Ngồi đợi trăng lên - Truyện ngắn dự thi của Hồ Thị Linh Xuân (Sóc Trăng)

09:28 - 08/07/2024

Người ta báo tin cho Nhị khi tiện gặp ở trường học lúc chị đang chờ rước con Nhàn. Cả một rừng phụ huynh đứng đó, người ta ghé sát vào Nhị đến mức chiếc môi vểu kia có thể chạm vành tai; nhưng âm thanh phát ra dễ chừng người gác cổng đứng cách tận mười mét vẫn nghe lọt:

"Chị vừa trên huyện về, thấy chú Bằng chồng thím vô khách sạn với đào ngon, trẻ mà đẹp lắm".

Nhị ngẩn ngơ mất một lúc rồi sực tỉnh. Nhẹ nhàng chị đính chính danh dự cho chồng mà như để tự trấn an mình: "Chồng em nào giờ sao em biết, ảnh hổng có vậy đâu".

Ngồi đợi trăng lên - Truyện ngắn dự thi của Hồ Thị Linh Xuân (Sóc Trăng)

TUẤN ANH

Người đàn bà bĩu môi: "Chú Bằng chứ ai. Hàng xóm với nhau không lẽ mặt chú mà chị nhìn lộn. Giờ nếu thím không tin, mình lên huyện liền rồi chị chỉ chỗ cho thím vô. Thể nào cũng bắt tại trận". Nhị không đáp, vừa lúc đó con Nhàn tan lớp, chạy ù ra. Người báo tin lại hỏi: "Có đi không?". Nhị lắc đầu. Đời thuở ai lại mang con nhỏ đi đánh ghen. Với cả giờ này thằng An, con lớn của chị đang chờ cơm ở nhà.

Bóng tối đã sụp xuống lâu mà chồng vẫn chưa về. Nhị lùa các con vào bàn học bài, bỏ mùng sẵn. Chị ra hiên ngó chừng ra lộ coi có xe cộ nào qua lại, rồi thôi. Trở xuống bếp xem mâm cơm còn nóng không, Nhị hâm lại, đậy kín rồi vô buồng với tụi nhỏ. Con Nhàn học mệt, ngoẹo đầu xuống bàn. Mái tóc tơ bay bay rồi rũ xuống theo vòng quay của chiếc quạt máy cũ vặn mình răng rắc. Gương mặt nó lấp lánh như nước hồ. Sao mà nó giống anh. Cả thằng An cũng giống ba y hệt. Biết là chúng từ lòng mình chui ra, không giống mình, ấy mà Nhị lại vui. Biết bao lần Nhị thầm cảm tạ ơn trời vì hai đứa con của chị đều là những đứa trẻ xinh đẹp.

Nhị đưa tay tháo kẹp, mái tóc dày xơ xõa xuống. Từ buồng nhìn ra phía cánh cửa tuột mắc cài bị gió đập kẽo kẹt thấy màu đêm rất loãng, sao đã lấp lóa mà trăng vẫn chưa lên. Gió đưa qua đám chuối già hương lao xao, rười rượi. Vài con đom đóm chớp tắt trên nhánh tràm đứng chênh vênh cạnh dòng sông mà giờ này chỉ là một tấm thảm đen phẳng lặng như tờ.

Nhị không định soi gương. Nhưng dường như người ta càng sợ cái gì thì lại càng có xu hướng bị chính thứ đó thu hút. Chị chậm rãi ngồi xuống cái ghế đẩu nhỏ mà ngày thường con Nhàn vẫn ngồi đó chải đầu. Chiếc gương như làm sáng thêm vẻ trong trẻo và đáng yêu của nó.

Nhưng có giấc mơ đẹp của người này lại trở thành ác mộng với người kia. Nhị luôn sợ những chiếc gương, sợ bất kể thứ gì mà khi nhìn vào chị thấy mình phản chiếu lên đó. Nhớ hồi mới cưới, Bằng chồng Nhị không đặt tấm gương soi nào trong nhà. Anh gãi đầu biểu nhà có hai má con, má thì già anh thì đàn ông, ai đâu coi kiếng, kỳ chết. Chồng nói thì Nhị nghe cốt để anh vui, chứ chị cũng thừa biết Bằng không muốn vợ ngắm mình trong gương rồi mặc cảm, tủi buồn vì là người phụ nữ kém nhan sắc.

