Bước vào nhà ông Lê Phước Quang trên đường Hói Kiểng 6 (TP.Đà Nẵng) là bắt gặp rất nhiều đồ trang trí, vật dụng cổ xưa, từ chiếc bàn gỗ, ấm trà cho đến dàn âm thanh đĩa than… Nhưng ấn tượng hơn cả vẫn là dàn đèn dầu cổ (cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20) được ông bày biện, treo khắp tường nhà. "Tôi từng sở hữu rất nhiều đèn dầu được sưu tầm từ trong và ngoài nước, nhưng đến nay chỉ giữ lại cho mình khoảng 100 cây đèn. Loại nào đặc biệt tôi mới giữ 1 cặp, còn lại là những đèn lẻ mang giá trị nghệ thuật cao để chiêm ngưỡng…", ông Quang nói.
Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất cố đô Huế, lại là người sống hoài niệm, khi còn rất trẻ ông Quang đã tìm về những gì thuộc về xưa cũ. Ông bén duyên với nghề chơi đồ cổ, đồ xưa từ khoảng 20 năm trước, trong đó đèn dầu khiến ông tốn nhiều công sức để tìm kiếm, theo đuổi. Bởi lẽ nó là thứ gắn liền với tuổi thơ của ông cùng với gia đình khi còn sinh sống ở Phường Đúc (TP.Huế). Ông nhớ như in những bữa cơm nhà dưới ánh đèn dầu lạc. Sau đó khi gia đình có điều kiện hơn, mua được đèn măng xông… Ông lại nhớ thứ ánh sáng rực rỡ trong đêm thu hút đám trẻ con trong xóm đến chơi nhà.
"Nghiệp sưu tầm của tôi bắt đầu từ những cây đèn măng xông của Pháp được ba tôi mua từ trước năm 1975. Hồi đầu mới chơi, tôi mua đủ loại từ bình dân cho đến cao cấp. Sau này, tôi chọn lọc và chỉ giữ lại những cây đèn mà tôi yêu thích. Những đồ đơn giản tôi dành để tặng bạn bè như tặng họ một phần ký ức…", ông kể. Đèn dầu cổ cũng có sự phân loại khá đa dạng, như đèn bình dân đến đèn có thương hiệu (đèn matador của Pháp, milor của Đức, A-B của Mỹ…), đèn trung cấp cho đến cao cấp… Riêng ông Quang là một người được đào tạo bài bản về hội họa nên chọn hướng đi riêng, chỉ dành lại những cây đèn có giá trị thẩm mỹ cao và công năng độc đáo.
"Một cây đèn dầu cao cấp, thương hiệu lớn thì thường có độ hoàn thiện rất cao. Chẳng hạn, tôi sở hữu một cây đèn hoàn mỹ từ bóng, bầu cho đến chân đế… Bóng đèn được làm rất mỏng, trong mà lại chịu nhiệt rất tốt. Công cụ để đẩy tim đèn, phần họng để lấy gió hoặc tắt lửa cũng rất khác biệt. Dòng cao cấp thì vừa mỹ thuật vừa kỹ thuật cao…", ông phân tích.
MÊ MỘT CÂY ĐÈN MÀ MUA LUÔN CẢ LÔ
Dẫn tôi đến một căn phòng được khóa cẩn thận để chiêm ngưỡng dàn đèn quý hiếm, ông Lê Phước Quang cho hay khoảng 20 cây đèn cổ này được ông chọn lọc kỹ càng qua nhiều năm sưu tầm, xuất xứ từ nhiều nước khác nhau, như Đức, Pháp, Mỹ… Trong đó có những cặp đèn ông tình cờ sưu tầm được thuộc vào hàng hiếm, hoặc có cây đèn được đốt bằng mỡ động vật cực kỳ độc đáo, có cây đèn được người Pháp "độ" lại thành đèn điện dùng để làm đèn ngủ rất thanh nhã…
Chỉ tay vào cây đèn cao nhất được đặt trên nóc tủ, ông cho biết đó là cây đèn quý nhất và phải tốn khá nhiều tiền mới sở hữu được. "Có thể nói đây là cây đèn đỉnh cao về mỹ thuật. Cổ đèn bằng đồng, bầu đèn bằng thủy tinh được khắc máy. Đặc biệt, phần chân đèn kết hợp giữa chất liệu sứ với đồng cực kỳ tinh tế", ông giới thiệu. Riêng lam đèn được làm bằng thủy tinh với cách chế tác, hình vẽ rồng tinh xảo. Đèn từng được một người trả giá đến 20 triệu đồng. "Tôi mua đèn ở Pháp thông qua một người quen. Người này kể rằng đây là đèn của một gia đình giàu có, không có nhu cầu dùng nên bán lại", ông nói thêm.
Nói về cơ duyên sở hữu cây đèn này, giọng ông Quang có chút buồn khi nhớ lại việc phải đứng trước lựa chọn mua đèn hay giữ lại chiếc xe máy CD Benly 125. Số là cách đây 10 năm, khi cây đèn này xuất hiện trong lô hàng với nhiều loại đèn khác, ông ngỏ ý chỉ mua riêng cây này nhưng người bán cho biết chỉ bán cả lô. Vậy là ông phải "hy sinh" chiếc xe máy yêu quý, bán được 50 triệu đồng để mua tất cả số đèn chỉ vì quá thích một cây đèn. Bây giờ, cây đèn trở nên vô giá với ông.
Đam mê đèn dầu và sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn để sở hữu, nhưng không ít lần vì trắc trở mà ông đành ngậm ngùi nhìn cây đèn mình yêu thích vào tay người khác. Ông bảo do duyên chưa tới. "Tôi từng bỏ lỡ một cây đèn trên eBay. Đó là cây đèn aladin xưa, có vòi với cỡ rất lớn dùng để đặt trên bàn. Đặc biệt, cây đèn này lại có lam che rất đẹp. Khi đặt mua xong, người trung gian chuyển hàng và báo hàng đang về. Nhưng sau đó họ lại báo "mất hàng" và trả lại tiền cho tôi. Tôi biết vì cây đèn quá quý, người ta đã không cầm được lòng… Khi những cây đèn quý hiếm không thể thuộc về mình, tôi thường tự an ủi rằng mình chưa đủ đẳng cấp, phẩm hạnh sở hữu những đồ đó", ông trải lòng.
Ông Quang bảo nghề chơi đèn dầu cũng phải chấp nhận những rủi ro. Nhiều người khi đến nhà ông tham quan đã vô tình làm rơi vỡ không dưới 10 cái bóng đèn được ông mua từ nước ngoài về với giá không dưới 1 triệu đồng/cái. Ông còn nhớ mãi lần gọi người bạn sang ngắm chiếc bầu đèn được chế tác từ một loại thủy tinh đặc biệt với màu rất đẹp, đó là chiếc bầu đèn ông chưa thấy cái thứ 2. Khi đưa cho người bạn ngắm, bị tuột tay, bầu đèn vỡ toang. "Không lẽ mình bắt đền... Thôi thì cũng là cái duyên mình không giữ được", ông Quang cười hiền.