Học trong nước, bằng cấp được nước ngoài công nhận

16:03 - 13/01/2025

Hội nhập quốc tế trong giáo dục ĐH không chỉ là thu hút giảng viên, sinh viên nước ngoài đến VN học tập, giảng dạy mà còn là việc làm thế nào để bằng cấp, tín chỉ của trường ĐH Việt được nước ngoài công nhận trong học tập, làm việc.

Mới đây, Phó thủ tướng Nguyễn Thành Long ký Quyết định phê duyệt đề án Hội nhập quốc tế trong giáo dục đào tạo đến năm 2030. Trong đó, một trong những mục tiêu của giáo dục ĐH là có trên 20% chương trình đào tạo trong các cơ sở giáo dục ĐH của VN đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng của các tổ chức kiểm định nước ngoài có uy tín.

Một trong những nhiệm vụ và giải pháp là đẩy mạnh việc ký kết công nhận văn bằng và quá trình đào tạo với nước ngoài; khuyến khích các cơ sở giáo dục ĐH của VN và các cơ sở giáo dục ĐH có chất lượng cao của nước ngoài ký kết công nhận tín chỉ và quá trình đào tạo.

Trên thực tế, trong nhiều năm qua, không ít cơ sở giáo dục ĐH đã có nhiều chương trình đào tạo đạt kiểm định chất lượng quốc tế giúp người tốt nghiệp có thể sử dụng bằng cấp học ở trong nước để học tiếp lên các bậc cao hơn hoặc làm việc ở nước ngoài.

XÂY DỰNG, CẢI TIẾN CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO THEO HƯỚNG QUỐC TẾ

PGS-TS Bùi Quang Hùng, Phó giám đốc ĐH Kinh tế TP.HCM (UEH), cho biết một trong những chiến lược hội nhập quốc tế của UEH là quốc tế hóa chương trình đào tạo, khởi điểm từ việc triển khai đồng bộ và toàn diện các chương trình tiên tiến quốc tế từ năm 2015.

Học trong nước, bằng cấp được nước ngoài công nhận

Nhiều trường ĐH đang hướng đến mục tiêu sinh viên tốt nghiệp trong nước có thể sử dụng bằng cấp để vào làm việc tại các quốc gia như Mỹ, châu Âu

ẢNH: MỸ QUYÊN

"Các chương trình tiên tiến quốc tế từ thời điểm đó đã được xây dựng trên cơ sở tham khảo chương trình đào tạo của 200 trường ĐH hàng đầu thế giới. Sau gần 10 năm thực hiện, cập nhật và cải tiến không ngừng, đa số các chương trình đào tạo của UEH đã được công nhận tín chỉ và văn bằng bởi hầu hết các trường ĐH, tổ chức giáo dục uy tín trên thế giới như Mỹ, Úc, Anh, Canada, New Zealand, Pháp, Hà Lan, Hàn Quốc...", PGS-TS Hùng thông tin.

PGS-TS Trần Thiên Phúc, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết từ lâu trường đã có định hướng xây dựng chương trình đào tạo và tham gia kiểm định chất lượng quốc tế để trong tương lai gần sinh viên đủ tố chất và có thể sử dụng bằng tốt nghiệp của trường tham gia tuyển dụng vào doanh nghiệp của các nước.

"Hiện trường có 45 chương trình ĐH và thạc sĩ được các tổ chức quốc tế CTI, AQAS, ASIIN, FIBAA, ABET kiểm định. Đó là các chương trình như kỹ thuật cơ khí, kỹ thuật điện, kỹ thuật môi trường, công nghệ sinh học, vật lý kỹ thuật, kiến trúc, công nghệ may, quản trị kinh doanh…", PGS-TS Phúc thông tin.

