Nhà xưa ngày ấy - bây giờ: Độc đáo ngôi nhà 'cửu đại mỹ gia'

09:40 - 09/08/2024

Cuối thế kỷ 20, ngôi nhà xưa của ông Trần Tuấn Kiệt ở ấp Phú Hòa, xã Đông Hòa Hiệp, H.Cái Bè (Tiền Giang) được Tổ chức JICA (Nhật Bản) chọn để cấp kinh phí trùng tu.

Lúc đó, toàn bộ kiến trúc ngôi nhà đã được Trường đại học nữ Chiêu Hòa (Nhật Bản) phục chế theo đúng nguyên bản, do bà Kaneda, kiến trúc sư người Nhật, trực tiếp giám sát thi công trong 6 tháng.
Nhà xưa ngày ấy - bây giờ: Độc đáo ngôi nhà 'cửu đại mỹ gia'

Bức hoành phi sơn son thếp vàng và những ô hoa văn chạm lọng độc đáo ở gian nhà chữ đinh

Hoàng Phương

Như một bảo tàng thu nhỏ

Nằm giữa khu vườn cây ăn trái rộng 1,8 ha, nhà của ông Trần Tuấn Kiệt là một trong những ngôi nhà xưa nổi tiếng nhất ở làng cổ Đông Hòa Hiệp. Ngôi nhà giống như một bảo tàng thu nhỏ, lưu giữ nhiều tác phẩm nghệ thuật bằng gỗ chạm khắc tinh xảo với nhiều hoa văn, họa tiết mang đặc trưng văn hóa miệt vườn Nam bộ.

Sau khi trùng tu xong, năm 2004, nhà ông Kiệt được UNESCO trao giải thưởng "Di sản châu Á - Thái Bình Dương về bảo tồn di sản văn hóa"; đồng thời được các nhà khảo cổ xếp vào loại "cửu đại mỹ gia" ở VN.

Theo lời kể của gia đình, cách đây gần 200 năm, ông Trần Văn Lâu (người gốc Huế) khi vào định cư bên rạch Bà Hợp, thôn An Bình Đông (nay thuộc xã Đông Hòa Hiệp), đã mua một căn nhà gỗ, tháo rời và đưa từ Huế vào rồi dựng lại (khoảng năm 1838, tức vào thời Minh Mạng năm thứ 17). Thời gian sau, làm ăn khấm khá, mở rộng đất đai vườn tược, đến đời thứ 2 là ông Trần Quang Tường, họ Trần trở thành một trong những điền chủ giàu có và tính đến chuyện xây cất thêm nhà cửa.

Nhà xưa ngày ấy - bây giờ: Độc đáo ngôi nhà 'cửu đại mỹ gia'

Ghế thờ được cẩn ốc ngũ sắc cùng với bức tranh vải vẽ cảnh sơn thủy

Hoàng Phương

Từ ngôi nhà chữ đinh, 3 gian, 2 chái ban đầu được cấu trúc lại theo dạng nhà rường và mở rộng thành 5 gian, tạo thành một khối nhà rường chữ đinh. Phần hiên nhà cũng được chủ nhân đời trước kéo dài thêm ra để mở rộng không gian sinh hoạt, đưa diện tích sử dụng lên gần 1.000 m² với 108 cây cột toàn bằng gỗ quý. Mái nhà lợp bằng ngói âm dương, nhưng trải qua hàng trăm năm, nhà bị xuống cấp.

Năm 2002, khi trùng tu, các chuyên gia Nhật đã cho phục chế toàn bộ kiến trúc của ngôi nhà và vật dụng trang trí bên trong nhà theo nguyên bản, kể cả phần vách mặt tiền là chấn song gỗ tám phân vuông dựng đứng, theo kiểu truyền thống xưa.

Độc đáo nhất là các hoa văn trang trí nghệ thuật được chạm lọng trên các vì kèo, xiên, trính, bao lam và trên các vách cửa của ngôi nhà đặc trưng phong cách Nam bộ. Bàn thờ được cẩn ốc ngũ sắc tinh xảo với đồ khí tự bằng đồng, cùng với bức tranh vải sơn nước vẽ cảnh sơn thủy. Ngoài ra, còn có các bộ liễn đối khảm xà cừ, bức hoành phi sơn son thếp vàng, các bộ ghế nghi được chạm trổ công phu cùng với tủ thờ, trường kỷ, các vật dụng bằng gốm sứ quý hiếm được lưu giữ qua nhiều đời, hàng trăm năm, đã làm tăng thêm giá trị của ngôi nhà, đúng nghĩa nhà xưa.

