Mỹ đang mỗi ngày vun đắp cho ý nguyện đưa vai trò giáo dục phục hồi hành vi nhân cách vào việc đọc giải trí. Trên mảnh đất khô cằn, thêm một gáo nước mát lành cũng là thêm những hạt mầm sẽ được mọc lên. Lúc giúp vợ đặt những cuốn sách đầu tiên lên giá sách, Luân nhìn ánh mắt lấp lánh niềm vui của vợ lòng thấy hạnh phúc lây. Họ may mắn vừa được làm bạn đời của nhau lại vừa là bạn đồng hành trong công việc. Cuối ngày, khi rời khỏi cánh cửa cơ sở cai nghiện tỉnh, vợ chồng Mỹ lại trở về với bộn bề lo toan của cuộc sống đời thường. Những buổi chiều nơi địa đầu tổ quốc bình yên đến mức người ta thèm cảm giác sum vầy. Mỹ đứng trong bếp nghe niềm vui củi lửa bập bùng dưới đáy nồi. Ngoài vườn tụi nhỏ cùng bố ríu rít tưới nước, bắt sâu cho mấy luống rau đang cuộn bắp…
Mỹ công tác tại phòng nghiệp vụ chăm sóc và quản lý đối tượng của cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh. Hằng ngày công việc của Mỹ là chăm sóc người tâm thần và quản lý người nghiện ma túy. Người nghiện mới tiếp nhận ở bộ phận y tế sau khi cắt cơn giải độc ban đầu sẽ bàn giao cho bộ phận của Mỹ quản lý. Tiếp xúc với những con người từng lầm lỡ ấy, Mỹ nhận ra tâm hồn họ cần được tưới tắm bằng những điều tốt đẹp. Nhổ đi những bụi cỏ dại để gieo trồng vào đó hạt giống tử tế là điều Mỹ đau đáu mỗi ngày. Thỉnh thoảng cùng cán bộ nam đưa đội lao động tự do ra ngoài làm việc, Mỹ có thời gian để quan sát họ hơn. Những người vào đây ở rất nhiều độ tuổi khác nhau. Mười tám, đôi mươi bồng bột đã đành, còn có cả những người đã đi hết hơn nửa đời vẫn bước chân vào con đường tăm tối. Trong số họ có thằng nhỏ tên Huân, nó quý Mỹ như chị gái. Gọi thằng nhỏ nhưng nó cũng đã tròn mười tám. Hồi mới vào, thằng nhỏ căng cựa phản kháng với mọi thứ xung quanh. Sau khi cắt cơn nghiện, thằng nhỏ cũng thuần tính dần dần. Sau giờ lao động nó hay ngồi nhìn mông lung về phía chân trời. Có chiều nó lẽo đẽo theo Mỹ hỏi: "Năm nay mật ong bạc hà có được mùa không cô? Nhà em cũng nuôi ong. Ngày nhỏ em hay theo bố sống du mục, đưa đàn ong đến nơi có thật nhiều hoa. Dạo này nằm ngủ em hay mơ thấy thung lũng hoa bạc hà tím ngắt". Có lần ngước đôi mắt buồn thiu đến xót xa, thằng nhỏ nói:
- Nếu không mắc sai lầm thì giờ này chắc em cũng giống tụi bạn cô nhỉ? Đang chăm chỉ học hành trong một trường đại học nào đó dưới thủ đô. Vất vả nhưng lòng đầy háo hức khi nghĩ tới tương lai. Bố mẹ em cũng không phải đau lòng.
- Trước kia em có ước mơ thi vào trường nào đó không?
- Ai mà chẳng có ước mơ hả cô. Nói chắc cô không tin, chứ em từng mơ trở thành một thầy giáo dạy văn. Em học giỏi văn lắm đó.
- Cô tin chứ. Cô cũng tin rằng em còn trẻ, còn có cơ hội để xây lại ước mơ.
