoạn dài nên không có chỗ để thúng. Nhiều lần, người dân muốn dự án thu nhỏ lại nhưng lãnh đạo tỉnh Bình Định nói rằng không thể thu nhỏ dự án lại nữa.
Trả lời Thanh Niên, lãnh đạo Công ty TNHH Ban Mai cho biết thời gian qua, đơn vị đã đóng góp vào an sinh xã hội tại địa phương rất nhiều, từ làm đường cho đến xây trường mẫu giáo… Hiện chỉ còn vài hộ dân phản ứng đối với dự án.
"Chúng tôi không thể mở đường ở giữa dự án như yêu cầu của người dân được. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đã có làm một con đường bê tông để người dân ra biển", vị lãnh đạo này cho biết. Theo lãnh đạo Công ty TNHH Ban Mai, hiện dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp và du lịch sinh thái Ban Mai đã được cấp giấy phép xây dựng. Dự kiến dự án được xây dựng trong tháng 5.2024.