Điều chỉnh lệ phí đăng ký, cấp biển xe ô tô, xe máy
Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 60/2023/TT-BTC mới đây quy định mức thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý lệ phí đăng ký, cấp biển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Thông tư này chính thức có hiệu lực từ ngày 22.10. Theo đó, quy định mức thu lệ phí đăng ký, cấp biển cấp biển số xe ô tô như sau:
Một trong những điểm mới đáng chú ý tại Thông tư 60/2023/TT-BTC (Thông tư 60) là việc có thêm dòng “xe con pick-up” xếp cùng nhóm xe con dưới 9 chỗ, bị áp mức thu lệ phí cấp lần đầu chứng nhận đăng ký kèm theo biển số ở mức 20 triệu đồng tại khu vực I, gồm Hà Nội và TP.HCM. Thực tế, từ trước đến nay, xe bán tải hay còn gọi là pick-up đang chịu mức lệ phí đăng ký, cấp biển số lần đầu ở mức 500 ngàn đồng tại khu vực I.
Tại Việt Nam, các mẫu xe xếp vào loại “xe con pick-up” không nhiều, chủ yếu là loại xe có thùng pick-up nhưng không phải xe tải. Đơn cử như Ford F-150 hoặc Ram 1500… Các mẫu xe này thường có khối lượng chuyên chở cả người và hàng dưới 950 kg, đồng thời thường được trang bị hệ thống đa liên kết như xe chở người.
Bên cạnh đó, Thông tư 60 cũng quy định rõ 4 trường hợp được miễn lệ phí đăng ký xe cơ giới bao gồm:
Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế thuộc hệ thống Liên hợp quốc; Viên chức ngoại giao, viên chức lãnh sự, nhân viên hành chính kỹ thuật của cơ quan đại diện ngoại giao và cơ quan lãnh sự nước ngoài, thành viên các tổ chức quốc tế thuộc hệ thống Liên hợp quốc và thành viên của gia đình họ không phải là công dân Việt Nam; Tổ chức, cá nhân nước ngoài khác (cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế liên chính phủ ngoài hệ thống Liên hợp quốc, cơ quan đại diện của tổ chức phi chính phủ, các đoàn của tổ chức quốc tế, thành viên của cơ quan và tổ chức khác) không thuộc các đối tượng nêu trên, nhưng được miễn nộp hoặc không phải nộp lệ phí cấp chứng nhận đăng ký, biển số phương tiện giao thông theo cam kết quốc tế, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; Xe mô tô ba bánh chuyên dùng cho người khuyết tật.
Áp dụng các thủ tục hành chính khi đăng kiểm ô tô
Theo Quyết định 1137/QĐ-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT), bắt đầu từ hôm nay (1.10) – thời điểm Quyết định 1137có hiệu lực, có 4 thủ tục hành chính được ban hành mới trong lĩnh vực đăng kiểm thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ GTVT, bao gồm:
Cấp Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu.
Cấp Thông báo miễn kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường linh kiện nhập khẩu.
Cấp lại Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu.
Cấp lại Thông báo miễn kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường linh kiện nhập khẩu.
Quy định rõ 2 trường hợp ô tô thuộc diện phải triệu hồi
Từ tháng 10.2023, việc triệu hồi ô tô bị lỗi không chỉ theo công bố của nhà sản xuất mà còn theo yêu cầu của cơ quan kiểm tra, bên cạnh đó còn có nhiều quy định về trách nhiệm của nhà nhập khẩu ô tô trong trường hợp có các mẫu xe phải triệu hồi.
Cụ thể, điều 8 Nghị định 60/2023/NĐ-CP quy định về việc kiểm tra, chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường ô tô nhập khẩu và linh kiện nhập khẩu của các Hiệp định mà Việt Nam là thành viên. Từ ngày 1.10.2023, hai trường hợp ô tô thuộc diện triệu hồi gồm: Ô tô triệu hồi theo công bố của nhà sản xuất và ô tô triệu hồi theo yêu cầu của cơ quan kiểm tra.
Việc yêu cầu triệu hồi của cơ quan kiểm tra được thực hiện trên cơ sở bằng chứng cụ thể, kết quả xác minh các thông tin phản ánh về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường ô tô nhập khẩu.
Bên cạnh đó, trách nhiệm của nhà nhập khẩu trong trường hợp các ô tô đã đưa ra thị trường có lỗi kỹ thuật phải triệu hồi cũng được quy định rõ tại khoản 2, điều 8 Nghị định 60/2023/NĐ-CP. Theo đó, trong thời gian không quá 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo triệu hồi từ nhà sản xuất hoặc từ cơ quan kiểm tra, người nhập khẩu phải thông báo bằng văn bản tới các đại lý bán hàng yêu cầu không bán ra thị trường các ô tô thuộc diện triệu hồi mà chưa được khắc phục.
Trong thời gian không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo triệu hồi từ nhà sản xuất hoặc từ cơ quan kiểm tra, người nhập khẩu phải gửi tới cơ quan kiểm tra báo cáo bằng văn bản các nội dung sau: nguyên nhân xảy ra lỗi kỹ thuật; biện pháp khắc phục; số lượng ô tô phải triệu hồi; kế hoạch triệu hồi phù hợp. Chủ động thực hiện và tuân thủ theo đúng kế hoạch triệu hồi, đồng thời người nhập khẩu phải công bố thông tin về kế hoạch triệu hồi và danh sách ô tô phải triệu hồi trên trang thông tin điện tử của người nhập khẩu, các đại lý bán hàng một cách kịp thời, đầy đủ.