Đâu cần ai nhắc thì Nhị vẫn luôn ý thức rằng mình là ả đàn bà không có nhan sắc. Hồi má sanh Nhị, bà con họ hàng vô thăm bàn tán xầm xì. Vài người tốt đẹp động viên: "Chưa ra tháng chưa biết đẹp xấu đâu". Vậy mà má cứ buồn, con gái mà xấu quá thì tội nó.

Rồi Nhị lớn. Mọi nét đều dần hiện rõ. Mắt Nhị lồi, hơi thừa lòng trắng, mặt mày lấm tấm hột nâu. Mũi hỉnh ngắn ngủn thì thôi đâu, răng Nhị hô, hễ cười là hở lợi. Làn da khô ráp, đen sạm, sần sùi. Ai cũng nói Nhị già trước tuổi. Sinh xong hai đứa con thì Nhị phát xồ. Thân cao mét sáu mà nặng bảy mươi hai ký lô rưỡi thì thiệt tình là ngán mỡ. Có lần, đứa em gái út mua gửi Nhị mấy hộp trà uống để giảm cân. Một hộp có mười lăm gói uống nửa tháng mà tận năm trăm ngàn. Nhị uống ba hộp, còn tròn bảy mươi hai ký. Con Út kêu mua nữa Nhị cản, bảo thôi, cơ địa chị vậy rồi. Còn Bằng thấy vợ uống trà mà xôn xao trong người thì đâm lo, sợ là đồ tầm bậy, thêm hại. Anh rầy chị. Mình có sao để vậy đi, tui thấy cũng có khó coi gì đâu. Buộc lòng Nhị phải đem mấy hộp trà giấu biệt. Lần nào đem ra uống cũng lén lén lút lút, thập thập thò thò. Sau thấy vừa tốn kém vừa phiền lại khiến chồng lo Nhị đành bỏ hẳn.

Ai người biết chuyện cũng biểu Nhị lấy được người chồng tâm lý như Bằng là có phước lắm. Mà cần chi ai nói, nhiều lần Nhị vẫn tưởng mình sống trong mơ. Người đời hay nói hạnh phúc rất dễ tắc đường, phải trả giá, phải đấu tranh mà sao với Nhị điều tốt đẹp lại đến dễ dàng thế. Có lúc chị cứ tự vấn rằng kiếp trước mình đã tích được phần phước gì mà được Bằng để mắt và quyết lòng lấy cho bằng được về.

"Không phải kiếp trước mà là kiếp này".

Vài lần trong lúc đầu ấp tay gối, Bằng vừa mơn trớn vừa thỏ thẻ vào tai Nhị. Nhị vùi mình trong vồng ngực ấm, cảm nhận đôi bàn tay dịu dàng ve vuốt, biết chồng đang đâu phải giả đò. Mười mấy năm hương lửa gối chăn, ai có thể giả đò mãi nhỉ.

Và lần nào Nhị cũng mê man trong suy nghĩ nên hay không nên hỏi một lần cho tường tận, để khi ngước mặt nhìn lên thì Bằng đã ngủ khì. Gương mặt anh nghiêm ngắn, thong thả. Hơi thở đều đều, an giấc bình thản như chẳng mang lấy điều gì vướng bận vào hồn. Nhị ngắm chồng say sưa ngủ rồi bất giác thấy mình thật ngô nghê. Ở đời, đâu phải chuyện gì cũng cần hỏi đến tận cùng ra lẽ mới tốt.

Không ngủ được, Nhị trở xuống bếp bắc ấm nước. Nhìn đốm lửa li ri, tần ngần Nhị nhớ lại lần đầu tiên hai người gặp nhau. Hồi ấy, Bằng thả lưới trên sông Do còn Nhị hễ chiều là cõng bà nội lúc tỉnh khi mê lại bị liệt nửa người sau cơn tai biến ra bến nhìn dòng nước miên man chảy. Một bữa thả xong tay lưới, Bằng chèo ngang chèo dọc rồi rẽ nước vô bờ. Nhị đặt bà ngồi lên một ụ đất bằng phẳng tựa vào thân cây tra rồi lần xuống mé ai bắc một cây cầu ván gỗ. Chị ngồi đó ngắm những đám lục bình trôi theo sóng nước dập dềnh. Gặp lúc thuyền vừa cập bến, Bằng bắt quen hỏi chuyện. Anh giới thiệu nhà mình ở bên kia sông. Mấy bữa rày ngày nào cũng thấy Nhị đưa bà ra đây lại không biết là con cái nhà ai hết.

