>> Chu kỳ đăng kiểm ô tô con vẫn dày đặc, làm khó dân, kiến nghị thay đổi
Nguy cơ ùn tắc đăng kiểm
Cục Đăng kiểm Việt Nam dự báo, nguy cơ ùn tắc kiểm định ô tô sẽ tái diễn vào các tháng giữa năm và cuối năm 2024 tại nhiều địa phương. Khi các vụ án liên quan tới đăng kiểm được đưa ra xét xử trong tháng 7/2024, sẽ có nhiều trung tâm đăng kiểm phải tạm đóng cửa, nhiều đăng kiểm viên đang làm việc phải ra tòa.
Theo thống kê, cả nước hiện có 2.474 đăng kiểm viên nhưng hơn 900 người đã bị khởi tố. Trong số 1.818 đăng kiểm viên đang tham gia hoạt động kiểm định hiện nay có 291 người bị khởi tố.
Theo quy định pháp luật, trường hợp đăng kiểm viên bị kết tội bằng bản án đã có hiệu lực của tòa án, liên quan đến lĩnh vực kiểm định xe cơ giới, sẽ bị thu hồi chứng chỉ đăng kiểm viên, khiến nhiều trung tâm đăng kiểm trên cả nước phải dừng hoạt động.
Cục Đăng kiểm dự báo, cả nước có tới 36 địa phương có nguy cơ bị ùn tắc phương tiện đến kiểm định. Sẽ có những địa phương không còn trung tâm đăng kiểm nào hoạt động như: Bắc Kạn và Thái Bình. Ùn tắc sẽ lan ra cả nước, do các phương tiện tìm đến kiểm định tại các địa phương khác.
Trước tình hình này, Cục Đăng kiểm đã kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải, trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 139/2018/NĐ-CP và Nghị định số 30/2023/NĐ-CP, quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới, theo trình tự, thủ tục rút gọn. Theo đó, không thu hồi chứng chỉ đăng kiểm viên đối với các trường hợp bị toà án kết tội, cho hưởng án treo, không cấm hành nghề hoặc cho cải tạo không giam giữ. Đồng thời, kiến nghị không đóng cửa các đơn vị đăng kiểm có từ 2 đăng kiểm viên bị thu hồi chứng chỉ đăng kiểm viên đối với các vụ án đăng kiểm bị khởi tố. Như vậy sẽ tránh gây thiệt hại không đáng có cho người dân và doanh nghiệp, làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, những kiến nghị này chưa rõ có khả thi hay không, bởi vi phạm pháp luật, tùy từng trường hợp có những mức nặng nhẹ khác nhau, liên quan tới nhiều quy định khác nhau của pháp luật, không thể tùy tiện thay đổi được. Những kiến nghị này vẫn chỉ là giải pháp tình thế hơn là dài hạn, có thể phát sinh những hậu quả khó lường khác.
Giãn chu kỳ kiểm định?
Một số ý kiến đặt câu hỏi, tại sao Bộ Giao thông Vận tải không tính đến việc sửa đổi Thông tư 02/2023/TT-BGTVT? Thông tư số 02/2023/TT-BGTVT, được Bộ Giao thông Vận tải ban hành ngày 21/3/2023, quy định thời hạn đăng kiểm đối với ô tô chở người các loại đến 9 chỗ ngồi, không kinh doanh vận tải như sau: miễn kiểm định chu kỳ đầu tiên 36 tháng; xe có thời gian sản xuất đến 7 năm, chu kỳ kiểm định là 24 tháng; xe có thời gian sản xuất trên 7 năm đến 20 năm, chu kỳ kiểm định là 12 tháng; xe có thời gian sản xuất trên 20 năm, chu kỳ kiểm định là 6 tháng.
Theo chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng, quy định này còn quá dày đặc, thiếu cập nhật thực tế về công nghệ sản xuất ô tô hiện đại và gây khó cho người dân. Tại Liên minh châu Âu (EU) ô tô con mới sản xuất được miễn kiểm định 3 năm đầu và về sau cứ định kỳ 2 năm mới kiểm định một lần, không quan tâm tới năm sản xuất; ở Nhật Bản, Hàn Quốc cũng tương tự; còn ở Mỹ, tại một số tiểu bang, xe mới được miễn kiểm định tới 4 năm, về sau cũng chỉ có định kỳ 2 năm không quan tâm tới năm sản xuất…
So sánh với Việt Nam có thể thấy, quy định về chu kỳ kiểm định ô tô con mới sản xuất đến hết năm thứ 7, đã tương đồng với các nước phát triển như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ… Tuy nhiên, quy định chu kỳ kiểm định 12 tháng/lần với xe sản xuất từ sau 7 -20 năm và 6 tháng/lần với xe sản xuất sau 20 năm, còn quá dày đặc. Tính ra, một chiếc xe con đến 9 chỗ ngồi, không kinh doanh vận tải, lưu hành tại Việt Nam, sẽ phải thực hiện kiểm định tới 14 lần/20 năm, cao hơn so với 9 lần/20 năm ở các nước EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ. Nếu chiếc xe này lưu hành 30 năm, sẽ phải kiểm định tới 34 lần, trong khi ở các nước EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ chỉ 14 lần. Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, khoảng 70% xe con ở Việt Nam là của các hãng Nhật Bản và Hàn Quốc. Đa số phần còn lại là xe từ Mỹ và EU. Vậy tại sao không theo luôn tiêu chuẩn kiểm định của các quốc gia này?
Ngay từ khi Thông tư 02/2023/TT-BGTVT ban hành, đã có nhiều ý kiến đặt vấn đề cần sửa đổi. Gần đây, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước đã có kiến nghị gửi Bộ Giao thông Vận tải, đề nghị điều chỉnh thời hạn đăng kiểm đối với xe ô tô cá nhân theo hướng nới lỏng thêm thời gian, để vừa đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông và giảm bớt khó khăn về kinh phí, thuận tiện cho người dân.
Thông tư là văn bản pháp luật do cấp bộ soạn thảo và ban hành, nên thuộc thẩm quyền của bộ. Bộ Giao thông Vận tải có thể sửa đổi được ngay. Việc giãn chu kỳ kiểm định với xe con đến 9 chỗ ngồi, không kinh doanh vận tải, sẽ làm giảm số lượng xe đến các trung tâm đăng kiểm, qua đó giúp giảm quá tải. Giãn chu kỳ kiểm định, không có nghĩa là chúng ta chấp nhận rủi ro về an toàn. Với những xe có lịch sử tốt, không bị tai nạn, các thông số kỹ thuật đảm bảo thì nên để chu kỳ kiểm định định kỳ 2 năm/lần. Còn những xe có vấn đề, yêu cầu phải sửa chữa khắc phục và có định kỳ ngắn hơn. Điều này sẽ khuyến khích người dân chăm sóc chiếc xe của mình tốt hơn và điều quan trọng là được “giải thoát” khỏi nỗi khổ về thủ tục đăng kiểm. Đây được coi là giải pháp thiết thực, góp phần quan trọng tránh ùn tắc tại các trung tâm đăng kiểm về lâu dài.