Quái vật biển Pliosaur thống trị các đại dương vào thời điểm khủng long lang thang trên đất liền. Hộp sọ hóa thạch được khai quật có niên đại khoảng 150 triệu năm tuổi, trẻ hơn gần 3 triệu năm so với bất kỳ hóa thạch của loài Pliosaur nào khác từng được tìm thấy. Các nhà nghiên cứu đang phân tích mẫu vật để xác định liệu nó có thể là một loài mới hay không.
Hộp sọ hóa thạch cùng với quá trình khai quật phức tạp và cuộc điều tra khoa học đang diễn ra được giới thiệu chi tiết trong bộ phim tài liệu Attenborough and the Jurassic Sea Monster (tạm dịch Attenborough và quái vật biển kỷ Jura) do nhà tự nhiên học huyền thoại Sir David Attenborough trình bày, sẽ phát vào ngày 14.2 trên kênh BBC.
Kích thước khổng lồ của quái vật biển ăn thịt này lớn đến nỗi hộp sọ được khai quật từ một vách đá dọc theo "Bờ biển kỷ Jura" của Dorset dài đến 2 mét. Ở dạng hóa thạch, mẫu vật nặng hơn nửa tấn. Theo Encyclopaedia Britannica, loài Pliosaur có thể dài tới 15 mét.
Việc thu hồi là một nhiệm vụ đầy nguy hiểm. Đoàn khảo cứu phải chạy đua với thời gian khi thời tiết tốt trước lúc cơn bão mùa hè ập đến và vách đá bị xói mòn, có thể cuốn theo hóa thạch cực quý hiếm, quan trọng này.
Steve Etches lần đầu tiên biết đến sự tồn tại của hóa thạch qua người bạn Philip Jacobs - đã gọi cho anh sau khi tình cờ phát hiện hộp sọ của quái vật biển Pliosaur. Etches cho biết ngay từ đầu, họ đã "khá phấn khích vì hàm của nó khép lại cho thấy đây là hóa thạch hoàn chỉnh".
Sau khi sử dụng máy bay không người lái để lập bản đồ vách đá và xác định phần còn lại của vị trí chính xác hộp sọ Pliosaur, Etches và nhóm của anh có 3 tuần cho việc đục vào vách đá này, trong khi họ phải treo mình lơ lửng giữa không trung.
"Thật là một phép màu khi chúng tôi lấy được nó ra", Etches kể lại. Anh đảm nhận nhiệm vụ khôi phục hộp sọ một cách tỉ mỉ. Có lúc anh thú nhận "rất vỡ mộng" vì bùn và xương đã nứt ra, nhưng "trong sau đó, tựa như trò chơi ghép hình, chúng tôi đặt tất cả trở lại vị trí cũ. Phải mất một thời gian dài nhưng chúng tôi đã lấy lại được từng mảnh xương".
Etches nói thêm rằng đây là "điều kỳ lạ khi hóa thạch này vẫn ở trong tình trạng tốt như vậy. Nó chết trong môi trường phù hợp, có nhiều trầm tích… nên khi chết và chìm xuống đáy biển, nó bị chôn vùi khá nhanh".
Kẻ săn mồi đáng sợ nhất đại dương
Hóa thạch gần như nguyên vẹn làm sáng tỏ những đặc điểm khiến Pliosaur trở thành loài săn mồi thực sự đáng sợ, chuyên săn những con mồi như Ichthyosaur (thằn lằn cá). Theo bộ phim tài liệu, loài săn mồi Pliosaur có hàm răng khổng lồ sắc như dao cạo, sử dụng nhiều giác quan khác nhau, có thể cho phép phát hiện những thay đổi nhỏ dưới áp suất nước.
Theo Emily Rayfield, giáo sư cổ sinh vật học tại Đại học Bristol, Vương quốc Anh, người xuất hiện trong bộ phim tài liệu, loài Pliosaur có lực cắn mạnh gấp nhiều lần cá sấu nước mặn - loài có bộ hàm khỏe nhất thế giới hiện nay. Quái vật biển thời tiền sử Pliosaur có thể cắt đôi một chiếc ô tô với lực cắn khủng khiếp.
Andre Rowe, cộng tác viên nghiên cứu sau tiến sĩ về cổ sinh vật học tại Đại học Bristol, nói thêm rằng "con quái vật biển này to đến mức tôi nghĩ nó có thể 'săn' hiệu quả bất cứ thứ gì không may ở trong vùng kiểm soát của nó".