Mưa lớn không chỉ làm giảm tầm nhìn, khó quan sát mà còn khiến người lái dễ mất kiểm soát khi điều khiển ô tô qua các vùng ngập nước, trơn trượt. Bên cạnh đó, nhiều chi tiết bộ phận trên xe cũng dễ gặp sự cố, hư hỏng khi mùa mưa đến.
Dưới đây là 5 sự cố các tài xế thường gặp khi lái ô tô dưới trời mưa:
1. Các cửa kính bị mờ hơi sương
Hiện tượng kính lái, kính cửa sổ hai bên của xe bị mờ xuất phát từ sự chênh lệch nhiệt độ bên ngoài và trong khoang lái. Tại Việt Nam, các tài xế thường gặp phải hiện tượng này khi lái xe trong trời mưa hay đi qua những khu vực thời tiết lạnh, độ ẩm cao... Nhiệt độ bên ngoài thấp hơn nhiệt độ trong khoang nội thất cùng với hoạt động của hệ thống điều hòa, hơi ấm tỏa ra từ người ngồi trong xe làm xuất hiện hơi nước ngưng tụ trên bề mặt kính. Điều này làm cản trở tầm nhìn của tài xế, gây khó khăn cho việc điều khiển xe.
Để khắc phục tình trạng này, nên kích hoạt chức năng sấy kính thông qua nút bấm thường được tích hợp trên bảng điều khiển trung tâm, hoặc bật hệ thống điều hòa, từng bước điều chỉnh nhiệt độ, hướng cửa gió để giảm mức chênh lệch với môi trường bên ngoài.
2. Gương chiếu hậu hai bên bị nhòe khó quan sát
Không chỉ mờ các cửa kính, khi lái ô tô dưới trời mưa nước mưa còn khiến các lái xe cảm thấy gương chiếu hậu hai bên bị nhòe khó quan sát. Đặc biệt, khi lái xe vào ban đêm ánh sáng đèn kết hợp nước mưa trên kính chiếu hậu còn gây cản trở tầm nhìn của người lái. Để xử lý tình trạng này, tài xế có thể gắn thêm vè che mưa gương chiếu hậu cho xe ô tô hoặc dùng miếng dán chống đọng nước kính hông và gương chiếu hậu.
3. Cần gạt mưa xuống cấp, để lại vệt nước trên kính lái
Cần gạt mưa kính lái, kính hậu là chi tiết quan trọng góp phần giúp người lái đảm bảo tầm quan sát khi lái xe trong điều kiện trời mưa. Sau một thời gian sử dụng, lưỡi gạt bằng cao su thường bị mòn, xuống cấp dẫn đến việc gạt không sạch thậm chí để lại những vệt nước trên kính lái.
Bên cạnh đó, hệ thống điều khiển truyền động cần gạt theo thời gian cũng sẽ dễ phát sinh hư hỏng. Vì vậy, người dùng ô tô nên chú ý kiểm tra chi tiết này. Nên bật thử các cần gạt mưa, nếu phát hiện lưỡi gạt nước vẫn còn để lại những vệt nước nhỏ trên kính lái bạn nên kiểm tra chất lượng lưỡi gạt nước. Nếu chi tiết này quá mòn, hay lớp cao su bị chai cứng... nên thay thế. Ngoài ra, nên kiểm tra bình chứa nước rửa kính, nếu mực nước quá cạn nên châm thêm.
4. Hệ thống phanh kém nhạy
Bên cạnh gạt mưa, hệ thống phanh rất quan trọng với xe nhưng cũng dễ phát sinh sự cố, hư hỏng thậm chí xuất hiện những âm thanh gây khó chịu. Khi sử dụng ô tô dưới trời mưa, mặt đường ướt, hệ thống phanh có thể trở nên kém nhạy hơn. Nước lọt vào giữa má phanh và đĩa có thể gây ra âm thanh khó chịu khi người lái đạp phanh, thậm chí làm gián đoạn sự tiếp xúc giữa hai bộ phận. Để tránh tình trạng này, người lái xe nên tiến hành bảo dưỡng định kỳ để kiểm tra tình trạng dầu phanh và thay thế, đặc biệt với những xe đã sử dụng qua ngưỡng 40.000 km.
Ngoài ra, lốp mòn còn có thể làm giảm độ bám đường, khiến xe khó dừng lại ở tốc độ cao. Trên lốp xe có biểu tượng chỉ báo độ mòn gai lốp (TWI) giúp người lái xe đo được giới hạn độ mòn cho phép. Nếu gai lốp đã đạt đến tam giác TWI thì bạn nên thay lốp.
5. Xe bị trượt nước
"Trượt nước" là một trong những hiện tượng xe thường gặp phải khi trời mưa. Người Mỹ gọi đây là "Hydroplaning" còn tại châu Âu hay Nhật Bản lại có tên gọi khác là "Aquaplaning" - lướt trên mặt nước. Tuy nhiên dù được gọi tên như thế nào, xe trượt nước cũng là hiện tượng xảy ra khi bánh xe không thể tiếp xúc một cách an toàn với mặt đường vì không đảm bảo ma sát.
Khi trời mưa, đường ướt lốp ô tô thoát nước kém gây mất tiếp xúc với mặt đường. Điều này dẫn đến mất lực kéo và mất ổn định xe. Nguyên nhân là do vũng nước dày và tốc độ xe cao khiến các rãnh lốp không thể thoát nước hiệu quả. Để tránh hiện tượng trượt nước, hãy giảm tốc độ khi lái xe dưới trời mưa hay đi qua các vũng nước. Ngoài ra, hãy kiểm tra để đảm bảo lốp xe không bị mòn, vì điều này có thể khiến lốp không thoát được nước và khó phanh, dẫn đến xe mất lái.