Dũng cảm khởi nghiệp bằng sách cũ
Sinh ra ở Thanh Hóa nhưng anh Lê Bá Tân sống và làm việc tại TP.HCM. Tốt nghiệp ngành Sư phạm lịch sử ở Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, anh đi dạy Sử trong một thời gian ngắn. Trước khi đến với nghề sách, anh cũng thử kinh doanh một số mặt hàng khác nhưng không ổn. Cuối cùng, nhờ niềm ham mê đọc sách, hiểu biết về sách và có duyên với kinh doanh, anh quyết định kinh doanh sách cũ và đã thành công.
Về lý do kinh doanh sách cũ tại TP. HCM, anh Tân cho biết: "Với mình, TP.HCM là một vùng đất rộng mở cho mọi người. Nơi đây có đủ điều kiện giúp một người khởi nghiệp. Với nghề sách thì thành phố này càng thích hợp, vì nhu cầu đọc sách và chơi sách (sưu tầm sách) của mọi người ở đây rất cao. Sài Gòn - TP.HCM là một thiên đường các cửa hàng sách cũ, cả trước đây lẫn bây giờ. Có chút khác biệt là bây giờ phong phú hơn vì có thêm rất nhiều cửa hàng sách cũ online".
Kinh doanh sách cũ là công việc không hề đơn giản. Anh Tân đã trải qua 7 năm kinh doanh đủ cả mồ hôi, nước mắt, nụ cười. Nói về hơn – thua, được – mất trên thương trường, ông chủ trẻ có dáng cao, gầy, thư sinh, khuôn mặt toát lên vẻ thông thái ấy đã bày tỏ bản thân thích nói về điều tích cực nên chia sẻ 3 niềm vui của mình về nghề sách:
"Trước hết là thông qua nghề mua - bán sách cũ này, mình thấy hiểu rõ bản thân hơn. Với nghề này thì mình thấy toàn bộ con người của mình được phát triển thật sự: vừa phát huy thế mạnh vừa vượt qua được nhiều ngưỡng giới hạn của bản thân.
Thứ hai là mình có khả năng trả lương cao cho đội ngũ nhân viên. Việc trả lương cao này chứng thực 2 điều: một là nghề sách cũ có thể trở thành một nguồn sinh kế ổn định, hai là nghề này có đủ tiềm năng trở thành một ngành nghề chuyên nghiệp, góp phần tạo thêm phúc lợi cho xã hội.
Cuối cùng là mình nhận được sự trợ giúp từ rất nhiều người, cách riêng là đội ngũ nhân viên hùng hậu và rất tài giỏi. Hiện tại, cả hệ thống 'Bá Tân Sách' có 4 cửa hàng với 15 nhân viên. Tất cả các bạn tuy theo học nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng đều có điểm chung là yêu mến sách vở".
Hiện tại, anh không còn kinh doanh theo mô hình cà phê sách nữa. Nhưng vẫn có một quầy cà phê và trà miễn phí, để khách nào có nhu cầu thì có thể tự phục vụ trong lúc tìm mua cuốn sách mình ưng ý. Quầy nước này ở ngoài hiên cho khách tiện pha nước, có đặt 1 quầy sách tặng. Khách đến mua sách có thể chọn 1-3 cuốn sách ở đây.
Với sáng kiến tặng sách vào chủ nhật và đổi sách cũ lấy sách mới của tiệm, anh thấy khách rất vui và thích nên đã duy trì đến nay. Đây là bước sáng tạo trong nghề sách chỉ có ở "Bá Tân Sách", thể hiện tâm huyết trong kinh doanh sách cũ mà anh Tân đã làm được trong gần 10 năm đầu khởi nghiệp.
Lan tỏa sự tử tế
Ngoài mục đích kinh doanh, Anh Tân xác định phải gắng sống tử tế: áp dụng cả vào đời tư lẫn công việc kinh doanh. Anh khiêm tốn không nhận mình là người tử tế, nhưng "dám tử tế" là điều anh hướng đến mỗi ngày, trong từng việc anh làm. Do đó, khi thu mua sách, khi bán sách, khi trò chuyện với các bạn nhân viên, hay khi gặp gỡ bất cứ ai, thì mọi việc anh làm trong một ngày, anh luôn xem đó là cơ hội để bản thân nỗ lực sống tử tế hơn. Anh và cả các bạn nhân viên đều muốn thông qua công việc mua - bán sách cũ, có thể đi gieo hạt mầm tử tế ở bất cứ đâu mà tiệm anh hiện diện. Đơn cử là đội ngũ nhân viên "Bá Tân Sách" đã ủng hộ đồng bào miền Bắc bị ảnh hưởng bởi bão lũ vừa qua 10 triệu đồng.
