Bàu Tró nằm ở phía bắc cửa biển Nhật Lệ, "lọt" giữa những động cát cao và những hàng dương, có hình dạng như là một quả bầu. Cái tên Bàu Tró cũng gây rất nhiều tò mò, nhưng theo tìm hiểu của người viết thì "bàu" là phương ngữ của người miền Trung, có nghĩa là hồ nước. Còn "tró" thì… thực sự khó lý giải, kể cả những người sống lâu năm ở vùng này cũng không giải thích được. Nhưng điều mà ai sống ở Đồng Hới cũng biết là dù ở ngay cạnh biển, Bàu Tró lại là hồ nước ngọt, sạch và chẳng khi nào cạn nước.
Người viết có một tuổi thơ gắn bó với Bàu Tró bởi gia đình sinh sống chỉ cách bàu chừng 500 m. Con đường xuống Bàu Tró ngày xưa chỉ là con đường đất đỏ, hai bên nhà cửa lèo tèo. Nay con đường đó đã được láng nhựa, có cả hệ thống thoát nước, vỉa hè với những ngôi nhà cao tầng. Nhưng tưởng như sự đổi thay theo thời gian đã dừng ngay ở hàng rào bảo vệ của Bàu Tró. Bởi sau hàng chục năm, chỉ cần bước qua hàng rào thì khung cảnh vẫn thế. Vẫn là con đường nhỏ đi dọc giữa những hàng cây, vẫn là một cơ sở của nhà máy nước được đặt sát mép nước ở cuối đường, vẫn là hồ nước rộng lớn được bao bọc giữa bát ngát hàng dương.
Đến bây giờ, câu chuyện về hồ Bàu Tró được hình thành ra sao và từ bao giờ cũng chẳng ai biết. Nước sâu, rộng, đáy hồ ở chỗ nào cũng chưa có kết luận. Nhưng xung quanh hồ Bàu Tró tồn tại nhiều câu chuyện khá ly kỳ. Có tục truyền nói rằng Bàu Tró chính là dấu chân mà một người khổng lồ đã đi qua. Sở dĩ nói vậy là vì vào mùa hè, nước bớt đi, nhìn hồ giống hệt dấu vết một bàn chân khổng lồ in hằn. Một câu chuyện khác lại cho rằng hồ được hình thành từ nước của một con sông ngầm chảy trong lòng đất Quảng Bình.
Người dân vẫn đang truyền tụng nhiều câu chuyện huyền thoại rằng hồ không có đáy, vì nước sâu đến nỗi chưa ai lặn xuống hay đo tới được đáy hồ. Chuyện rằng có người đã muốn thử xem đáy hồ tới đâu, nên đã ném một quả bưởi xuống. Mãi sau mới thấy quả bưởi nổi lên ở Bàu Sen, thuộc xã Sen Thủy (H.Lệ Thủy, cách hồ hơn 50 km). Chưa hết, có người kể rằng xưa kia một trận lũ lớn quét qua Trôốc Vực (H.Lệ Thủy) cuốn trôi nhiều ngôi nhà, cây cối. Sau đó lũ đổ về, xuất hiện nhiều trái bưởi to ở khu vực hai bên bờ Bàu Tró. Đặc biệt có một loại bưởi chỉ gieo trồng ở Trôốc Vực. Nên có nhiều người nghi ngờ rằng hồ nước này có đáy thông với Trôốc Vực…
Những câu chuyện như… huyền thoại ấy, dù có ma mị, ảo diệu đến đâu thì cũng chỉ là cách người dân tự lý giải về một Bàu Tró chưa bao giờ biết cạn.
DI CHỈ KHẢO CỔ HỌC ĐẶC BIỆT
Mãi sau này tôi mới hay Bàu Tró không đơn giản là… một cái hồ nước ngọt mà còn là di chỉ khảo cổ học đặc biệt của hậu kỳ đồ đá mới.
Theo tìm hiểu của người viết từ Bảo tàng Quảng Bình, di tích khảo cổ học Bàu Tró được người Pháp phát hiện và bắt đầu nghiên cứu vào những năm đầu của thế kỷ 20 (từ năm 1919 - 1923). Những nhà khảo cổ này đã phát hiện và thu lượm được ở Bàu Tró một số di vật có niên đại hậu kỳ đá mới.
Những năm 1974, 1978, 1980 nhiều đoàn khảo cổ do Viện Khảo cổ học VN, Khoa Lịch sử của Trường ĐH Tổng hợp Huế (nay là Trường ĐH Khoa học Huế) cũng tổ chức thám sát, thăm dò ở khu vực Bàu Tró và tiếp tục phát hiện nhiều rìu, bôn đá, thổ hoàng, mũi nhọn bằng đá, các loại mảnh gốm...
Với quy mô, ý nghĩa khoa học to lớn của nó mà các nhà khảo cổ học đã lấy tên di chỉ này đặt tên cho nền văn hóa hậu kỳ đá mới gồm các di chỉ phân bố ở vùng ven biển Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế là văn hóa Bàu Tró. Những vòng tay, vòng chân bằng đá được cưa, mài, khoan, tách lõi bằng đá ngọc… tại Bàu Tró, đã cho thấy một bức tranh cụ thể về đời sống tinh thần và trình độ thẩm mỹ cao của cư dân văn hóa Bàu Tró. Những hiện vật được tìm thấy đó cũng cho thấy từ cách đây khoảng 5.000 năm, người Việt đã đến định cư ở đây. Chính vì vậy, hồ Bàu Tró được nhà nước công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia.
"Bàu Tró cùng di chỉ Bàu Tró gắn liền quá khứ với hiện tại tạo thành một quần thể đậm đặc dấu ấn văn hóa. Có thể nói, di chỉ Bàu Tró nói riêng, văn hóa Bàu Tró nói chung góp phần khắc họa bức tranh toàn cảnh giai đoạn tiền sử của VN. Tìm hiểu văn hóa Bàu Tró là để giữ gìn, bảo tồn những giá trị của di sản văn hóa vốn có của Đồng Hới và tỉnh Quảng Bình. Vì vậy, nơi đây cần được gìn giữ và bảo vệ để di sản văn hóa Bàu Tró phát huy được giá trị trong đời sống tinh thần của nhân dân", bà Lê Thị Hoài Thương, Giám đốc Bảo tàng Quảng Bình, từng nhận định. (còn tiếp)