Tôi tìm đến gặp nghệ nhân Đặng Văn Hậu (sinh năm 1985) ở làng Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, TP.Hà Nội - thủ phủ tò he - vào một chiều cuối năm bận rộn. Anh Hậu chia sẻ, đến với nghề nặn tò he như một lẽ đương nhiên, bởi "ai sinh ra ở Xuân La chẳng biết nặn tò he"; nhưng trước sự thăng trầm của nghề và vòng xoáy cơm áo gạo tiền, không phải ai cũng bám trụ được nghề độc nhất vô nhị này.
"Từ nhỏ, được tiếp xúc với nghề, được ông ngoại, các chú, bác trong làng dạy cho cơ bản, tôi nghĩ theo nghề các cụ biết đâu sau này phát triển được, tôi tìm hiểu thêm và gắn bó với nghề từ đó đến nay. Tôi mong muốn sử dụng ngôn ngữ tạo hình tò he để sáng tác ra nhiều những sản phẩm nhằm mang nghệ thuật truyền thống Việt Nam đến với công chúng và bạn bè thế giới", anh Hậu bộc bạch.
Nhân vật đầu tiên anh Hậu nặn là Bao Thanh Thiên, khi mới 6-7 tuổi. Rồi từ đó, đam mê nối dài, anh Hậu ngấm nghề từ bao giờ không hay. Anh đã sáng tạo thêm nhiều nhân vật to he khác như: Thánh Gióng, Trần Hưng Đạo, chị Hằng hay những bộ mâm ngũ quả tết, bộ ông Công ông Táo, bộ lục súc tranh công, ngũ hổ và 12 con giáp...
Anh Hậu cho biết, nguyên liệu xưa nặn tò he là bột gạo tẻ. Các cụ xưa giã bột gạo, sàng lấy hạt mịn rồi mang đi thấu màu, nặn tạo hình và hấp. Đến năm 1990, nghệ nhân Vũ Văn Sai (người làng Xuân La) đã có sáng kiến thay thế gạo tẻ bằng gạo nếp và dùng màu thực phẩm để bảo quản được lâu hơn, dùng để chơi chứ không ăn. Để làm ra giống bột đẹp cần đáp ứng 3 tiêu chí: màu sắc hài hòa, đường nét tinh tế và câu chuyện có ý nghĩa giáo dục. Anh Hậu cũng cho biết thêm, nặn tò he người phải nặn từ dưới lên trên còn nặn hoa thì làm từ trên xuống dưới.
Với 5 màu cơ bản, cha ông ta đã sáng tạo ra các màu khác nhau từ nguyên liệu thiên nhiên như như màu đỏ dùng gấc, màu xanh dùng lá trầu, màu đen dùng quả cây phèn đen…
Nghề tò he xưa chủ yếu phục vụ dịp rằm trung thu nên tuổi thơ của anh Hậu là những tháng ngày rong ruổi cùng ông đi nặn tò he, mang niềm vui đến cho các bạn đồng trang lứa. Năm 2014, anh Đặng Văn Hậu được UBND TP.Hà Nội tặng danh hiệu "Nghệ nhân Hà Nội" khi mới 29 tuổi và là nghệ nhân tò he trẻ nhất lúc bấy giờ. Ý thức được sự ghi nhận của xã hội, anh Hậu đã ra sức bảo tồn, quảng bá tò he khắp cả nước và quốc tế. Anh đã gây dựng thương hiệu tò he Việt và thường xuyên xuất hiện tại các hội chợ, triển lãm... trong và ngoài nước.
Thổi làn gió mới cho tò he Việt
Bộ tò he và sân khấu hát bội là sáng kiến của Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa (CCH) với sự cho phép của ICHCAP-UNESCO cùng Hiếu Văn Ngư, tác quyền thuộc nghệ nhân tò he Đặng Văn Hậu và họa sĩ Đỗ Văn Sơn. Tại triển lãm Những danh tính khác, bộ tò he hát bội được khán giả Hàn Quốc rất yêu thích bởi sự độc đáo, sáng tạo, kết hợp đan xen của văn hóa truyền thống.
