Vụ án xoay quanh việc cấp sai giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), người có đất yêu cầu được đền bù, sau đó vướng vòng lao lý.
Đòi đền bù vì sổ đỏ cấp sai
Theo cáo trạng, tháng 2.2019, chị H. là cán bộ Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai H.Phú Lương tiếp nhận hồ sơ xin cấp đổi sổ đỏ cho một thửa đất tại TT.Đu. Do sơ suất không kiểm tra thực địa, chị H. đã thể hiện sai phần mương nước giáp thửa đất thành đường giao thông, sau đó trình chị T. là giám đốc chi nhánh ký xác nhận.
Tháng 6.2020, chủ thửa đất chuyển nhượng cho bà Tin. Quá trình làm hồ sơ, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai H.Phú Lương tiếp tục không tiến hành thẩm định đầy đủ theo quy định, nên không phát hiện ra sai sót trước đó.
Tháng 8.2023, hơn 3 năm sau, bà Tin đến Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai H.Phú Lương làm thủ tục chuyển nhượng cho người khác. Lúc này sự sai lệch trên sổ đỏ và đất trên thực địa mới được phát hiện, vì thế không thể cấp đổi.
Cáo trạng nêu rằng, bà Tin sau đó liên tục nhắn tin, gọi điện thoại, trực tiếp đến trụ sở, yêu cầu chị H. và chị T. - những người có trách nhiệm trực tiếp trong việc cấp sai sổ đỏ phải "chung tay khắc phục".
Ban đầu, bị cáo nói số tiền giải chấp ngân hàng đối với thửa đất là 1,27 tỉ đồng, do sai phạm nên hiện tại chỉ bán được 500 triệu đồng. Các cán bộ phải có trách nhiệm "bù" 770 triệu đồng. Tuy nhiên, chị T. không đồng ý.
Tháng 11.2023, bị cáo tiếp tục đến nơi làm việc, yêu cầu chị T. phải khắc phục mảnh đất theo đúng bản đồ trong sổ đỏ và tìm người mua lại với giá 1,1 tỉ đồng, nếu không sẽ gửi đơn đến các cơ quan thẩm quyền tố cáo sai phạm. Bị cáo cũng nói sẽ công khai sai phạm lên mạng xã hội Facebook để cộng đồng phán xét.
Lo sợ ảnh hưởng đến danh dự và uy tín cá nhân và công việc, chị T. đồng ý và giới thiệu người đến xem thửa đất trên. Thửa đất được trả giá giá 800 triệu đồng, vì thế bà Tin yêu cầu các cán bộ "bù" 300 triệu đồng.
Ngày 28.11.2023, chị H. chuyển trước 50 triệu đồng với mong muốn bị cáo không kiện cáo nữa, đồng thời trình báo công an. Vụ việc sau đó bị điều tra, truy tố và đưa ra xét xử.
Bị cáo và bị hại mâu thuẫn lời khai
Tại tòa, bà Tin nhiều lần phản đối cáo buộc của viện kiểm sát cũng như lời khai của chị H. và T. Bị cáo nói do sai phạm của cán bộ Văn phòng đăng ký đất đai H.Phú Lương, mảnh đất không có lối đi trên thực tế, khiến giá trị bị giảm. Bị cáo chỉ có mong muốn được khắc phục hậu quả, chứ không hề có ý định chiếm đoạt tài sản.
Theo lời bà Tin, khi bị cáo đến gặp để đặt vấn đề trách nhiệm cấp sai sổ đỏ, bà T. nói "thôi sai đã sai rồi", tới đây có dự án được bồi thường nên gợi ý sẽ lấy lại mảnh đất, "mỗi bên chịu thiệt một chút, giá là 1,1 tỉ đồng". Bị cáo đồng ý, đề nghị chuyển tiền đặt cọc, nhưng mấy ngày sau đó không thấy gì, gọi điện cũng không được.
Phản đối lời bị cáo, chị T. cho biết nhận ra sơ suất của đơn vị nên đã phối hợp để đính chính. Về nguyên tắc, nếu sổ đỏ cấp đổi thì thửa đất vẫn giữ nguyên, chỉ đính chính phần đường giao thông.
"Chị Tin nói vậy thì không giao dịch được, vì đất không có đường vào. Chị ấy nhờ tôi là người cơ quan nhà nước, sinh sống lâu ở địa phương, nói với chủ nhà tạo điều kiện bán thêm đất để làm đường", chị T. khai, đồng thời phủ nhận chuyện thỏa thuận mua lại đất của bị cáo.
Tìm cách mở lối đi nhưng không thành, chị T. giới thiệu một người có nhu cầu mua đất. Người này trả giá thửa đất 800 triệu đồng. Bị cáo Tin do đó đề nghị chị T. và H. đền bù 300 triệu đồng như cáo trạng đã nêu, đồng thời liên tục nhắn tin, gọi điện thúc giục.