Lúc đó Nhị có nghĩ gì đâu. Chị thiệt tình kể mình là con gái lớn ông Bảy Lạc. Hơn chục năm nay gia đình lên rừng tìm sinh kế, làm củi đốt than, ky cóp cũng được một số vốn nên về xứ mua năm công ruộng mần ăn. Lưu lạc bao năm cuối cùng cũng được về quê ở hẳn. Bằng ân cần hỏi chuyện những ngày trôi dạt, Nhị bảo: "Vất vả nhưng cũng lắm điều vui. Ra đi mới biết xứ này phận lênh đênh như mình còn nhiều lắm. Hoàn cảnh mới phải tha phương cầu thực nên ai nấy đều đùm bọc, coi nhau như anh em. Phải vậy người ta mới sống được, anh nhỉ?".

Nở một nụ cười gần như thỏa nguyện, Nhị nói: "Biết gia đình em về quê ổn định cuộc sống, ai nấy mừng lắm. Mà nói thiệt em cũng chờ ngày này lâu rồi. Ở đâu cũng không bằng xứ mình hết, anh. Nói như ba em ngày còn ở nơi nước độc rừng thiêng thì miễn về được tới quê rồi ông chết cũng được".

Đưa ánh mắt nặng trĩu nhìn người già đang đờ đẫn ngó ra xa xăm bờ bãi, giọng Nhị buồn buồn. "Hồi còn mạnh, hầu như ngày nào bà nội em cũng lần ra bến. Lúc đó em còn nhỏ, vẫn thường lẽo đẽo chạy theo, hỏi bà ngóng ai. Bà nội lầm rầm: Thì bác Ba bây chứ ai. Hổng hiểu sao hòa bình rồi mà nó vẫn chưa trở lại".

Bác Ba là người trưởng trai đã chết trong những ngày khói lửa. Nhị chưa từng biết mặt. Nhà cũng không có ảnh thờ. Ngày người ta đưa giấy báo tử, bà nội lắc đầu, một mực không tin. Bà khăng khăng nói chỉ là điều nhầm lẫn. Chứ bữa bác Ba đi chính bà đưa con ra bến, bác Ba nắm lấy tay nội nói đợi ít năm nữa quê hương thôi tiếng súng bác sẽ trở về.

Nhìn ra mênh mông phẳng lặng, Nhị bảo: "Dù chú Út em thờ phượng, cúng giỗ bác Ba hằng năm thì bà nội vẫn cứ một mực quả quyết là con trai mình chưa chết đâu. Cuộc đời bà vĩnh viễn dừng lại ở thời khắc tiễn con ra trận. Không bao giờ già nữa".

Bằng im lặng lắng nghe còn Nhị thì cứ hồn nhiên chuyện kia xọ qua chuyện nọ. Nhị kể hôm mình về, nhìn bà như chiếc lá khô teo tóp dần trong bóng tối, tưởng như chút sinh lực cuối cùng đang sắp tan thành khói và bay đi. Nhị ngồi xuống bên bà, nắm lấy tay, rồi bất giác hỏi: "Mình ra sông ngóng bác Ba về không nội?". Đôi mắt người già dần nhắm khép bỗng vụt sáng lên. Ngọn đèn sắp tắt được châm thêm chút dầu cặn. Từ bữa đó bà như được hồi sinh.

Đưa tay té một làn nước về đám lục bình trôi, Nhị nói: "Đôi khi có cái gì đó để chờ đợi cũng là lý do người ta tiếp tục sống".

Nở một nụ cười nhẹ nhõm, Nhị nhớ buổi ban đầu chỉ có vậy. Thuần những câu chuyện thường tình, đơn sơ. Đến lần gặp thứ hai, khi ấy Nhị không biết Bằng đang đứng ở hàng lu nước phía ngoài nhìn về phía chị. Lúc đó, Nhị đang vắt tấm khăn ướt nhẹ nhàng lau mình cho bà. Người bà nhầy nhụa phân. Tấm chiếu cũ ướt nhem một vùng lớn. Không có ai ở nhà. Vừa nhẹ nhàng tỉ mẩn kỳ cọ từng kẽ tay, Nhị vừa tự trách: "Tại con. Do sáng này phải chở má đi nhà thương, chờ gọi tên theo số thứ tự lâu quá, nội". Người già không đáp, ánh mắt vô hồn. Đôi tay gầy guộc bấu chặt lấy đôi cánh tay Nhị khi ấy cũng gầy guộc.