Tại Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng), có 12 chương trình chuyển tiếp và công nhận tín chỉ theo mô hình 2+2 hoặc 3+1 với các trường ĐH uy tín của Úc, New Zealand, Anh, Mỹ như ĐH Monash, ĐH Swinburne, ĐH Massey, ĐH Coventry, ĐH Heriot Watt, ĐH Hull, ĐH Nottingham Trent, ĐH CityU Seattle, ĐH Ball State…

"Ngoài ra trường còn có 2 chương trình liên kết đào tạo với ĐH Coventry (Anh) và ĐH CityU Seattle (Mỹ), trong đó sinh viên học tại VN theo tiêu chuẩn của các đối tác và nhận văn bằng của trường đối tác. Tất cả chương trình trao đổi, chuyển tiếp của trường đều đã đạt chứng nhận từ các tổ chức kiểm định như AUN-QA (Mạng lưới đảm bảo chất lượng của các trường ĐH ASEAN)", PGS-TS Đoàn Ngọc Phi Anh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng), cho hay.

Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM có các chương trình cử nhân cấp song bằng với ĐH Bolton (Anh), ĐH Toulon (Pháp) và chương trình được các trường của Anh (ĐH Greater Manchester - Bolton), Úc (ĐH Macquarie, Griffith, Adelaide), New Zealand (ĐH Lincoln), Pháp (ĐH EM Normandi), Canada (ĐH Trent) và Mỹ (ĐH CityU) công nhận tín chỉ để sinh viên học chuyển tiếp. Các văn bằng này cũng được công nhận toàn cầu.

NG TUYỂN VÀO CÁC VỊ TRÍ CÔNG VIỆC Ở NHIỀU QUỐC GIA

Theo PGS-TS Bùi Quang Hùng, để được các trường ĐH nước ngoài công nhận tín chỉ và văn bằng, UEH đã phải đáp ứng các tiêu chuẩn kiểm định quốc tế về cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo từ các tổ chức quốc tế độc lập và uy tín. "Quá trình đạt được và duy trì sự công nhận này không hề dễ dàng. Theo tôi, khó khăn lớn nhất hiện nay đối với UEH cũng như của các cơ sở giáo dục ĐH khác là việc đồng bộ hóa và đưa các chương trình đào tạo của UEH vào "bản đồ" chuẩn quốc tế, đảm bảo vừa đáp ứng tốt yêu cầu hội nhập quốc tế vừa phù hợp với bối cảnh, tình hình thực tiễn quy định về giáo dục tại VN. Điều này đòi hỏi đội ngũ tham gia xây dựng và quản lý chương trình phải chủ động, sáng tạo trong việc thiết kế, cập nhật, và điều chỉnh nội dung đào tạo để đáp ứng các tiêu chí quốc tế một cách linh hoạt và hiệu quả", ông Hùng nhận định.

Học trong nước, bằng cấp được nước ngoài công nhận

Một chương trình có giảng viên nước ngoài tham gia giảng dạy

ẢNH: T.V

PGS-TS Trần Thiên Phúc cũng cho rằng để được các tổ chức uy tín của nước ngoài này kiểm định, chương trình phải được thiết kế, xây dựng chuẩn hóa theo tiêu chí cụ thể. Bên cạnh đó là chuẩn hóa đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, các điều kiện, hoạt động phục vụ đào tạo, quản trị… đòi hỏi đầu tư kinh phí, đầu tư con người một cách nghiêm túc và phải có quá trình dài hoàn thiện.

Trong khi đó, PGS-TS Đoàn Ngọc Phi Anh cũng đánh giá các tổ chức kiểm định như AACSB, AUN-QA yêu cầu quy trình kiểm tra khắt khe, lâu dài với nhiều vòng thẩm định, đòi hỏi nguồn lực lớn để chuẩn bị, triển khai và duy trì các tiêu chuẩn. "Nhiều khung đào tạo trong nước chưa hoàn toàn tương thích với chuẩn quốc tế, đòi hỏi trường phải điều chỉnh mạnh mẽ cả về nội dung và phương pháp, đồng thời quy trình đối sánh tín chỉ và chuẩn hóa đánh giá chưa đồng bộ hoàn toàn giữa các quốc gia", ông Phi Anh nhận định.

