“Cứ 3 tháng thì công ty sẽ kiểm toán quỹ một lần. Nghe nói, khi kiểm toán thấy số lượng bị thiếu”, chị T. cho hay.
Theo lời chị T., phía công ty nói kiện hàng này trị giá khoảng 60 triệu đồng. Công ty đã dùng nhiều cách khác nhau để tìm kiện hàng đã mất và người nào lấy, nhưng đến giờ vẫn chưa được.
Để bù cho kiện hàng đã mất, công ty đi mua lại hàng bên ngoài, giá tăng thêm 10 triệu đồng. Như vậy, theo thông báo của công ty, tổng trị giá của kiện hàng là 70 triệu đồng. Phía công ty sẽ chịu 40 triệu đồng, còn lại số tiền 30 triệu đồng sẽ để công nhân khối hoàn thành bù vào.
Công ty cho rằng tập thể công nhân khâu hoàn thành phải chịu trách nhiệm cho việc tài sản công ty thất thoát.
Sau đó, công ty phát đi một một danh sách 111 người lao động bị trừ tiền vào lương để bù cho số tiền của kiện hàng. Công ty cũng gửi cho công nhân hình ảnh mà công ty đi mua hàng bên ngoài về.
“Chúng tôi chưa có thông báo bằng văn bản chính thức nào của công ty về việc mất kiện hàng. Trong danh sách mà công ty phát đi, mỗi công nhân sẽ bị trừ một mức tiền cao thấp khác nhau dựa theo chức vụ, hệ số và số ngày công của mỗi người trong tháng 4.2024”, chị T. kể lại.
Theo chị T., các công nhân phản ứng kịch liệt, vì cho rằng điều này là không công bằng và sai quy định của pháp luật lẫn sai nội quy lao động và thỏa ước lao động tập thể của công ty.
Ngày 7.5, công nhân có buổi gặp với công đoàn cơ sở tại công ty, thế nhưng không giải quyết được vấn đề. Cũng trong ngày này, khi nhận lương, công nhân thấy tiền của mình đã bị trừ, dù họ chưa đồng ý với quyết định của công ty.
“Chúng tôi phản ứng và đến nay nhận được tin công đoàn cơ sở và công đoàn cấp trên sẽ làm việc với ban chấp hành và công ty về vấn đề này. Nếu không giải quyết thỏa đáng, chúng tôi sẽ khiếu nại và khởi kiện ra tòa”, chị T. nói.
Trừ tiền lương như vậy đã đúng luật chưa?
Luật sư Trương Văn Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết theo điều 102 bộ luật Lao động năm 2019, người sử dụng lao động chỉ được khấu trừ tiền lương của người lao động để bồi thường thiệt hại do làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động theo quy định tại điều 129 của bộ luật này.
Theo đó, người lao động làm mất tài sản của người sử dụng lao động thì phải bồi thường thiệt hại một phần hoặc toàn bộ theo thời giá thị trường hoặc nội quy lao động.
Đồng thời, người lao động có quyền được biết lý do khấu trừ tiền lương của mình và mức khấu trừ tiền lương hằng tháng không được quá 30% tiền lương thực trả hằng tháng của người lao động, sau khi tiền lương được trích nộp đóng các khoản bảo hiểm và thuế thu nhập cá nhân.
Về trình tự, thủ tục bồi thường đối với người lao động được quy định tại điều 71 Nghị định 145 của Chính phủ năm 2020.
Cụ thể, trong thời hiệu xử lý bồi thường thiệt hại (6 tháng kể từ ngày người lao động có hành vi làm mất tài sản), người sử dụng lao động tiến hành họp xử lý bồi thường thiệt hại.
Ít nhất 5 ngày làm việc trước khi tiến hành họp xử lý bồi thường thiệt hại, người sử dụng lao động thông báo đến các thành phần phải tham dự họp (quy định tại điểm b, điểm c khoản 1 điều 122 của bộ luật Lao động) gồm tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, người lao động hoặc người đại diện theo ủy quyền, thẩm định viên về giá (nếu có).
Cần lưu ý, việc tổ chức cuộc họp này không có nghĩa là người lao động đã có hành vi gây thiệt hại hay chắc chắn phải bồi thường.
Theo luật sư Trương Văn Tuấn, thông qua cuộc họp này, công ty phải chứng minh được lỗi của người lao động. Người lao động có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc tổ chức đại diện người lao động bào chữa cho mình.
Đồng thời, việc xem xét, quyết định mức bồi thường thiệt hại phải căn cứ vào lỗi, mức độ thiệt hại thực tế và hoàn cảnh thực tế gia đình, nhân thân và tài sản của người lao động (căn cứ điều 130 về xử lý bồi thường thiệt hại).
Như vậy, để xử lý việc bồi thường đối với người lao động, người sử dụng lao động phải tổ chức họp xử lý bồi thường thiệt hại nhằm xác định hành vi có lỗi của người lao động, mức độ thiệt hại thực tế và hoàn cảnh gia đình của người lao động.
Luật sư Trương Văn Tuấn phân tích: “Trong trường hợp này, Công ty TNHH N. trừ tiền lương của người lao động khi chưa chứng minh được hành vi có lỗi của người lao động. Công ty chưa có đủ căn cứ. Hơn thế, việc trừ tiền vào lương của người lao động khi chia theo chức vụ hệ số, số ngày công trong tháng 4 là không phù hợp quy định pháp luật như đã dẫn”.
Công nhân có thể làm gì?
Khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi của người sử dụng lao động là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì người bị xâm phạm (trong trường hợp này là công nhân) hãy khiếu nại lần đầu người sử dụng lao động (căn cứ theo quy định tại khoản 1, điều 15 của Nghị định 24 của Chính phủ năm 2018 về giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực lao động).
Nếu không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quá thời hạn quy định về giải quyết khiếu nại lần đầu mà khiếu nại không được giải quyết, công nhân hãy gửi khiếu nại lần hai đến Chánh thanh tra Sở LĐ-TB-XH.
Công nhân có quyền khởi kiện tại tòa án cấp huyện (theo khoản 2, điều 10 Nghị định 24) ngay từ đầu nếu cho rằng quyết định, hành vi của người sử dụng lao động là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Ngoài ra, công nhân có quyền khởi kiện tại tòa án khi:
- Không đồng ý với kết quả giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quá thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu mà chưa có kết quả.
- Không đồng ý với kết quả giải quyết khiếu nại lần hai hoặc quá thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai mà chưa có kết quả.