MỘT CUỘC ĐI SĂN
Săn bắn gần như luôn là một hoạt động đem lại nhiều lý thú, khiến cho những người ưa hoạt động nhất phải chạy vào rừng rậm và tạm quên đi đời sống thường nhật trong vài giờ. Quả thực chu du trên thuyền tam bản không có gì mà khó chịu. Những thằng bồi sẵn sàng chuẩn bị giường ngủ, thậm chí là màn chống muỗi cho những người khó tính, và trên những chiếc thuyền rộng rãi, phẳng phiu này còn gì dễ chịu hơn là nằm dài nghe tiếng mái chèo khua rồi thiếp đi trong đêm dịu dàng mát rượi gió sông.
Hành trình được tổ chức, tính toán theo giờ thủy triều lên xuống để sao cho sáng sớm mai là tới được bãi săn. Mỗi thợ săn tự chọn cho mình một vị trí, và các cai thợ An Nam thả bầy chó săn ra dẫn đường. Tôi không sợ bị buộc tội khoác lác vì tôi phải nói ra sự thật là hiếm khi nào người ta trở lại thuyền tay không mà luôn kéo lê trên đất một vài con nai, con man hoặc con cầy hương.
Một vài khu vực của Nam kỳ biệt lập như những cù lao nhỏ, nằm giữa các nhánh sông rộng cản trở sự di cư của các loài thú, đó là những vùng nhiều thú săn đến độ không tưởng tượng nổi. Con nai mà người An Nam không hề săn bắn, nó dạn dĩ tới mức đứng ngay bên vệ đường mòn gập ghềnh, trên lối xe bò kẽo kẹt đi qua.
Thợ săn xoàng thì sẽ không động tới loài thú lớn mà chỉ săn gà gô hoặc chim dẽ giun trong ruộng lúa. Ngoại thành Sài Gòn hiếm gà gô nhưng dẽ giun thì nhiều vô kể. Chúng không nhanh nhẹn như dẽ giun bên xứ ta, cái mỏ dài khiến chúng khó tránh được đạn chì và có đến cả tá thợ săn nghiệp dư nhắm bắn con mồi.
Khỉ, chuột chũi (họ sóc), công là mục tiêu của những cuộc săn bắn không chuyên. Không may cọp lại khá phổ biến ở Nam kỳ và có nguy cơ trở thành một láng giềng nguy hiểm nhất là đối với chó; đã từng có những con cọp xé xác đám chó săn ngay trước mặt cai thợ nhưng khi thấy người Âu thì cọp bỏ chạy. Người An Nam không thân thiện với cọp, và số liệu thống kê hằng năm cho thấy có nhiều người là nạn nhân của chúa sơn lâm.
Đương nhiên là có thợ săn cọp chuyên biệt. Sự nguy hiểm của môn thể thao này luôn thu hút những người táo bạo và giá trị của hài cốt con mồi rất hấp dẫn người quan tâm.
Một vài xạ thủ giỏi nấp bắn và hạ được vài con thú dữ bằng một cái giá thực sự nguy hiểm đối với tính mạng.
Những cái bẫy tỏ ra hiệu nghiệm hơn và giúp thợ săn không phải đối đầu với rủi ro. Ví dụ như "hố bẫy dê" là một mánh lới rất độc đáo. Người ta đào một hố sâu trong rừng và cắm cọc nhọn với mục đích khiến con mãnh thú bất cẩn phải chịu khổ hình đóng cọc.
Đất đào lên được đắp xung quanh tạo thành một bờ dốc thoải về phía rừng trong khi ở phía cái hố là dốc đứng. Miệng hố được che lại ở phía trong bờ dốc bằng một lớp cành lá thưa, nhưng đủ lấp cái bẫy. Phía trên và ở trung tâm cái hố, người ta đặt một tấm che tạm thời hoặc cành cây chặt từ một cái cây bên cạnh rồi treo lơ lửng ở lưỡi câu đó một con dê con để nó kêu lên những tiếng cầu cứu não lòng. Con cọp, một khi đánh hơi được dê con lạc bầy và không có mục đồng gần đấy, nó lập tức theo bờ dốc thoải tiến tới con vật bị bỏ rơi đáng thương cho tới đỉnh của bờ dốc đứng. Nhưng con mồi bị đặt ở tư thế mà cọp chỉ có thể nhảy lên mới ngoạm được, và nó nhảy cao tới nỗi kéo cả con mồi cùng nó rơi vào cái bẫy khổ hình.
Ở Sài Gòn, săn bắn luôn là một cái cớ cho các cuộc dạo chơi về mọi hướng. Và tùy theo con nước lên xuống hai ngày một lần mà người ta sẽ ngược dòng sông hay xuôi về phía biển.
(Thư Nguyễn trích dịch từ tạp chí Le tour du monde năm 1893)