Còn anh Tấn Đạt (P.14, Q.10) cho biết sau sắp xếp khu phố, bộ máy nhân sự người hoạt động không chuyên trách tại nơi mình sống được trẻ hóa. "Những người trẻ tham gia khu phố, họ rành công nghệ nên triển khai công việc nhanh hơn, rõ ràng hơn", anh Đạt chia sẻ.
Bên cạnh sự vận hành ổn định vẫn còn có những tâm tư, nhất là trụ sở hoạt động. Tại Q.Tân Phú, hiện chỉ 80/237 khu phố có trụ sở hoạt động độc lập. Ông Vũ Đức Nguyên, Trưởng khu phố 7 (P.Tân Sơn Nhì, Q.Tân Phú), cho biết KP.4 cũ chia tách thành 3 khu phố mới nhưng chỉ có 1 trụ sở hoạt động chưa đầy 20 m2, khi tổ chức sinh hoạt, người dân phải thuê bàn ghế bên ngoài. Còn tại xã Đông Thạnh (H.Hóc Môn), hiện có 3 ấp mượn nhà của bí thư chi bộ, trưởng ấp để sinh hoạt, cá biệt có trường hợp 12 ấp phải sử dụng chung 1 trụ sở dẫn đến khó khăn khi họp ấp.
Vấn đề kinh phí hỗ trợ cho người hoạt động không chuyên trách như hội chữ thập đỏ, khuyến học cũng được các khu phố quan tâm. Bà Nguyễn Thị Hòa, Bí thư Chi bộ ấp 11 (xã Xuân Thới Thượng, H.Hóc Môn), cho biết một số anh, chị làm chi hội trưởng chữ thập đỏ, khuyến học kiêm nhiệm luôn công việc phó trưởng ấp nhưng chỉ được hưởng phụ cấp của phó trưởng ấp. "Guồng máy hoạt động vẫn ổn nhưng anh em cũng tâm tư là ai làm việc nào phải được hỗ trợ việc đó. Do đó, chúng tôi thỏa thuận là 5 người hoạt động không chuyên trách trích ra một ít từ phụ cấp làm thù lao cho các anh, chị đảm nhận công tác khuyến học, chữ thập đỏ", bà Hòa nói. Dù vậy, đây chỉ là giải pháp tạm thời.
Về trụ sở hoạt động, Phó giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Thị Hồng Thắm cho biết chủ trương của TP.HCM là không phát sinh trụ sở. Các khu phố, ấp là tổ chức tự quản tại cộng đồng dân cư, không phải cơ quan hành chính nên không thể cấp trụ sở mới. Do đó, bà Thắm đề nghị các địa phương tận dụng các trụ sở hiện có, luân phiên sử dụng giữa các khu phố, tận dụng trường học trên địa bàn, đồng thời sử dụng nền tảng công nghệ để tương tác, trao đổi thông tin.