Được mời tham gia triển lãm, anh Hậu cảm thấy rất vinh dự và tự hào. "Đúng lúc tôi đang ấp ủ một dự án mới cho tò he thì nhận được lời mời và tôi háo hức bắt tay vào việc ngay. Tại triển lãm, tôi cảm nhận được khán giả Hàn Quốc rất thích thú bộ môn nghệ thuật tuồng của Việt Nam và được thể hiện qua tò he", anh Hậu bồi hồi cho biết.
Sản phẩm là sự giao thoa, kết hợp sáng tạo giữa các bộ môn nghệ thuật truyền thống và tạo được đà quảng bá nét đẹp văn hóa Việt ra thế giới. Để có sự kết hợp nhuần nhuyễn nhất, anh Hậu đã dày công nghiên cứu về tuồng nhằm bắt được thần thái nhân vật như tạo hình Đổng Trác làm sao để mắt trợn tròn nhưng không quá dữ tợn, đại diện cho nhân vật phản diện. Đặc biệt, trang phục trong tuồng rất tỉ mỉ, cầu kỳ, mang tính đặc trưng cao, đòi hỏi sự tinh xảo khi tạo hình. Anh Hậu đã tiếp xúc với nhiều chuyên gia về tuồng để tránh việc "mặc nhầm" trang phục cho nhân vật.
Ngoài ra, nghệ nhân Hậu đã dày công phục dựng 3 dòng con giống bột chính gồm: con giống của phố Khách (phố Mã Mây - Hàng Buồm bây giờ), con giống của Đồng Xuân (phố Hàng Lược, Hàng Mã) và con giống của Phú Xuyên (hay còn gọi là bánh chim cò, nặn xong đem hấp và ăn được). Anh Hậu cho biết, con giống Đồng Xuân trơn màu điểm thêm mực đen quết bóng bằng một lớp dầu nên không ăn được, còn những con giống phố Khách được tạo bằng dụng cụ đồng nên còn gọi là con giống vảy.
Thời gian dịch bệnh Covid-19, tuy rất khó khăn về kinh tế nhưng anh Hậu vẫn theo đuổi đam mê, tranh thủ thời gian sáng tác tác phẩm mới như Thị Mầu lên chùa, hát chiếu chèo, bộ rước đèn trung thu... Sau đó, anh Hậu đã tham gia nhiều hội chợ trong và ngoài nước như: Hội chợ thủ công nghệ thuật Hà Nội (8.2022), Liên hoan Trẻ em quốc tế về Di sản văn hóa phi vật thể tại Hàn Quốc (9.2023)…
Những năm gần đây, vào dịp hè, anh Hậu đều mở lớp dạy tò he miễn phí cho thiếu niên trong làng, với mong muốn giúp trao truyền nghề cho thế hệ trẻ. "Niềm hạnh phúc của tôi là giữ được nghề truyền thống cha ông để lại và truyền cho thế hệ tiếp, mang lại niềm vui cho mọi người và chính mình", anh Hậu bộc bạch.
Em Lê Phương Mai, học viên lớp tò he anh Hậu cho biết: "Từ bé, thấy các cụ trong làng nặn tò he cháu đã muốn theo nghề. Lúc biết chú Hậu mở lớp cháu đăng ký ngay. Mỗi tháng hè cháu cũng kiếm được một khoản tiền nhỏ, đồng thời sau này cháu cũng muốn có tay nghề cao và sự sáng tạo giống chú Hậu".
Tại Hội thi sản phẩm làng nghề TP.Hà Nội năm 2023, nghệ nhân Đặng Văn Hậu đã giành được giải đặc biệt với tác phẩm Rước đèn trung thu, tiếp tục khẳng định trình độ và sự sáng tạo không giới hạn trong bộ môn nghệ thuật truyền thống tò he của Việt Nam.