Hay như khi đi thu mua sách cũ, tiệm anh luôn công khai giá thu mua; sẵn sàng giải thích cặn kẽ vì sao thu mua giá đó để khách hiểu; nếu gặp phải sách giả, tiệm anh cũng giúp khách nhận biết để sau này, khách có thể phân biệt thật, giả khi mua sách; hoặc tổ chức nhiều cuộc thi về sách để kết nối thêm với bạn đọc. Trong nội bộ tiệm, anh đã tổ chức các buổi học để các bạn nhân viên trau dồi thêm kiến thức, vừa giúp các bạn hiểu hơn về sách, vừa giúp các bạn hiểu hơn về đời.
Anh Tân chia sẻ thêm: "Nghề sách cũ cũng là một cách thức giúp lưu giữ ký ức và văn hóa. Chẳng hạn như với các sách được in đã lâu và hiện không được tái bản thì cùng lắm chỉ có thư viện và các gia đình lưu giữ, không phải ai cũng tiếp cận và đọc được. Nhưng tiệm sách cũ sẽ là cầu nối để những cuốn sách đó có thể đến với người cần một cách dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, việc mở một cuốn sách cũ ra và thấy có bút tích của người chủ cũ trong đó là chuyện rất thường thấy. Bút tích đó có thể là những gì mà người chủ cũ cảm nhận được về sách; và những ghi chú đó đôi khi sẽ cho ta thêm một góc nhìn khác về nội dung trong sách. Rồi sách cũ sẽ giúp khách tiết kiệm chi phí nữa, vì giá sách cũ khá rẻ".
Bên cạnh các hoạt động lan tỏa sự tử tế, tiệm sách anh Tân đã tổ chức nhiều hoạt động khuyến đọc, thể hiện tư duy đột phá trong nghề sách cũng như tôn vinh văn hóa đọc trong cộng đồng. Đầu tháng 9.2024 vừa rồi, tiệm tổ chức một buổi tìm hiểu bói Kiều tại chi nhánh tiệm ở Đường sách TP.Thủ Đức, TP.HCM. Nơi đây cũng tổ chức chiếu các bộ phim điện ảnh chuyển thể từ văn chương. Rồi tiệm Sách Xưa (ở số 451/10/7 Hai Bà Trưng) sẽ mở cửa vào 2 ngày cuối tuần, để khách có nhu cầu có thể đến mượn sách đọc tại chỗ. Tiệm sách cũng phối hợp tổ chức các buổi trò chuyện "Viết nên những trang sử" về chủ đề lịch sử, văn hóa Việt và hướng đến người trẻ Việt; tổ chức số đầu tiên về văn hóa Nam bộ, về nhà văn Hồ Biểu Chánh...
Việc kinh doanh sách cũ anh Tân hướng đến tất cả mọi người. Nhưng với các hoạt động khuyến đọc, anh hướng đến các bạn trẻ là chủ yếu. Một phần lý do bên anh tổ chức các hoạt động đó là để tạo thêm một kênh thông tin để các bạn trẻ dễ dàng tiếp cận với sách, biết cách chọn mua đúng sách và thêm một môi trường gặp gỡ, trao đổi với nhau về sách vở.
Với anh, khách hàng còn là ân nhân, những người bằng cách này hay cách khác đã giúp đỡ anh và tiệm "Bá Tân Sách" rất nhiều. Nhân đây, anh cũng xin gửi lời cảm ơn chân thành đến tất cả mọi người vì hết thảy những gì mọi người dành cho "Bá Tân Sách" trong suốt thời gian qua, dù nhiều lúc bản thân anh và đội ngũ vẫn còn rất nhiều thiếu sót.
Trong kỷ nguyên mới - khám phá bản thân và chinh phục vũ trụ của loài người thì sách là cầu nối ngắn nhất để chạm tới ước mơ của nhân loại. Anh Tân bày tỏ với niềm xúc động: "Sống, học tập và làm việc hết mình là cách mình trả ơn cho người và cho đời. Nhất là trả hiếu cho bố mẹ mình. Bố mẹ và gia đình đã ở bên mình từ lúc mình chào đời, đến khi mình rời Thanh Hóa vào Sài Gòn học và lập nghiệp, trải qua rất nhiều thăng trầm trong cuộc sống. 'Dám bán sách - dám tử tế' chính là trả hiếu cho bố mẹ, trả trung cho trời đất và trả nghĩa cho hết thảy những ai mình hàm ơn".