Câu vừa trích được in ra năm 1885, nhưng đây là bài diễn thuyết của Trương Vĩnh Ký "nói tại trường Thông Ngôn" trước đó khá lâu, vì từ năm 1872 trường Thông Ngôn đã giải thể. Trương Vĩnh Ký làm giám đốc trường này từ 1866 đến 1868.
Ta có thể phỏng đoán Trương Vĩnh Ký chưa tìm ra được nguồn gốc đích thực của tên Sài Gòn vào lúc đó. Nhưng khi xuất bản sách Tiểu giáo trình Địa lý Nam Kỳ vào năm 1875, Trương Vĩnh Ký đã công bố một danh sách đối chiếu 187 địa danh Việt - Miên ở Nam Kỳ, trong đó có 57 tên thị trấn, như Sài Gòn là Prei Nokor, Bến Nghé là Kompong Krabei, Cần Giờ là Srock Kanco, Gò Vấp là Kompăp, Cần Giuộc là Kantuoc, Cần Đước là Anơơk, Sóc Trăng là Srok Khăn, Cần Lố là Srock Canlòh, Bến Tre là Prek Rusei... Đây là bản danh sách đối chiếu địa danh Việt - Miên xuất hiện trước nhất. Đến nay, người nghiên cứu ngoại quốc vẫn cho danh sách này đúng đắn hơn cả.
Malleret đã tìm được đoạn trích của Biên niên sử chép tay ở triều đình Phnôm Pênh, được dịch ra như sau: "Vào năm Phật lịch 2167, tức 1623 theo Công nguyên, một sứ thần của vua Nam đem quốc thư tới vua Cao Miên là Preas Cheychesda, với nội dung ngỏ ý muốn mượn xứ Prei Nokor và Kas Krobey của Cao Miên để đặt phòng thu thuế thương chính. Sau khi tham khảo triều thần, Preas Cheychesda đồng ý với yêu cầu của vua Nam và gửi cho vua này quốc thư cho biết là chấp thuận với điều yêu cầu. Do đó, vua Nam sai quan chức thương chính đến trú đóng tại Prei Nokor và Kas Krobey, rồi từ đấy tiến hành thu thuế thương chính".
Prei Nokor chính là Sài Gòn và Kas Krobey là Bến Nghé sau này. Cheychesda (cũng gọi là Chey Chettha II) chiều ý vua Nam mau mắn như thế vì Cheychesda muốn tìm nơi chúa Nguyễn một đối lực để chống lại mưu đồ xâm lăng của Xiêm đang gặm nhấm phần lớn lãnh thổ Kampuchia ở phía Tây. Đó là chưa kể tới lý do thực tế: có lẽ lưu dân Việt Nam đã tự phát tới khẩn hoang lập ấp lan tràn khắp vùng Prei Nokor và Kas Krobey rồi. Nhưng đây là những chuyện đã ra ngoài đề địa danh...
Nếu Bến Nghé là địa danh dịch nghĩa, vì Krobey (hay Krabei) là con nghé, thì Sài Gòn lại là địa danh phiên âm. Nhưng từ Prei Nokor đến Sài Gòn nghe như không xuôi tai lắm. Người ta đã cắt nghĩa quá trình đó thế này: Trước hết Aymonier chỉ làm việc dịch nghĩa Prei Nokor là rừng vua. Đến sau, Tandart cho là Nokor, theo chữ Phạn là bởi Nagaram mà ra (đáng lẽ phải đọc Nagaram mới đúng). Nagaram có nghĩa là thị trấn, phố phường hay dinh lũy. Vậy Prei Nagaram là thị tứ trong rừng. Rồi Parmentier cũng viết: "Angkor, biến dạng của tiếng Nagara nghĩa là thành phố, và thay hình lần nữa trong Vat Nokor". Năm 1974 gần đây, Piat khẳng định: Sài Gòn là dạng mới của tiếng Khmer Brai Nagar.
Theo thiển kiến kẻ viết bài này: Nếu Brai Nagar được đọc "tắt" cho hợp với thể độc âm của người Việt thì thành Rai N'gar hoặc Rai Gar hay Rai Gor, do đó từ Rai Gor đến Rai Gon không còn xa nhau lắm, và nghe ra khá xuôi tai. Rai Gon (ở nguyên bản viết tay có lẽ là Rài Gòn) là lối phiên âm tên Thành phố bằng mẫu tự Latin sớm nhất (1747) mà chúng tôi đã may mắn tìm thấy như đã dẫn chứng ở đoạn trên. Rồi từ Rài Gòn đến Sài Gòn chỉ còn một bước ngắn; lại chưa chừng; ngay từ đầu đã có cả hai hình thức phiên âm đó, nhưng sau một thời gian, Rài Gòn rơi rụng mà Sài Gòn tồn tại mãi đến nay...
Tóm lại, có lẽ giả thuyết tên Sài Gòn được lấy âm từ các tiếng Khmer là đáng tin hơn cả. Còn khi đang có sự chuyển âm để thành tên "độc âm", thêm dấu, để nói cho người Việt mà trong môi sinh thực tế lại có sài là "củi" hay "dùng" cây bông gòn, thì đây chỉ là ngẫu nhiên thuận tiện làm cho tên Sài Gòn càng mau định hình. Song giả thuyết biến âm mới là chính. (còn tiếp)
(Trích Tạp ghi Việt Sử Địa của cố học giả Nguyễn Đình Đầu do NXB Trẻ ấn hành)