Mắt thằng nhỏ ánh lên chút niềm vui, dù Mỹ biết nó chỉ coi điều mình nói là một lời động viên khích lệ. Nhưng có lần thằng nhỏ khiến Mỹ phải nghĩ khác. Nó tìm Mỹ để hỏi mượn một cuốn sách. "Bất cứ cuốn sách nào cũng được cô ạ. Ở đây buồn quá, em muốn tìm lại niềm vui ngày nhỏ. Cô biết không, mỗi khi được nghỉ học lẽo đẽo theo cha đưa bầy ong tìm nơi có mật em luôn mang theo sách bên mình. Ngẫm ra cuộc đời em hư hỏng từ khi rời xa sách". Câu nói ấy ám ảnh Mỹ suốt nhiều đêm nằm thao thức nghĩ về phận người phận sách.
Ngoài công việc chuyên môn, Mỹ còn là một người viết trẻ. Suốt nhiều năm nay Mỹ nuôi dưỡng niềm đam mê với văn chương một cách nghiêm túc, đầy nỗ lực. Mỹ đã xuất bản vài đầu sách được đông đảo bạn đọc đón nhận. Tác phẩm của chị vẫn đăng đàn thường xuyên trên các ấn phẩm báo chí trung ương và địa phương. Là một người viết Mỹ luôn trăn trở về vai trò của sách trong đời sống tâm hồn mỗi con người. Nhiều năm gần đây Mỹ thường nhìn thấy cái sự "chết" của sách ở rất nhiều nơi. Thực tế cho thấy nhiều người ngày càng chẳng đoái hoài đến sách. Đa phần họ dành thời gian rảnh rỗi đó cho việc cắm mặt vào điện thoại để lướt tiktok, facebook, chát zalo, xem phim, nghe nhạc… Trong cái thế giới bề bộn và ngồn ngộn dòng chảy thông tin này, người ta đã bỏ quên sách nằm im lìm trong những thư viện đồ sộ, những tủ kính sáng choang hoặc một xó xỉnh nào đó bụi phủ mờ. Trong khi đó nhiều nơi thật sự cần đến sách lại không có sách. Thấy mắt Huân sáng rỡ khi nhận từ tay mình cuốn sách, Mỹ nảy ra ý tưởng xây dựng một tủ sách ở chính nơi này. Một nơi không có sự chen chân của công nghệ số. Một nơi có những khoảng tối tâm hồn cần đến thứ ánh sáng của sách soi rọi, dẫn đường.
Hôm đầu tiên tủ sách xuất hiện ở căng tin, các học viên vô cùng háo hức. Huân giúp vợ chồng Mỹ sắp xếp lại từng cuốn sách. Thằng nhỏ thích hít hà mùi sách mới, ngó nghiêng tìm một cuốn có vẻ hợp gu mình nhất. Công việc chuyên môn nhiều, Mỹ cố gắng duy trì việc cho học viên mượn, đổi trả sách vào ngày cuối tuần. Mấy đứa nhỏ bảo nhau:
- Tủ sách phải có một cái tên chứ nhỉ?
- Theo anh cứ gọi là "Tủ sách hay".
- Theo em cứ gọi là "Ở đây có sách!" nghe giống như một tiếng reo vui.
Thằng Huân gãi gãi đầu vẻ nghĩ ngợi rồi quả quyết:
- Hay tụi mình đặt là "Tủ sách nhân văn" đi các anh. Bởi nó là tấm lòng của cô Mỹ mong muốn điều tốt đẹp đến với tất cả các học viên ở đây.
- Nhất trí!
- Nhất trí!