Lau rửa sạch sẽ, xức nước thơm xong, Nhị bồng bà chỉ còn nhẹ bẫng xuống ghế bố. Chị lui cui dọn rửa giường chiếu, giặt giũ mùng mền. Bình thường chuyện ăn uống sinh hoạt của bà một tay chú Út. Thím dâu chẳng bao giờ đụng tay. Mỗi lần đi ngang giường mẹ chồng, thím đều bụm mũi, chê khai. Lâu ngày, sợ nhà ám mùi hôi tanh nhỡ khi có khách, thím kê chõng xuống chái củi cạnh sàn nước cho bà nằm.

Nhị phơi phóng ga gối chiếu liếp xong thì người già đã ngoẹo đầu về một bên ngủ say. Trải tấm đệm tạm, Nhị định bồng bà lên thì một cánh tay rắn chắc dằn lấy. "Nhị, để anh". Là Bằng. Anh ngại ngùng bảo sang mời đám giỗ. Lại ngay lúc chú thím không ở nhà. Nhị cười hiền: "Để em nhắn lại". Bằng lựng khựng, thấy không còn lý do gì để ở lại nhưng cũng không muốn rời đi.

Phây phẩy chiếc quạt nan đưa từng làn gió mát dỗ cho bà ngủ, Nhị bâng quơ: "Người già là phản chiếu của mình ngày nhỏ. Anh coi, nội em bây giờ khác gì một đứa trẻ lên ba".

Nhoẻn cười, Nhị nhớ tới lần gặp nhau thứ ba. Lần này là tại nhà Nhị. Bữa đó nhìn Bằng rất bảnh. Không biết ngày thường vất vả ra sao, chỉ cần ăn diện vào nhìn người ta cũng khác. Bà mối bảo Bằng sang hỏi vợ. Nhìn người thanh niên cao ráo sáng sủa, ba Nhị nói: "Con Út Lan tui còn đi học chắc chưa gả bây giờ được đâu". Bằng điềm đạm: "Con muốn cưới em Nhị".

Tiếng lộc cộc cắt ngang dòng hồi tưởng. Bằng về. Một bánh xe xịt lốp. Anh nặng nề đẩy lên dốc dẫn vào nhà. Người anh nhễ nhại mồ hôi nhưng ánh mắt trong buổi tối trời vẫn rực sáng. Nhị pha một xô nước ấm cho chồng. Bằng xối lấy xối để rồi thay đồ, ngồi vào mâm cơm còn ấm.

Vừa ăn Bằng vừa nhũn nhặn: "Xe hư ngay đoạn trống, mình à. Không biết có cán phải đinh". Nhị không nói gì. Chị chăm chú nhìn những giọt nước từ mái tóc chồng đang rỏ xuống.

Như nhớ ra chuyện gì, Bằng hỏi: "Em có nhớ chị Lụa con bác Ái xóm bên, nhà bị giông lốc cuốn sập mấy bữa trước không? Chị đi làm đâu bên Hàn, nghe tin vội về tính cất nhà lại. Đi xe đò về huyện mà không hiểu làm sao họ thả chỉ ở cái đường trẹo, không bắt được taxi. Đồ đạc cũng nhiều, trời thì sắp tối. May nhờ gặp mặt, nhận ra nhau, chỉ nhờ anh chở qua nhà người quen kinh doanh khách sạn ở nhờ. Dọc đường chỉ kể đủ thứ. Chỉ nói ở bển cũng cực lắm, định ráng mấy năm nữa kiếm số vốn chắc chị về luôn...".

Bằng còn nói gì nữa trong lúc lau bàn, dọn mâm cơm vừa ăn xong. Nhị không để ý. Chị ngồi bên song cửa, nghiêng đầu một bên, vuốt ve mái tóc xõa dài.

Ngoài thềm trăng đã lên.

 

 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Thanh toán hóa đơn SCTV

lịch phát sóng trên truyền hình

Công công xuất cung - SCTV9

Không gian lạ - SCTV9

 

Thâm cung nội chiến - SCTV9

Không khoan nhượng - SCTV9

 

Wifi Internet SCTV: Tăng tốc gấp đôi – Giá không đổi

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Tin tổng hợp

Liên kết trang

 

Truyen hinh cap va Mang Internet SCTV

 

sctvonline

Trang tin sống động từng giây scj-shopping
Trang tin chuyện nóng 24h

 

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...