Trong trận chiến này, lực lượng của ta khá mỏng, vũ khí thô sơ, còn quân địch rất đông, có các phương tiện và vũ khí hiện đại. Nhưng với quyết tâm cao độ, Trung đoàn 96 thuộc Liên khu 5 đã phối hợp với bộ đội địa phương và du kích, lợi dụng địa hình hiểm trở của Đak Pơ, tổ chức trận phục kích trên đường 19, đánh tan Binh đoàn cơ động 100 – một binh đoàn Âu Phi tinh nhuệ của thực dân Pháp.
Chiến thắng Đak Pơ còn được ví là Điện Biên Phủ của Liên khu 5, bởi đây là lần đầu tiên, bộ đội Liên khu 5 tiêu diệt được một binh đoàn cơ động của địch, giải phóng hoàn toàn huyện An Khê (cũ) và đường 19, mở rộng tuyến giao thông trong vùng tự do. Cùng với chiến thắng Điện Biên Phủ, chiến thắng Đak Pơ đã có tác động tích cực đến việc buộc Pháp ký Hiệp định Giơnevơ, kết thúc chiến tranh ở Đông Dương.
Chiến thắng Đak Pơ được Bác Hồ gửi thư khen ngợi và được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá là một trận vận động phục kích lớn, dũng cảm và linh hoạt, tận dụng được yếu tố bất ngờ, sử dụng lực lượng hiệu quả cao.
Với tầm quan trọng và ý nghĩa của sự kiện lịch sử này, tỉnh Gia Lai đã xây dựng hồ sơ khoa học di tích Địa điểm chiến thắng Đak Pơ. Ngày 28.12.2001, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã xếp hạng Địa điểm chiến thắng Đak Pơ là di tích quốc gia. Năm 2013, H.Đak Pơ đầu tư xây dựng Nhà lưu niệm truyền thống chiến thắng Đak Pơ.
Sau đó, với sự huy động các nguồn lực, tỉnh Gia Lai đã đầu tư xây dựng công trình Đền tưởng niệm liệt sĩ và tượng đài chiến thắng Đak Pơ, khởi công đúng vào dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Đak Pơ (24.6.2014). Công trình được khánh thành ngày 31.8.2015.