Dự án tủ sách nhân văn của Mỹ may mắn được bạn bè văn chương khắp nơi ủng hộ. Mỗi khi ra một đầu sách mới các cô chú, anh chị lại dành góp vào tủ sách một cuốn. Mỹ nhận sách thuộc tất cả các thể loại, mang nội dung tích cực, ca ngợi con người, cảnh vật thiên nhiên, giàu tính nhân văn. Sau những giờ lao động trong các đội làm mi giả, thợ mộc, nấu cơm, trồng rau hay đội chăn nuôi, nhờ có sách học viên đã không để thời gian trôi đi vô ích.
Thằng Huân nói sách giúp nó vượt qua bức tường kiên cố nơi đây, mở ra thế giới rộng lớn ngoài kia. Một thế giới tốt đẹp mà những năm tháng u mê, lầm lỡ Huân không thấy được. Sách sẽ giúp họ tìm thấy phần tốt đẹp nhất trong tâm hồn của chính mình. Sách vun đắp cho họ có thêm kiến thức, lối sống tích cực. Giữa lúc mất phương hướng nhất, sách ít nhiều giúp họ thấy con đường mình cần phải bước đi. Nhìn học viên háo hức chờ đến ngày cuối tuần để xếp hàng đổi mượn sách, Mỹ biết mình đã đặt sách vào đúng nơi cần sách. Mỹ mong muốn tạo thói quen đọc sách cho tất cả các học viên. Chị tin rằng thông điệp mà sách lan tỏa có khi còn ngấm lâu ngấm sâu hơn những lời tuyên truyền sáo rỗng.
Mỹ đã có hơn mười năm gắn bó với nơi đây. Mỗi phận người khi bước vào cánh cổng này đều giống như cái cây héo úa, sâu bệnh cần được nuôi dưỡng, tưới tắm cho hồi phục lại. Vì thương học viên xa gia đình, bị nhốt trong khuôn khổ suốt hai năm trời nên Mỹ luôn muốn làm những điều tốt nhất cho họ. Biết nhiều học viên có tài nghệ, tết năm nào Mỹ cũng xin lãnh đạo cho làm chương trình văn nghệ vào đêm giao thừa. Để họ thêm gắn kết, cùng nhau say sưa đàn ca tiễn biệt năm cũ, đón chào năm mới tốt đẹp hơn. Nên, cứ gần tết, là học viên lại gặng hỏi Mỹ: "Năm nay cô có trực không?". Mỹ luôn làm học viên an tâm rằng dù không trực chị vẫn xung phong tình nguyện vào làm chương trình văn nghệ đêm ba mươi. Nụ cười của họ khiến Mỹ chưa bao giờ cảm thấy cô đơn dù con đường trở về nhà trong đêm giao thừa hun hút gió…
Sáng nay anh bưu tá đỗ trước cửa nhà giao cho Mỹ một bưu phẩm đặc biệt. Mỹ nhận ra ngay nét chữ quen thuộc ghi trên bưu phẩm là của Huân. Thằng nhỏ đã chấp hành xong thời hạn cai nghiện và trở về địa phương hai tháng trước. Thỉnh thoảng Mỹ vẫn hay nhớ đến nụ cười của rạng rỡ của Huân lúc chào tạm biệt thầy cô. Chị mường tượng ra thằng nhỏ có thể đã xin vào một xưởng mộc nào đó gần nhà như dự định. Huân học nghề khéo lắm, chiếc hộp gỗ nó tặng Mỹ còn giữ bên cạnh để vài ba món đồ trang sức. Mà cũng có khi thằng nhỏ lại theo bầy ong rong ruổi trên cánh đồng hoa bạc hà tím ngắt. Điều Mỹ không nghĩ tới là có ngày thằng nhỏ ấy gửi cho chị một món quà. Đó là mấy cuốn sách còn thơm mùi giấy mới, thằng nhỏ kẹp vào đó một bức thư tay. Nó nói muốn góp cho tủ sách nhân văn những cuốn sách được mua bằng những đồng tiền lương đầu tiên ở xưởng mộc cách nhà mười cây số. Mỹ cầm từng cuốn sách trên tay chẳng hiểu sao nước mắt lăn dài…