Phim ngắn Đám đông xoay quanh câu chuyện của một nam người mẫu không may vướng tin đồn có con với người yêu cũ khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp, dẫn đến việc bị cộng đồng mạng tẩy chay và "tấn công" bằng nhiều lời lẽ nặng nề. Tác phẩm khai thác chủ đề bạo lực mạng dưới góc nhìn hiện đại, mới mẻ nhưng cũng đầy ám ảnh với khán giả. Chuyện phim xoay quanh câu chuyện cá nhân của một người nhưng lại vô cùng phổ biến trong thời đại tin giả lan truyền với tốc độ chóng mặt và cộng đồng mạng có xu hướng dễ dàng đánh giá tiêu cực dù chưa thực sự kiểm chứng được tính đúng sai.
Không chỉ đặt ra vấn đề trong nội dung phim, ekip của Đám đông còn đánh động đến người xem bằng những con số thống kê về số lượng người là nạn nhân của bạo lực mạng, bị bôi nhọ danh dự và vu khống, bịa đặt thông tin trên các nền tảng số. Tình tiết phim lôi cuốn cùng diễn xuất tự nhiên của các diễn viên cũng giúp thông điệp được truyền tải một cách ấn tượng. Liệu tác phẩm có thể vượt qua vòng đánh giá ban đầu để lọt vào Top 20 của cuộc thi phim ngắn Vietnamese hay không, hãy cùng chờ đợi danh sách chính thức sau ngày 5.7.2024.
Chọn trường đại học, chọn đam mê hay theo người thân
Ra mắt đúng thời điểm các sĩ tử bước vào kỳ thi THPT quốc gia, phim ngắn Thương đặt ra vấn đề quen thuộc nhưng chưa bao giờ lỗi thời: chọn trường. Chuyện phim xoay quanh hai chị em Bình và An. Cha mẹ mất sớm nên Bình phải làm lụng vất vả để nuôi sống bản thân và cho em gái ăn học thành người. Tuy nhiên, xung đột nảy sinh khi An đam mê diễn xuất và muốn trở thành diễn viên, trong khi Bình lại xem đây là một nghề nghiệp không ổn định và khó thành công. Cô muốn em gái lựa chọn một ngành nghề phù hợp hơn để không phải vất vả sau này.
Với phim ngắn Thương, bất cứ bạn trẻ nào dường như cũng bắt gặp hình ảnh của mình trong đó. Bên cạnh câu chuyện chọn trường, phim còn khéo léo lồng ghép những thông điệp nhân văn về tình cảm gia đình, tình bạn. Cách giải quyết vấn đề khéo léo khiến cái kết của Thương khá tròn trịa, thuyết phục. Nếu vượt qua vòng sơ loại và lọt Top 20, đây chắc chắn sẽ là một đối thủ đáng gờm trên đường đua giành các giải thưởng hấp dẫn với tổng trị giá lên đến 150 triệu đồng của cuộc thi.
Mất mát nào cũng cần nghị lực để vượt lên
Sự ra đi đột ngột của người mẹ khiến gia đình Ân rơi vào khủng hoảng. Tình cảnh nợ nần của gia đình, thói nghiện rượu của cha khiến Ân suy sụp và muốn tìm đến cái chết. Đây là bức tranh u tối mà phim ngắn Tận chân trời mở ra trước mắt khán giả. Người xem không chỉ đồng cảm với hoàn cảnh éo le của nhân vật chính mà còn xót xa hơn khi Ân là một người khiếm thính, tính cách khép kín và mẹ gần như là người bạn duy nhất của cô.
Phim cho người xem thấy thực tế khắc nghiệt của cuộc sống, song vẫn không quên mở ra "ánh sáng" hi vọng cho tất cả mọi người. Sự xuất hiện kịp thời của chú Tâm đã kéo Ân khỏi lằn ranh sinh tử và giúp cô tìm thấy ý nghĩa thật sự của cuộc sống. Nhịp phim chậm rãi với những cảnh quay đẹp tại Đà Lạt mộng mơ nhưng lại chứa đựng tấn bi kịch to lớn của nhân vật chính, khiến phim hiện lên như một bức tranh với những mảng màu tương phản ấn tượng. Tròn trịa từ kịch bản đến diễn xuất, khả năng tiến sâu của Tận chân trời trong cuộc thi làm phim ngắn Vietnamese do Báo Thanh Niên phối hợp cùng SanDisk Việt Nam tổ chức là rất cao.
Làm phim ngắn hay, nhận ngay giải thưởng hấp dẫn lên đến 150 triệu đồng
Không chỉ gây ấn tượng nhờ chất lượng chuyên môn được bảo chứng bởi hội đồng thẩm định: đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, nhà sản xuất - đạo diễn Lý Hải, diễn viên - nhà sản xuất Đinh Ngọc Diệp, sức nóng của cuộc thi làm phim ngắn Vietnamese còn đến từ hàng loạt giải thưởng hấp dẫn với tổng giá trị lên đến 150 triệu đồng. Ban tổ chức dự kiến sẽ trao 3 giải thưởng phim ngắn (giải phim ngắn xuất sắc nhất, giải phim ngắn sáng tạo nhất, giải phim ngắn được khán giả yêu thích nhất) và 3 giải thưởng cá nhân (giải đạo diễn xuất sắc nhất, giải biên kịch xuất sắc nhất và giải diễn viên xuất sắc nhất) cùng rất nhiều giải thưởng hiện vật khác.
Thể lệ chi tiết có tại:
https://thanhnien.vn/the-le-cuoc-thi-phim-ngan-vietnamese-185240520134112825.htm