Sợ ảnh hưởng đến công việc, chị T. chuyển 20 triệu đồng, chị H. góp thêm 30 triệu đồng, rồi chuyển khoản cho Tin.
Là người trực tiếp chuyển tiền cho bị cáo, chị H. cũng khẳng định do bị cáo liên tục thúc giục, sợ mất việc, nên đã chuyển cho Tin 50 triệu đồng. Sau khi chuyển tiền, chị này vẫn thấy lo sợ nên trình báo công an.
Có hay không hành vi cưỡng đoạt?
Bào chữa cho bị cáo Tin, luật sư Giang Hồng Thanh hỏi về việc cùng thời điểm chị H. chuyển tiền thì chị này cũng có biên bản làm việc với cơ quan công an. "Vậy chị chuyển tiền ở nhà rồi mới đến công an, hay chuyển tiền ở cơ quan công an? Đi trình báo rồi còn chuyển tiền cho Tin làm gì?", luật sư hỏi. Chị H. khẳng định "vì lo sợ bị Tin tố cáo".
Không chỉ chị H., trước khi chuyển tiền cho bị cáo Tin, chị T. cũng đã có đơn trình báo. "Theo lý lẽ, tin báo đã tố giác rồi thì không có lý do gì phải làm theo yêu cầu trái pháp luật (chuyển tiền - PV) nữa", luật sư đặt vấn đề.
Đặc biệt, theo lời khai của Tin tại tòa, sau khi được chị H. chuyển 50 triệu đồng, bị cáo thấy không có nội dung chuyển khoản nên nghi ngờ, đề nghị chị này cung cấp số tài khoản để trả lại, nhưng không thấy phản hồi. Bị cáo đến tận nhà, lên cơ quan gặp… đều không được. Sau đó, bị cáo mang đến nộp cho cơ quan công an.
"Không có người cưỡng đoạt tài sản nào lấy được tiền rồi lại mong muốn trả lại như vậy", luật sư Thanh nói.
Cùng tham gia bào chữa, luật sư Trịnh Văn Tuyến cũng cho rằng cả 3 người (bị cáo, chị H. và T.) đều có điểm chung, đó là có những quyền lợi cần bảo vệ. Chị H. và T. thì mong muốn những sai sót của mình không bị xử lý trách nhiệm, còn bị cáo cần được khắc phục những thiệt hại của bản thân do việc cấp sổ đỏ sai gây ra.
Diễn biến vụ án cho thấy, chị T. và H. luôn nắm thể chủ động về phương án giải quyết. Ban đầu là tìm cách khắc phục hậu quả của việc cấp sai sổ đỏ, sau đó không được thì mới đặt vấn đề tiền bạc. "Giữa 3 người chỉ là một cuộc giao dịch, trao đổi. Ở đó, các bên đều chủ động, tự nguyện đưa ra mong muốn gắn với những toan tính về mặt lợi ích theo nhu cầu của mỗi bên…", luật sư nói.
Đối đáp quan điểm, đại diện viện kiểm sát cáo buộc bị cáo đã dùng lời nói, hành vi, đe dọa gửi đơn tố cáo để gây sức ép với chị H. và T., mục đích nhằm chiếm đoạt tài sản. Nếu không vì mục đích này, bị cáo đã gửi đơn, nhưng thực tế cho thấy đến khi bị bắt giữ bị cáo vẫn chưa gửi.
Về thời điểm trình báo và chuyển tiền, kiểm sát viên cho rằng hành vi cưỡng đoạt tài sản không cấu thành dựa vào việc đã đưa tiền hay chưa hoặc đã chuyển bao nhiêu tiền. Hành vi phạm tội thể hiện qua việc bị cáo dùng thủ đoạn đe dọa tố cáo để gây sức ép, nhằm chiếm đoạt tiền.
Trong lượt tranh luận lại sau đó, luật sư cho rằng việc bị cáo Tin đề cập tới việc gửi đơn tố cáo là nhằm mục đích thông báo, thương lượng, để hòa giải và bảo đảm quyền lợi của các bên, chứ không có yếu tố đe dọa, không đủ yếu tố cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản.
Phán quyết cuối cùng đã được hội đồng xét xử đưa ra trong bản án. Theo đó, khi phát hiện sai phạm, bị cáo có quyền làm đơn gửi cơ quan thẩm quyền để chỉnh lý. Tuy nhiên, nếu thực hiện chỉnh lý thì sẽ ảnh hưởng giá trị thửa đất, vì thế bị cáo đã buộc các bị hại khắc phục, điều này thể hiện ý thức chiếm đoạt, dù bị cáo liên tục phủ nhận.
Tòa cho rằng bị cáo đã lợi dụng sai phạm của các cán bộ để gây áp lực buộc phải đền bù, tuy không phải hành vi đe dọa trực tiếp nhưng vẫn được tính là "thủ đoạn khác", quy định tại điều 170 bộ Luật hình sự năm 2015.