Hơn 20 ngày trôi qua kể từ khi mưa lũ xảy ra, gia đình ông Hoàng Văn Nhu (thôn Pác Cháng, xã Linh Phú, H.Chiêm Hóa, Tuyên Quang) với 5 thành viên vẫn phải nương nhờ nhà họ hàng. Đông người, chật chội, bất tiện, thiếu thốn đủ thứ nhưng cũng đành chấp nhận bởi ngôi nhà riêng của gia đình ông đã bị lũ cuốn đi.
Mong muốn lớn nhất của ông Nhu lúc này là sớm tìm được đất và dù có phải vay mượn ông cũng sẽ cố cất lại căn nhà, sớm có chỗ ở ổn định để làm ăn.
Ông Mai Đình Thư, Bí thư Đảng ủy xã Linh Phú, cho biết không chỉ gia đình ông Nhu mất nhà, toàn xã có 13 hộ nằm trong khu vực đặc biệt nguy hiểm phải di chuyển đến ở tạm tại các nhà văn hóa thôn, điểm trường mầm non, tiểu học đang mong ngóng từng ngày tìm được khu đất an toàn để định cư, ổn định đời sống.
"Xã đã tham mưu và đề nghị huyện lựa chọn những vị trí đất đảm bảo an toàn nhất để bố trí tái định cư cho bà con. Ngay sau khi có đất, xã sẽ cho lực lượng dân quân, thanh niên đến hỗ trợ nhân dân dựng nhà", ông Thư nói.
Không chỉ H.Chiêm Hóa bị thiệt hại nặng nề, nhiều hộ dân tại các huyện Yên Sơn, Lâm Bình, Na Hang, Sơn Dương cũng mất trắng nhà cửa, phải di dời khẩn cấp. Hơn lúc nào hết, các hộ dân nơi đây mong muốn được hỗ trợ dựng lại nhà cửa, có "điểm tựa" để bắt tay gây dựng cuộc sống mới.
Tại thôn Đán Khao (xã Chiêu Yên, H.Yên Sơn) có 10 hộ nằm trong khu vực đặc biệt nguy hiểm phải di chuyển tới nơi an toàn. Hiện có 4 hộ phải dựng lán tạm cạnh nhà văn hóa thôn Đán Khao, 2 hộ ở lớp học cũ, số còn lại ở nhờ nhà người dân. 10 hộ với 46 nhân khẩu phải sống trong cảnh có nhà mà không thể về.
Đôi mắt đỏ hoe, bà Lý Thị Kính, thôn Đán Khao, chia sẻ: "Cả đời tôi gắn bó với mảnh đất này, tích cóp mãi mới có ngôi nhà khang trang để ở. Giờ lại nằm ở khu vực sạt lở, không thể ở được nữa, đất thì không có, hai ông bà chỉ quanh quẩn mấy sào ruộng, không biết lấy đâu mà làm lại nhà".
Tương tự bà Kính, gia đình chị La Thị Ương, thôn Đán Khao, cũng nằm trong khu vực nguy hiểm phải di dời, phải rời bỏ nhà cửa, mảnh đất sinh sống bao đời để đến nơi ở tạm vì nguy cơ sạt lở cao. Cuộc sống của chị và 2 con nhỏ bị đảo lộn hoàn toàn. Khó khăn chồng chất khiến chị không khỏi bàng hoàng, tuyệt vọng.
Trao đổi với phóng viên, Bí thư Đảng ủy xã Chiêu Yên Hà Thị Bình cho biết, chính quyền địa phương đã tích cực tìm kiếm đất ở mới để bố trí cho bà con. Tuy nhiên, quá trình này gặp rất nhiều khó khăn vì đất ở mới thường xa nơi sản xuất, không phù hợp với phong tục tập quán của bà con. Hơn nữa, nhiều hộ dân không có đủ tiền để mua đất, xây nhà mới.
Bổ sung dự án ổn định dân cư
Rất nhiều cuộc họp khẩn dưới sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang đã được tổ chức nhằm tháo gỡ khó khăn trên. Trong văn bản số 4330/UBND-ĐTXD về thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp bố trí ổn định dân cư vùng thiên tai khẩn cấp, cấp bách do ảnh hưởng của bão số 3, UBND tỉnh Tuyên Quang đã giao Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp với UBND huyện, thành phố rà soát, thống kê các thôn bản, số hộ gia đình, nhân khẩu có nhà ở bị sập, đổ, vùi lấp không còn nơi cư trú, đồng thời xác định rõ biện pháp tái định cư đối với các hộ dân theo các hình thức khu, điểm tái định cư tập trung hoặc tái định cư xen ghép trong các khu dân cư có sẵn.
Sở này cũng được giao nhiệm vụ đề xuất bổ sung các dự án bố trí ổn định dân cư vùng thiên tai khẩn cấp, cấp bách cần thực hiện ngay trong năm 2024 - 2025 để di dời và bố trí, sắp xếp ổn định cho người dân đang sinh sống tại các địa bàn có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt đến nơi ở mới đảm bảo an toàn và yên tâm ổn định cuộc sống lâu dài.
Hiện đã có 127 hộ (đợt 1) được hỗ trợ kinh phí trên 11 tỉ đồng để làm mới và sửa chữa nhà ở từ nguồn kinh phí cứu trợ của Ban vận động cứu trợ tỉnh và các huyện, thành phố.
Bà Ngô Thị Tuyết Nhung, Phó chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, khẳng định ngoài việc rà soát, thống kê theo nhiệm vụ được giao, đơn vị sẽ triển khai ngay chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở tái định cư cho người dân bị thiệt hại bởi thiên tai, nằm trong vùng nguy hiểm không có nhà để ở.
Với những hộ không bố trí được đất ở, theo bà Nhung, ngành sẽ tham mưu cho tỉnh để đưa vào các diện sắp xếp bố trí dân cư theo hình thức xen ghép hoặc tập trung tùy vào điều kiện của từng địa phương, đảm bảo tất cả các hộ đều sớm có nhà ở, nhanh chóng ổn định đời sống.