Ông Phạm Trần Long, Giám đốc NXB Thế giới, mở đầu ý kiến của mình tại Hội thảo Hoàn thiện cơ chế chính sách, hỗ trợ hoạt động xuất bản trở thành ngành kinh tế - công nghệ hiện đại, phát triển toàn diện, vững chắc và lấy ý kiến về sửa đổi, bổ sung luật Xuất bản (Bộ TT-TT phối hợp với Ban Tuyên giáo T.Ư tổ chức ngày 19.8 tại Hà Nội) bằng nỗi khổ cả chục năm qua. Theo đó, sau khi phải trả tiền thuê nhà đất theo quy định mới, các NXB và đơn vị phát hành sách đột nhiên phải gánh một khoản tiền lớn. Có đơn vị, tiền thuê nhà đất đang chỉ vài trăm triệu bỗng biến thành vài tỉ đồng, và giá tiền này tăng đều đặn hằng năm.
Ông Long nói: "Về vấn đề tiền thuê nhà, đất của các NXB và đơn vị phát hành sách, Bộ TT-TT đã có Công văn 2354 ngày 19.8.2014 gửi các cơ quan hữu quan nêu rõ thực trạng và đề xuất các kiến nghị xử lý. Đây có lẽ là văn bản sớm nhất về vấn đề này, và từ đó đến nay đã có rất nhiều các cơ quan, ban, bộ, ngành tiếp tục lên tiếng; nhưng tiếc là 10 năm sau, mọi việc vẫn chưa được giải quyết rốt ráo, vẫn chưa có hướng xử lý dứt điểm".
Đơn vị của ông Long còn có một câu chuyện rất khó tin - từ chối làm sách nhà nước đặt hàng. Điều này khiến nhiều người thắc mắc vì được nhà nước đặt hàng làm sách là một hợp tác đem lại nguồn sống cho nhiều đơn vị xuất bản. Tuy nhiên, với các quy định về làm sách thông tin đối ngoại, chẳng hạn các thủ tục hải quan quá gấp gáp, không được tài trợ cước sách thông tin đối ngoại, NXB Thế giới thấy mình không thể chạy theo đáp ứng nổi các điều kiện để làm sách, tất toán hợp đồng. Là đơn vị làm sách đối ngoại có thâm niên và nhiều thành tích, sự từ chối này của NXB Thế giới khiến không thể không đặt câu hỏi về chính sách. "Việc tài trợ cước sách thông tin đối ngoại rất khó, chúng tôi tìm mọi cách để bù vào mà vẫn không được", ông Long chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Dòng, Chủ tịch Hiệp hội In Việt Nam, phân tích các sắc thuế trong lĩnh vực xuất bản chưa hợp lý. Một trong số đó là thuế nhập khẩu thiết bị in. Theo ông, trong điều kiện chúng ta chưa sản xuất được thiết bị in, thì đánh thuế nhập khẩu thiết bị in chỉ gia tăng thêm chi phí xuất bản. "Nếu trong nước chưa sản xuất được thiết bị in thì sao lại đánh thuế nhập khẩu thiết bị này? Điều này làm tăng chi phí đầu tư cho xuất bản", ông Dòng chỉ ra.
Cuộc chơi số, sân chơi phẳng
Ông Nguyễn Văn Dòng cho biết trong tình hình doanh nghiệp nội địa khó khăn, các doanh nghiệp in nước ngoài lại tìm được cách rất thông minh để "thâu tóm" thị trường. Hiện tại, các nhà đầu tư nước ngoài đã mua lại nhiều doanh nghiệp trong nước, với cách đó họ rút ngắn được quá trình đầu tư và phát triển thị trường cũng như tìm kiếm, đào tạo nguồn nhân lực. "Số lượng các doanh nghiệp in có vốn đầu tư nước ngoài tuy chỉ chiếm chưa tới 10% tổng số các doanh nghiệp in ở Việt Nam (không tính các hộ kinh doanh nhỏ lẻ) nhưng tỷ trọng doanh thu của khối này đã chiếm tới gần 1/3 doanh thu của cả nước, chủ yếu là trong lĩnh vực in xuất khẩu và các mặt hàng in cao cấp trong nước", ông Dòng phản ánh.
