Ngày truyền thống luật sư Việt Nam 10.10: Nữ luật sư 10 năm đồng hành cùng người yếu thế

16:26 - 10/10/2024

Tham gia bảo vệ người yếu thế không chỉ là một hành trình pháp lý mà còn là góc độ nhân văn của nghề. Điều đó giúp cho người hành nghề luật sư không chỉ thực thi công lý mà còn góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp hơn, nơi mọi người đều được tôn trọng và bảo vệ, bất kể hoàn cảnh hay số phận nào.

Hơn 18 năm hành nghề luật sư, song có đến quá nửa thời gian ấy, luật sư Đào Thị Bích Liên, Văn phòng luật sư Hà Hải và cộng sự, tham gia trợ giúp, tư vấn pháp lý miễn phí, đồng hành cùng người yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn... Khi được hỏi về những câu chuyện trong hành trình mười năm ấy, bà Liên cho biết, "có những nỗi niềm, nhân vật, hoàn cảnh không thể kể hết được, rất ám ảnh".

Vấn nạn bạo hành gia đình

Lần dở từng tập tài liệu trên tay, luật sư Liên kể, trong hành trình nghề nghiệp của mình, có những vụ việc khiến bà day dứt mãi. Như lần tiếp xúc một nạn nhân bị chồng bạo hành với khuôn mặt biến dạng, bầm tím. Nạn nhân bị chồng đánh chỉ vì "đi làm về muộn, chưa kịp nấu cơm".

Ngày truyền thống luật sư Việt Nam 10.10: Nữ luật sư 10 năm đồng hành cùng người yếu thế

Luật sư Đào Thị Bích Liên chia sẻ về chặng đường 10 năm đồng hành cùng người yếu thế

ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Đây không phải lần đầu tiên người phụ nữ này bị chồng bạo hành; anh ta thường xuyên đánh đập, chửi rủa chị trước mặt con cái. Bao nhiêu năm bị hành hạ về thể xác lẫn tinh thần nhưng chưa lần nào nạn nhân dám đưa sự việc ra chính quyền địa phương nhờ can thiệp, gia đình biết chuyện cũng chỉ khuyên "vì con cái ráng chịu đựng".

"Người phụ nữ ấy đến gặp tôi để nhờ tư vấn nhưng "rất đắn đo" vì có nhiều nỗi sợ hãi như sau khi ly hôn bị cắt mọi khoản chu cấp, sợ con cái thiệt thòi, khổ...", luật sư Liên nói và cho biết mặc dù đã tham gia rất nhiều vụ ly hôn liên quan đến bạo hành gia đình; song bà luôn trăn trở, mong muốn những phụ nữ là nạn nhân của vấn nạn bạo lực phải thoát ra khỏi những suy nghĩ thói quen, tập quán như xấu chàng hổ thiếp, sợ anh em, bà con, hàng xóm chê cười...

Theo luật sư, quan niệm là phụ nữ phải cam chịu với những ràng buộc về con cái, họ hàng đã buộc chặt họ vào những bất hạnh gia đình. Chính vì quan niệm sai lệch đó nên người phụ nữ đã không bảo vệ được chính bản thân họ, còn nạn bạo lực ngày càng tiếp diễn nặng nề…

Xâm hại tình dục trẻ em xảy ra trong gia đình

Một trăn trở khác của luật sư Đào Thị Bích Liên đó là vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em. Luật sư cho rằng việc đấu tranh, bảo vệ trẻ em, đưa những vụ việc trẻ em bị xâm hại ra ánh sáng còn gặp rất nhiều khó khăn.

"Đau lòng nhất là có những vụ việc, nạn nhân bị xâm hại từ chính người thân của mình như cha đẻ, chú, ông, dượng… Nạn nhân là những trẻ em tuổi còn rất nhỏ, có những đứa trẻ chỉ mới 3 - 5 tuổi, trẻ bị khuyết tật, câm điếc...", giọng chậm rãi, luật sư cho hay khi tiếp nhận những vụ việc này, bà cảm thấy rất căm phẫn và đau xót.

Nhớ lại năm 2014, khi luật sư tham gia một vụ xâm hại tình dục trẻ em xảy ra trên địa bàn TP.Thủ Đức, TP.HCM, đối tượng là Cao Thành L. bị cáo buộc xâm hại con gái ruột của mình khi nạn nhân chỉ mới 5 tuổi.

Cụ thế, ngày 5.5.2014, L. rước con gái là cháu K. về chơi và cho ở lại ngủ với mình, rồi thực hiện hành vi xâm hại tình dục. Hai ngày sau, trong lúc cháu K. sang nhà người hàng xóm chơi và đi vệ sinh; thấy vùng kín của cháu chảy nhiều máu, người hàng xóm nói cho L. biết. Lúc này, L. nói con bị bệnh xuất huyết đường ruột rồi đưa cháu về nhà. Nghi ngờ, hàng xóm liền báo cho gia đình của cháu K. Khi được tra hỏi, nạn nhân nói bị cha xâm hại, gây chảy máu.

Trước hành vi thú tính của L. người thân của nạn nhân đã đến cơ quan công an trình báo. Theo kết quả giám định của bệnh viện xác định, cháu K. bị xâm hại gây tổn thương nặng vùng kín và hậu môn. Vụ án sau đó được tòa án đưa ra xét xử và tuyên phạt Cao Thành L. mức án 18 năm tù về hành vi "hiếp dâm trẻ em".