"Tuy nhiên, dù khó khăn nhưng giá trị mang lại cho người học có thể nhìn thấy rất rõ. Bằng cấp của những chương trình đào tạo được kiểm định, đặc biệt là bởi tổ chức AQAS như kỹ thuật cơ khí, kỹ thuật điện, kỹ thuật cơ điện tử, logistics và quản lý chuỗi cung ứng… Sinh viên tốt nghiệp các chương trình này hoàn toàn có thể nộp hồ sơ xin việc tại các doanh nghiệp châu Âu. Còn sinh viên các chương trình được ABET kiểm định như khoa học máy tính, kỹ thuật máy tính có thể làm việc ở các công ty tại Mỹ", PGS-TS Phúc cho hay.

PGS-TS Bùi Quang Hùng cũng nhận định: "Người học tham gia các chương trình được kiểm định quốc tế, được trường nước ngoài công nhận tín chỉ và văn bằng sẽ nhận được nhiều lợi ích vượt trội. Trước hết, các em có thêm cơ hội học chuyển tiếp ở nước ngoài, học lên các bậc cao hơn, đồng thời có thể sử dụng bằng cấp để ứng tuyển vào các vị trí công việc ở nhiều quốc gia".

Theo bà Trần Hải Vân, Phó viện trưởng Viện Đào tạo quốc tế Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, sinh viên của trường tốt nghiệp các chương trình được nước ngoài công nhận tín chỉ hoặc cấp bằng đều đã đi làm ở các công ty, tổ chức nước ngoài. "Tuy nhiên nhiều em không học chương trình liên kết nhưng nếu tiếng Anh giỏi, có năng lực và có nhu cầu nhận bằng cấp của các trường đối tác nước ngoài, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM vẫn tạo điều kiện hỗ trợ để các em chuyển tiếp ra nước ngoài học tập. Trên thực tế rất nhiều em dù bằng cấp hoàn toàn của VN nhưng vì giỏi chuyên môn kiến thức đặc biệt là giỏi tiếng Anh thì vẫn làm việc ở nước ngoài hoặc các tập đoàn nước ngoài tại VN. Nghĩa là họ vẫn công nhận kiến thức, bằng cấp mà các em đã học ở trường ĐH Việt. Điều đó cho thấy chương trình đào tạo của trường ĐH Việt đang cập nhật, cải tiến tiệm cận quốc tế để các em đủ năng lực làm việc ở mọi quốc gia", bà Vân thông tin thêm.

Nhiều sinh viên tốt nghiệp các chương trình liên kết và chương trình đạt kiểm định quốc tế của Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) cũng đã làm việc tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Đầu vào tiếng Anh khó hơn, học phí cao hơn

Tại Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, đầu vào của các chương trình học này xét theo kết quả học tập THPT kết hợp phỏng vấn. Để được vào giai đoạn học chính thức, sinh viên phải đáp ứng điều kiện về tiếng Anh tương đương bậc 4 theo Khung năng lực ngoại ngữ của VN.

ĐH Kinh tế TP.HCM cũng yêu cầu tiêu chuẩn về trình độ ngoại ngữ. Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) xét điểm học bạ hoặc điểm thi tốt nghiệp THPT, cùng với đó là yêu cầu chứng chỉ tiếng Anh quốc tế hoặc tham gia bài kiểm tra tiếng Anh đầu vào của trường.

Về học phí, các chương trình được nước ngoài kiểm định hoặc được công nhận văn bằng, tín chỉ thường có mức học phí cao hơn do sinh viên được thụ hưởng điều kiện học tập tốt hơn như lớp học nhỏ, hệ sinh thái học tập (nền tảng học tập trực tuyến, thư viện số...) và chương trình đào tạo, giảng viên chuẩn quốc tế. Ngoài ra, sinh viên còn được tham gia các chương trình trao đổi, trại hè quốc tế hoặc hội thảo chuyên sâu từ các trường đối tác nước ngoài.

 

 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Thanh toán hóa đơn SCTV

lịch phát sóng trên truyền hình

Sui Gia Nan Giải - SCTV9

 

Bà xã cát tường - SCTV9

 

Cuộc sống hôn nhân - SCTV9

Wifi Internet SCTV: Tăng tốc gấp đôi – Giá không đổi

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Tin tổng hợp

Liên kết trang

 

Truyen hinh cap va Mang Internet SCTV

 

sctvonline

Trang tin sống động từng giây scj-shopping
Trang tin chuyện nóng 24h

 

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...