Trong quá trình chuyển đổi số, lãnh đạo phải là người đầu tiên tuyệt đối tuân thủ quy trình chuyển đổi số của đơn vị, doanh nghiệp. Nếu người lãnh đạo không dám thay đổi, không muốn thay đổi thì không ai muốn thay đổi.
Tại Việt Nam, quá trình chuyển đổi số đã, đang diễn ra ở nhiều ngành, lĩnh vực cùng với những nỗ lực của Chính phủ để xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và đã thể hiện được nhiều hiệu quả ưu việt.
Nhận thức đúng về chuyển đổi sốQuyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 3/6/2020 được Thủ tướng Chính phủ ban hành phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm mục tiêu kép vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu.
Bên cạnh đó, chương trình cũng xác định quan điểm: Nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số; người dân là trung tâm của chuyển đổi số; thể chế và công nghệ là động lực của chuyển đổi số; phát triển nền tảng số là giải pháp đột phá để thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn, giảm chi phí, tăng hiệu quả; bảo đảm an toàn, an ninh mạng là then chốt để chuyển đổi số thành công và bền vững, đồng thời là phần xuyên suốt, không thể tách rời của chuyển đổi số…
Xác định quan điểm nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số; hiện thực hóa Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, thời gian qua, Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa phía Bắc (thuộc Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã tập trung xây dựng các công cụ, tài liệu hướng dẫn, phần mềm, cơ sở dữ liệu phục vụ chuyển đổi số; truyền thông nâng cao nhận thức về chuyển đổi số… nhằm thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số trong doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Một trong các nội dung quan trọng của chương trình đào tạo tạo trực tuyến về chuyển đổi số là văn hóa số trong doanh nghiệp. Dựa trên nền tảng văn hóa số, doanh nghiệp sẽ tạo ra được nguồn nhân lực với những giá trị nổi bật như tư duy đột phá, đa dạng ý tưởng mới mẻ, có khả năng tự thích ứng mạnh mẽ, sẵn sàng đón nhận thách thức, tiếp thu các phản hồi để biến chúng thành cơ hội mới. Nhờ đó doanh nghiệp luôn có lợi thế cạnh tranh vượt trội hơn trên thị trường trong ngắn hạn và dài hạn.
Lãnh đạo số đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi sốTheo thông tin từ Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME), 80% lãnh đạo doanh nghiệp mong muốn chuyển đổi số, 65% sẵn sàng đầu tư vào chuyển đổi số. Tuy nhiên, 98% doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa nhận thức trọn vẹn về vai trò của chuyển đổi số, còn thiếu kỹ năng số và nhân lực, thiếu nền tảng công nghệ đủ mạnh, thiếu tư duy hoặc gặp thách thức về văn hóa kỹ thuật số.
TS. Lê Văn Sơn, chuyên gia tư vấn chuyển đổi số và phát triển bền vững cho rằng, đối với doanh nghiệp, áp dụng chuyển đổi số là sự chuyển đổi về định hướng, tư duy, văn hóa. Để quá trình chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhỏ và vừa diễn ra thuận lợi và hiệu quả thì con người đóng vai trò then chốt.
Theo đó, doanh nghiệp cần xây dựng lộ trình đào tạo theo hướng nhân bản, bài bản, giúp người lao động hiểu đúng, tư duy đúng về chuyển đổi số để có phương pháp tiếp cận chính xác từ đầu. Sau đó chuyển từ cách làm việc thủ công sang tạo dựng thói quen mới, chủ động tìm tòi giải pháp mới, kích hoạt năng lực sáng tạo trong doanh nghiệp; tìm kiếm chuyên gia, đối tác, nhà tư vấn, phối hợp với các nguồn lực hỗ trợ chuyển đổi số từ thị trường, chính phủ, tổ chức quốc tế… Đồng thời có sự cải tiến, đổi mới phù hợp với chuyển đổi số, tránh lãng phí nhiều thời gian, công sức, tiền bạc.
Để đạt được hiệu quả trong chuyển đổi số, ông Sơn nhấn mạnh một trong những yếu tố hàng đầu quyết định sự thành công chính là người lãnh đạo. Khi tư duy, suy nghĩ của người lãnh đạo chưa thật sự muốn thay đổi hoặc còn chưa tường tận về vấn đề này cũng không thể chỉ đạo nhân viên cấp dưới thực hiện áp dụng chuyển đổi số vào hoạt động chuyên môn.
Người lãnh đạo đứng đầu phải “truyền lửa” đến tất cả nhân viên hiểu được tầm quan trọng của chuyển đổi số và cũng phải là người đầu tiên tuyệt đối tuân thủ quy trình chuyển đổi số của đơn vị, doanh nghiệp để làm gương.
“Nếu người lãnh đạo không dám thay đổi, không muốn thay đổi thì không ai muốn thay đổi”, Ts. Lê Văn Sơn nhấn mạnh.
Nguồn: vov.vn
Đang gửi...