Một vụ án khác, cha dượng xâm hại tình dục con riêng của vợ xảy ra tại Q.Tân Phú, TP.HCM năm 2017. Vì sợ cha dượng đánh đập nên nạn nhân 7 tuổi không dám kể với ai. Trong một lần không thể chịu đựng được hành vi thú tính đó, bé gái trốn về nhà bà ngoại. Khi tắm cho cháu, bà ngoại phát hiện vùng kín của bé bị lở loét nặng. Nghi ngờ cháu bị xâm hại tình dục, bà đã tố cáo hành vi đồi bại trên.

Theo luật sư Liên, vụ án này kéo dài nhiều năm mới có thể đưa ra ánh sáng vì khó khăn trong quá trình thu thập chứng cứ, cha dượng liên tục chối tội. Song, với sự đấu tranh, quyết tâm đi tìm công lý của bà ngoại, khiếu nại bền bỉ của luật sư, cuối cùng kẻ biến thái cũng bị khởi tố và trả giá với bản án 20 năm tù.

"Có những vụ án, mỗi lần nhớ lại, tôi không khỏi xót xa. Tôi ám ảnh ánh mắt thất thần của nạn nhân, tiếng la hét và có khi là sự im lặng đến đau lòng", luật sư Liên ngậm ngùi.

Vai trò của luật sư khi tham gia bảo vệ người yếu thế

Luật sư Bích Liên còn tham gia bảo vệ cho người yếu thế trong các vụ tranh chấp tài sản thừa kế. Bà kể, từng tham gia bảo vệ cho nguyên đơn đã 80 tuổi trong vụ án dân sự kéo dài hơn 10 năm. Vụ việc bắt đầu từ "tranh chấp tài sản thừa kế" sau đó chuyển sang "tranh chấp tài sản chung". Đương sự đã phải trải qua 4 lần khởi kiện, 3 lần đình chỉ, 8 lần khiếu nại... Qua nhiều đời thẩm phán thụ lý, gần nửa cuộc đời đi kiện đến cạn kiệt sức, mệt mỏi; mới đây ông cụ đã mất nhưng vụ kiện vẫn còn dở dang.

Ngày truyền thống luật sư Việt Nam 10.10: Nữ luật sư 10 năm đồng hành cùng người yếu thế

"Tham gia bảo vệ người yếu thế không chỉ là một hành trình pháp lý mà còn là góc độ nhân văn của nghề luật sư", luật sư Liên chia sẻ

ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Theo luật sư Liên, tham gia bảo vệ những người yếu thế là công việc phức tạp, đòi hỏi luật sư không chỉ phải am hiểu pháp luật mà còn cần có lòng kiên nhẫn, sự cảm thông sâu sắc vì các vụ tranh chấp tài sản thừa kế thường kéo dài, quy trình pháp lý phức tạp. Đặc biệt, khi có nhiều bên tham gia tranh chấp hoặc tài sản có giá trị lớn.

Ngoài ra, vai trò của luật sư trong việc bảo vệ người yếu thế không chỉ tư vấn pháp lý, cung cấp các kiến thức pháp luật giúp người yếu thế hiểu rõ quyền, nghĩa vụ của mình, các bước cần thực hiện để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng mà còn giúp đỡ họ trong việc đấu tranh quyền cơ bản của con người. Đồng thời, đối phó với các hành vi lạm dụng, bạo hành, bóc lột, phân biệt đối xử...

Đưa ánh mắt nhìn ra xa, luật sư Liên nói, niềm vui bé nhỏ và giản đơn nhất của bà trong quá trình hành nghề luật sư đó là giành được kết quả công bằng cho những người kém may mắn trong xã hội. Đó có thể là một nạn nhân của bạo hành gia đình được bảo vệ an toàn; một trẻ em bị xâm hại tìm được công lý; một người vô gia cư nhận được quyền lợi cơ bản của mình, vụ án mà mình tham gia được tòa án, HĐXX ghi nhận... Đó không chỉ là niềm tự hào về nghề nghiệp mà còn là động lực để bà tiếp tục dấn thân vào con đường bảo vệ công lý, lẽ phải.

"Tham gia bảo vệ người yếu thế không chỉ là một hành trình pháp lý mà còn là góc độ nhân văn của nghề luật sư. Điều đó giúp cho người hành nghề luật sư không chỉ thực thi công lý mà còn góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp hơn, nơi mọi người đều được tôn trọng và bảo vệ, bất kể hoàn cảnh hay số phận nào", luật sư Bích Liên chia sẻ thêm.

 

 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Thanh toán hóa đơn SCTV

lịch phát sóng trên truyền hình

Hắc sắc nguyệt quang - SCTV9

 

Ông chủ trường đua - SCTV9

 

Thâm cung nội chiến - SCTV9

Xứng danh tài nữ 4 - SCTV9 lần đầu tiên phát sóng tại Việt Nam

Wifi Internet SCTV: Tăng tốc gấp đôi – Giá không đổi

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Tin tổng hợp

Liên kết trang

 

Truyen hinh cap va Mang Internet SCTV

 

sctvonline

Trang tin sống động từng giây scj-shopping
Trang tin chuyện nóng 24h

 

Nguồn: Vietcombank

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...