Văn Giá tạo dựng, điều phối, pha trộn cùng lúc nhiều tiếng nói trong tập truyện này. Trẻ con, người già, trung niên, nhà giáo, bệnh nhân, lão nông… Có tiếng nói của quá khứ, ký ức; có tiếng rõ câu chữ, có tiếng lẫn trong ký hiệu, lại có cả tiếng nói của cả "người viết truyện" như muốn đính chính, can thiệp vào những tiếng nói của nhân vật. Chuỗi tiếng nói liên tu bất tận ấy, vốn được tính toán và điều chỉnh hết sức linh hoạt trong một kỹ thuật tự sự khá cao tay, là cách đắc địa để tác giả truyền dẫn các trạng thái của đời sống, từ ốm đau, bệnh tật, cái chết cho đến tình yêu, tình dục, từ sự dở chứng, dở hơi của tuổi hưu đến sự khó lường, bất nhất của tuổi trẻ… Ở đó, một bệnh viện cũng là nơi phô bày tiếng nhục dục (Chăm người bệnh), một trường học lại ẩn đi tiếng oán trách (Một góc trời xa), một mảnh vườn quê cằn cỗi tiếng tình nghĩa (Bức tường rào), một quán xá đóng kín tiếng khổ đau tận cùng (Quán ông già). Khi tự thú, tự trào (Ba chuyện tầm phơ), khi tự giễu (Mình đã "giề" rồi) và thường xuyên, là tự ý thức về tính chất hóc hiểm bi hài của trần đời (Ăn sáng café, Người đàn bà bên kia sông, Về nơi chốn mới), mỗi tiếng nói đều thấp thoáng một ngờ ngợ, nửa chắc mẩm nửa hoài nghi, về lòng tốt và luân lý, về đúng và sai, rồi sau hết, là về cái đích đáng và cái vô nghĩa của kiếp người. Do đó, sẽ là vội vàng nếu lựa chọn hay loại bỏ một kiểu tiếng nói, trái lại, chúng cần đồng thanh, quy chiếu vào nhau, như cuộc sống đa thanh, và tôi chắc đây mới điều tác giả tâm đắc, như đời người quá nhiều khúc đoạn, biến hóa biến dịch vô cùng.
Vì từng thực hành phê bình văn học lâu năm và có thành tựu nên có lẽ, khi viết truyện, Văn Giá đã tái dụng, không ít thì nhiều, tinh thần của "diễn ngôn", một khái niệm thời thượng gần đây của giới học thuật VN. Trong truyện Diễn ngôn, Văn Giá cho thấy bản thân đời sống cũng là diễn ngôn dễ thành câu chuyện nhất. Chuyện thì có thể tin hoặc không. Nhưng chuyện lại khơi gợi sự luận, bình. Vì thế, tôi luôn bắt gặp người kể chuyện, dù đã lảng tránh vai trò dẫn dắt, rất chủ động luận bình chính các chi tiết, sự việc đang kể. Nó xuất hiện dưới dạng câu hỏi, câu diễn giải (kiến thức, chẳng hạn, "Làng ngoài bao giờ cũng là ngoại vi, phi trung tâm, bên lề, ngoài rìa, phụ, thậm chí phụ thuộc. Làng trong là ở giữa, trung tâm, đầu não, điều hành" - Người chú họ ở làng ngoài), câu pha/đa giọng (nhân vật, người kể chuyện). Khi đẩy cao luận chuyện, khác với văn mô tả và kể chuyện khách quan, nhà văn sẽ thật khó giấu mình, mà như tôi hình dung, là một kiểu trí thức sống trải xấu tốt ở đời, cả nghĩ, biết rõ mọi gắng gượng làm người toàn bích là rất khó. Cho nên, khác với ba tập truyện trước đây của anh (Một ngày nát vụn, Một ngày lưng lửng, Mưa ở Bình Dương), Văn Giá đôi khi đẩy cao giọng đùa tiếu, tập truyện Ai nói & tại sao lại nói như thế đậm giọng ưu tư, thảng thốt và có phần ngậm ngùi.
Giọng điệu này, mặt khác, rất ăn khớp với chuyện hồi ức, hồi nhớ. Văn Giá dành dung lượng lớn để kể các chuyện làng quê, người quê, tục quê trong những Đồng bạc lấy may, Hưu quê, Người chú họ ở làng ngoài, Người đàn bà bên kia sông. Sự hồi tưởng kéo theo khung cảnh, biến cố, nỗi đau lẫn kỷ niệm đẹp của đoạn đời niên thiếu. Địa danh sông Thương, tương tự cách Nguyễn Huy Thiệp nhắc đến sông Cà Lồ, đã hắt bóng xuống những câu văn rất giàu cảm xúc của Văn Giá, đặc điểm mà tôi tin sẽ níu bạn đọc rất lâu để cùng cảm nhận sự chảy trôi của thời gian, đời người. Các chuyện cũ, có trọng tâm lệch về hình thức tự thuật, xét ra, lại là tiếng nói thâm trầm hơn cả, cũng là trau chuốt ngôn từ hơn cả, để người kể chuyện được giãi bày cảm giác hàm ơn bối cảnh sinh hoạt, văn hóa, môi trường sinh sống từng dưỡng dục mình. Trong trường hợp này, rất có thể, "tại sao lại nói như thế" đã có một câu trả lời phần nào thỏa đáng, rằng, sống là tạo tác diễn ngôn chính mình.