Tại hội thảo, ông Phan Xuân Thủy, Phó trưởng ban Tuyên giáo T.Ư, cho rằng chính sách thuế và đầu tư cho xuất bản chưa phù hợp. Cũng theo ông Thủy, công tác quy hoạch xây dựng chiến lược phát triển ngành xuất bản chưa được kịp thời, công tác đầu tư còn nặng về thủ tục hành chính. Để vượt qua những khó khăn hiện nay, các đơn vị xuất bản cần tích cực đóng góp ý kiến để hoàn thiện cơ chế, sửa đổi và bổ sung luật Xuất bản.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Thanh Lâm cho rằng việc điều chỉnh một số quy định của pháp luật là cần thiết để ngành có thể thích nghi với sự phát triển của nền kinh tế số. Trong đó, có điều chỉnh thuế cho thiết bị in ấn nhập khẩu, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, khuyến khích có sự tham gia, hợp tác của các doanh nghiệp ngoài ngành xuất bản. "Hoàn thiện cơ chế về xuất bản và khung pháp lý là giải pháp để thúc đẩy ngành xuất bản phát triển", ông Lâm nói.
Cảnh báo nguy cơ mất thị trường, ông Dòng lưu ý gần đây không ít các công ty in của Trung Quốc đã di dời toàn bộ hoặc chuyển một phần công suất của họ sang Việt Nam, chủ yếu đến các tỉnh phía bắc. "Xu thế này có khả năng sẽ tiếp diễn trong những năm tiếp theo", ông Dòng cảnh báo.
Những chính sách cho xuất bản điện tử cũng được nhiều đại biểu góp ý. TS Vũ Thùy Dương, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Xuất bản VN, cho rằng quy định về điều kiện hoạt động với cơ sở phát hành xuất bản phẩm điện tử đã không còn thích hợp. Theo đó, một trong những điều kiện hoạt động đối với cơ sở phát hành là doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập "có địa điểm kinh doanh xuất bản phẩm". Trong khi đó, thương mại điện tử trong xuất bản đang phát triển mạnh mẽ, doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh xuất bản phẩm chỉ cần thuê gian hàng trên các trang web để kinh doanh mà không cần phải thuê địa điểm.
Ông Trần Chí Đạt, Giám đốc NXB TT-TT, cho rằng hiện NXB muốn thực hiện xuất bản điện tử phải đáp ứng nhiều điều kiện, vì thế không phải NXB nào cũng đủ khả năng. "Để tạo điều kiện phát triển xuất bản điện tử, đề nghị trong văn bản quy phạm pháp luật cần cho phép và quy định rõ các NXB có thể liên kết với các NXB đã được cấp Giấy xác nhận đăng ký hoạt động xuất bản/phát hành xuất bản phẩm điện tử để thực hiện xuất bản điện tử", ông Đạt nêu ý kiến.
Vẫn theo ông Đạt, hành lang pháp lý và chính sách hỗ trợ của nhà nước cho đặt hàng xuất bản phẩm điện tử rất quan trọng. "Xuất bản sách điện tử cần được nhà nước có chính sách đặt hàng như đối với sách in để hỗ trợ loại hình xuất bản này phát triển", ông Đạt nêu ý kiến. Theo đó, nhà nước cần đầu tư kinh phí để xây dựng các hệ thống xuất bản các định dạng sách điện tử khác nhau, phần mềm đọc trên nhiều loại thiết bị điện tử. Nhà nước cũng cần ban hành chính sách biên soạn, xuất bản giáo trình điện tử để giảm thiểu chi phí xuất bản, hình thành thói quen sử dụng ấn phẩm điện tử.