Nằm cạnh con rạch nhỏ ở ấp Phước Ngươn (xã Long Phước, H.Long Hồ) có một ngôi nhà xưa, phía trước đề bảng "Khu du lịch sinh thái Nhà Xưa", tọa lạc trên khu vườn rộng khoảng hơn 1 ha, xung quanh có nhiều cây xanh thoáng mát. Khu vườn rộng phía sau nhà tổ chức kinh doanh ăn uống. Đó là ngôi nhà nền lót gạch da qui, mái ngói nhuốm màu thời gian đen xỉn, khoảng sân rộng phía trước trồng cỏ, bày trí hoa kiểng, hồ sen. Bốn phía quanh nhà được lót gạch đá và để các chậu mai vàng. Chủ nhân ngôi nhà này là ông Huỳnh Nhất Trí.
Ngôi nhà xây theo kiểu 3 gian, 2 chái rộng khoảng 300 m2, kiến trúc theo lối Việt - Pháp hồi đầu thế kỷ 20 mà dân gian gọi là nhà "lai Tây". Thường kiểu nhà này sử dụng vật liệu trang trí mỹ thuật ảnh hưởng Pháp, nhưng lại cấu trúc theo dạng nhà rường truyền thống. Theo các nhà nghiên cứu, đây là loại nhà của tầng lớp giàu có, vì nó chiếm nhiều diện tích, xây dựng công phu, vật liệu tốn kém. Thế nên kiểu nhà này ngày xưa thường là của các gia đình khá giả, có thế lực trong xã hội.
Theo người dân địa phương, ngôi nhà này do ông Huỳnh Văn Hiển (sinh năm 1856) xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ 20, sau đó giao lại cho con là ông Huỳnh Công Qui. Ông Huỳnh Nhất Trí là hậu duệ họ Huỳnh. Tham khảo chữ ghi trên khánh thờ thì ông tổ họ Huỳnh là ông Huỳnh Đức Độ, sinh năm 1740, mất năm 1817.
Quan sát ngôi nhà của ông Huỳnh Nhất Trí hiện nay thì thấy bộ giàn trò là nhà xưa, còn hầu hết đều được tân trang lại và có lẽ đã qua nhiều lần trùng tu sửa chữa. Phần hàng ba khá rộng như một cái thảo bạt (nơi chủ nhà sử dụng để tiếp khách, đồng thời thết đãi các quan khách đặc biệt mỗi khi nhà có tiệc tùng, cúng giỗ), được nối thêm từ hàng ba nhà cũ bằng các cây kèo nối xuống 6 cây cột tròn bằng xi măng ở giữa và 2 cây cột vuông ở phần hai chái. Hoa văn đầu cột được đắp tròn, đường viền theo kiểu hoa văn Pháp. Các gốc cột của hàng ba cũ được kê lên những tán đá trên cổ bồng, dưới bát giác, chứng tỏ mái trước của ngôi nhà xưa khá thấp, đã được gia chủ sửa chữa nâng lên.
Các đầu kèo xưa gác lên cột hàng ba cũ, phía trên đầu kèo đắp chồng lên tác phẩm gỗ chạm cá hóa long, tuy phục chế nhưng nét chạm khá mềm mại, tô điểm thêm cây kèo cũ. Khu vực này được lót gạch da qui, đã sụt lún vài chỗ, xen lẫn với gạch tàu hình vuông lấn vào gian chính. Mái ngói âm dương còn nguyên vẹn trông khá cổ kính, nhưng các vật trang trí trên nóc và con lươn ngánh chái có thể hư hỏng nên lúc trùng tu, đã bị gỡ xuống.
Hai bên cửa cái là bốn ô vách song gỗ vuông dựng đứng thường thấy ở nhiều ngôi nhà xưa. Vách ngăn giữa hàng ba và gian chính cùng bộ cửa xưa đã tháo dỡ nên không gian khu vực này khá rộng, được bố trí nhiều chiếc bàn vuông, để phục vụ khách du lịch.
Phần 2 chái cũng được nới rộng, xây vách gạch với 5 ô cửa vòm kiến trúc kiểu Pháp, dưới song sắt, trên lá sách. Chủ nhà tận dụng khu vực này bố trí các bộ ván gỗ, giường cho du khách nằm nghỉ. Ở phía mặt hậu cũng có 6 cây cột tròn bằng xi măng. Vách hậu là tường gạch, cửa ra vào thiết kế cửa vòm tân thời, có lối lên khá thoáng. Lối kiến trúc tân thời đậm nét ở khu vực này.
Nhà xưa nhưng ít đồ xưa
Nhìn toàn cảnh thấy điểm nhấn của ngôi nhà là gian chính, khu vực thờ phượng. Ở đây có 2 bộ bao lam đặt đối xứng hai bên cửa buồng. Bộ bao lam được chạm lọng một bức thủ quyển chính giữa phủ xuống dây lá, chim, hoa. Tuy được phết lên một lớp nhũ vàng mới nhưng vẫn còn nét cổ kính. Vách lụa gỗ chạm lọng hoa văn hình thoi đan xen nhau hài hòa, thông gió.
Chiếc khánh thờ đặt trang trọng trên cao ở giữa nhà, sát vách hậu. Thiết kế theo hình hộp, chiếc khánh thờ được tân trang lại khung viền hình lưỡng long tranh châu. Nét chạm hơi thô nên trông có vẻ đối chọi với các ô trám đặt trên khung bao lam chạm lọng hoa trái. Trong khánh có tấm biển đỏ, viền khung dây lá nhũ vàng ghi tên họ cụ tổ họ Huỳnh và một bài văn khắc chữ quốc ngữ, ca tụng công đức của tiền nhân.
Dòng ghi chú bên dưới cho biết tấm biển mới được làm vào dịp Thanh minh năm 2018. Tấm biển cũng cho biết hậu duệ của họ Huỳnh nay đã đến đời thứ 9, thứ 10.
Đặc biệt, ở ngôi nhà xưa này các vật dụng xưa không thấy nhiều. Có thể vì mục đích làm du lịch nên chủ nhà cố ý không trưng bày nhiều cổ vật. Ngoại trừ vài chiếc ghế nghi "chân cheo" dùng làm nơi thờ phượng và bộ trường kỷ đặt ở chính giữa nhà, các vật dụng trong nhà hầu hết là đồ mới hoặc được phục chế. Ở hai bên gian chính bày hai bộ ván dày cả gang tay. Một bộ bàn tròn bề thế ở gian chái và một số đồ vật trang trí, thờ cúng như lư đồng, tranh khảm xà cừ, tủ thờ khảm xà cừ.
Người bảo vệ ở đây cho biết được thuê phụ trách giữ nhà và lo việc vệ sinh, quét dọn. Người chủ nhà và gia đình ở nơi khác. Du khách tham quan ngôi nhà thường kết hợp với việc ăn uống ở khu vườn phía sau.