Vừa gìn giữ đồ xưa, vừa làm du lịch

Ông Trần Tuấn Kiệt là cháu đời thứ 5 thừa kế di sản. Năm 2011, sau khi ông qua đời, ngôi nhà được bà Lê Thị Chính (vợ ông Kiệt) quản lý và gìn giữ.

Kể về chuyện trùng tu ngôi nhà, bà Chính nói người Nhật làm kỹ lắm. Hồi đó, trước khi tháo dỡ, họ cất nhà tiền chế để che toàn bộ ngôi nhà. Tất cả cột kèo, xiên trính, ngói gạch đều được đánh dấu cẩn thận và đem cất vào những kho riêng. Mỗi công đoạn đều được chụp ảnh và lưu vào máy tính. Gỗ gì phải được phục chế đúng theo loại gỗ đó. Họ nghiên cứu rất kỹ về nguồn gốc, chất lượng gỗ.

Nhà xưa ngày ấy - bây giờ: Độc đáo ngôi nhà 'cửu đại mỹ gia'

Vách mặt tiền là các chấn song gỗ vuông rất thông thoáng

Hoàng Phương

Nhà xưa ngày ấy - bây giờ: Độc đáo ngôi nhà 'cửu đại mỹ gia'

Các bức vách ở gian thờ được chạm lọng tinh xảo

Hoàng Phương

Trước khi tiến hành sửa mái, họ thiết kế một mô hình mái nhà, tính toán lượng ngói cho mỗi mét vuông. Thậm chí họ còn đưa từ Nhật sang chiếc máy ép ngói rồi liên hệ với một cơ sở sản xuất gạch ngói lâu đời ở Sa Đéc, thuê ép ngói theo tiêu chuẩn của họ. Trước khi lợp, số ngói ấy được ngâm hóa chất. Không biết đó là hóa chất gì mà ngói mới đều giống y màu ngói cũ. Về phần gỗ, chỗ nào họ thay thì không được phép sơn phết. Ban đầu phần gỗ ấy còn mới, bây giờ đã hơn 20 năm rồi, toàn bộ gỗ đã ngả màu trông như đồ xưa.

Sau khi nhà được trùng tu xong, những người Nhật trong Tổ chức JICA còn hướng dẫn gia đình cách khai thác ngôi nhà làm điểm du lịch. Rồi 10 năm sau, khi Tổ chức JICA cử người quay lại, thấy gia đình làm du lịch tốt, họ đã tài trợ thêm 3 tỉ đồng.

"Số tiền này chúng tôi đã chi vào việc bắc cây cầu đi bộ qua con rạch Bà Hợp trước nhà và làm con đường bê tông phía bên kia con rạch cùng một bến tàu có nhà chờ cũng khá đẹp. Tiếc là sau này địa phương làm bờ kè ven con rạch nên cái bến ấy không còn", bà Chính cho biết.

Từ năm 2015, làng cổ Đông Hòa Hiệp được xếp vào di tích cấp quốc gia. Mỗi năm, làng tổ chức lễ hội vào ngày 15.10 âm lịch với các hoạt động văn hóa như tổ chức phiên chợ quê, hội thi làm bánh, chưng mâm ngũ quả, trò chơi dân gian, đờn ca tài tử… 

 
 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

lịch phát sóng trên truyền hình

Thanh toán hóa đơn SCTV

Công công xuất cung - SCTV9

Không gian lạ - SCTV9

 

Thâm cung nội chiến - SCTV9

Không khoan nhượng - SCTV9

 

Wifi Internet SCTV: Tăng tốc gấp đôi – Giá không đổi

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Tin tổng hợp

Liên kết trang

 

Truyen hinh cap va Mang Internet SCTV

 

sctvonline

Trang tin sống động từng giây scj-shopping
Trang tin chuyện nóng 24h

 

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...