Theo đó, điểm sạt lở núi Mang Kà Muồng được phát hiện vào tháng 10. Ngay khi phát hiện, Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức kiểm tra và có báo cáo.
Ngày 13.11, cơ quan này chủ trì, mời các sở, ngành tham gia kiểm tra điểm sạt lở núi Mang Kà Muồng. Qua kiểm tra hiện trường, điểm sạt lở này tiếp tục phát triển, xuất hiện thêm điểm sạt, trượt mới. Phía dưới chân núi gần mặt đường có hiện tượng đùn đất, đá, tạo nên các vết rạn nứt.
Điểm nứt núi, sạt lở ảnh hưởng trực tiếp đến tuyến đường độc đạo đi hồ chứa nước Nước Trong và 4 hộ dân (hơn 20 nhân khẩu) dưới chân núi, điểm Trường mầm non Hướng Dương, nhà văn hóa thôn Nước Tang… Ngoài ra, điểm sạt lở còn ảnh hưởng gián tiếp đến 5 hộ dân sống lân cận.
Theo cơ quan chuyên môn, trong thời gian đến, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục có mưa lớn nên điểm sạt lở núi Mang Kà Muồng có nguy cơ đe dọa đến tính mạng, tài sản của nhiều người dân. UBND H.Sơn Hà đã đề nghị công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai do mưa lớn gây ra đối với điểm có nguy cơ sạt lở núi Mang Kà Muồng.
Trước tình hình trên, Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi đề nghị các sở, ngành tham gia ý kiến. Trên cơ sở ý kiến thống nhất của các sở, ngành, Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi xem xét ban hành quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai do mưa lớn gây ra đối với điểm có nguy cơ sạt lở núi Mang Kà Muồng. Từ đó làm cơ sở cho UBND H.Sơn Hà triển khai các biện pháp tiếp theo nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước.
Như Thanh Niên đã thông tin, núi Mang Kà Muồng là điểm sạt lở mới phát hiện. Điểm sạt lở núi này xuất hiện các vết nứt đất dài 60 m, đoạn sụt lún sâu nhất khoảng 2 m, chân núi có đất, đá sạt xuống bên dưới.
Vết sạt lở này đang đe dọa trực tiếp nhà ở của 4 hộ dân (hơn 20 nhân khẩu), điểm Trường mầm non Hướng Dương có 1 cô giáo và 27 trẻ cùng nhà văn hóa thôn dưới chân núi. Bên cạnh đó, nguy cơ sạt lở còn gây ảnh hưởng đến nhà ở của 5 hộ dân sống lân cận, 5.000 m2 đất nông nghiệp phía trên đỉnh núi và rừng keo trồng.