Nhà Lê Quý Đôn 'sách đặt trên giá, có đến ngàn quyển'
Có phải chăng nhà Lê Quý Đôn sách vở chẳng thiếu cuốn nào không? Không hẳn vậy, dù câu chuyện được Lịch đại danh hiền phổ chép dưới đây, thì cũng chỉ là để người đọc hay rằng, tủ sách gia đình họ Lê quả là được chăm chút lắm. Theo đó, khi Lê Quý Đôn còn ở tuổi học trò, có ông nghè là bạn của ông Phú Thứ (cha Lê Quý Đôn) có hỏi rằng: "Nước ta lâu nay không có Trạng nguyên, con ông thông minh lạ thường như thế, có thể đỗ Trạng được". Nhân khen tài học của Quế Đường, ông nghè lại hỏi xem Lê Quý Đôn đã đọc hết các sách chưa. Nghe bạn hỏi, ông Phú Thứ mới đáp rằng: "Nhà tôi các sách cũng tạm đủ, chỉ có quyển Trinh Quán chính yếu là không có, nên cháu chưa được đọc". Việc tiếp theo được sách trên chép lại, "ông nghè hứa cho mượn, nhưng lại chọn những chỗ quan yếu, lấy ra ba bốn tờ, ý chừng dùng để ra đầu bài, vì thế mà ông [Quế Đường] thi Đình không đỗ được Trạng nguyên, chỉ đỗ Bảng nhãn khoa Nhâm Thân niên hiệu Cảnh Hưng mà thôi".
Thực hư của giai thoại trên chưa rõ, nhưng việc sách nhà Lê Quý Đôn có nhiều, hẳn là thật. Xem bài Lầu sách (Thư lâu) trong Quế Đường thi tập của Lê Quý Đôn, chúng ta hình dung phần nào thư viện tư nhân của gia đình vị Bảng nhãn:
Ngoài trời mây nổi lại có bầu trời khác,
Nơi lầu sách, mơ hồ tưởng như trong động tiên.
Sách đặt trên giá, có đến ngàn quyển,
Văn chương chất đầy trên xà, không biết bao nhiêu thiên.
Sách vở chất chứa ngần ấy, lại thêm khả năng học sâu nhớ lâu, sau này Lê Quý Đôn lập công danh sự nghiệp qua đường khoa cử, mà trước tác để lại cho đời ở nhiều thể loại khác nhau, thể hiện sự hiểu biết sâu rộng, kiến thức uyên bác. Bản thân ông khi nói về giá trị của sách, đã có câu danh ngôn mà hậu thế và sách vở đời sau hay trích dẫn, như Việt Nam thi văn hợp tuyển của Dương Quảng Hàm dẫn lại, rằng "Dẫu có bạc vàng trăm vạn lạng,/Chẳng bằng kinh sử một vài pho".
Cũng là về sự dồi dào sách vở, Mẫn Hiên thuyết loại ghi về Phương Am Nguyễn Huy Cận (cháu nội tiến sĩ Nguyễn Huy Nhuận, con tiến sĩ Nguyễn Huy Dận). Huy Cận thuở nhỏ có tiếng là thần đồng, đọc sách một lần là nhớ. Khi trưởng thành, "tiên sinh xây riêng một phòng để ở, bốn vách đều là sách vở"… "tiên sinh trở thành người học vấn uyên bác, đứng đầu thiên hạ, ngang với ông bảng nhãn họ Lê [Quý Đôn] ở Duyên Hà". Dẫu danh tiếng không nổi như Quế Đường, nhưng rõ ràng "sách vở đầy bốn vách", cho thấy Phương Am là một trí thức yêu sách vở.
Cao Bá Quát chỉ mong sách vở gom đầy nhà
Trước đấy cuối thời Lê sơ, Lương Đắc Bằng vốn là Bảng nhãn. Sinh thời, ông từng dâng lên vua Lê Tương Dực 14 kế sách trị bình đầy tâm huyết năm Canh Ngọ (1510), là thầy của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. "Nói riêng về ông Đắc Bằng vì có người họ ở bên Trung Quốc, nên có mua giúp cho ông được nhiều sách lạ, bởi vậy ông rất tinh về khoa học Thuật số", Vũ Phương Đề đã ghi về ông như thế trong Công dư tiệp ký. Là đồng tác giả Tang thương ngẫu lục (viết cùng Nguyễn Án), Phạm Đình Hổ thuở thiếu thời, nhà khách gia đình ông "chồng chất mấy giá sách, tùy ý muốn lấy xem quyển nào thì xem", lời họ Vũ tự sự trong Vũ trung tùy bút.
Sau này, thời Nguyễn có danh thần Cao Bá Quát khi họa thơ với thân hữu là Phương Đình Nguyễn Văn Siêu, Vũ Tông Phan và Trần Văn Vi, trong bài Đường thi kỳ nhị (vần viễn) đã bày tỏ mong muốn của bản thân:
Ngoài cuộc nên hư mặc sự đời,
Bấy năm tâm sự nhiều diễn biến.
Chỉ mong sách vở gom đầy nhà,
Cất giấu trên non ba trăm quyển.
Tâm tình quyến luyến với sách vở thánh hiền của họ Cao nhiều lần được gửi vào thi văn, như lần khác ông tâm sự "Tục lụy cười mình chưa dứt được,/Gần đây sách vở quá say sưa". Lòng ham, quý sách của họ Cao thật đáng trọng, nên tài văn học của ông được khen là "Văn như Siêu, Quát vô Tiền Hán" quả không sai.
Người bạn tài năng của ông trong câu khen tặng trên là Phương Đình Nguyễn Văn Siêu, tác giả của những Phương Đình dư địa chí, Đại Việt địa dư toàn biên… cũng một lòng yêu sách vở như thế. Khi bệnh tật bén thân, ngoài vị thuốc đắng giã bệnh, thì lúc ấy, có sách là bạn tinh thần nữa: "Ngàn dặm quên bay thân hạc mỏi,/Ở cùng sách cũ với chiếu manh" (Bài Trung thu ở kinh đô bị ốm làm bài thơ này); "Đường dài vốn biết chẳng còn hơi,/Chỉ biết ngồi ôm sách vở thôi" (Bài Thơ làm trước và sau Tết Trung thu); hoặc ở phương diện khác, sách khác gì vị thuốc trường sinh. Bởi vậy Phương Đình mới có câu "Bạch Xã mừng thơ ý tứ hay,/Sách vở làm giàu thêm tuổi thọ"… (còn tiếp)