Đây là chương trình chào mừng ngày kỷ niệm 79 năm Cách mạng tháng Tám (19.8.1945 - 19.8.2024) và Quốc khánh (2.9.1945 - 2.9.2024); cũng là hoạt động đầu tiên trong chuỗi hoạt động hướng tới 100 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21.6.1925 - 21.6.2025) và 75 năm Ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21.4.1950 - 21.4.2025).
Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng ra đời ngày 4.4.1949, là cơ sở đào tạo báo chí đầu tiên của báo chí cách mạng Việt Nam và cũng là cơ sở đào tạo duy nhất trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Ngày 28.3.2019, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL ban hành Quyết định số 1182/QĐ-BVHTTDL xếp hạng Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng là di tích quốc gia.
Trước đó, ngày 18.1, chào mừng kỷ niệm 75 năm thành lập Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Thái Nguyên và các cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên đã khởi công công trình tu bổ, tôn tạo di tích quốc gia Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.
Công trình gồm các hạng mục chính: nhà sàn rộng khoảng 80 m2, là "bảo tàng thu nhỏ" trưng bày về báo chí Chiến khu Việt Bắc 1946 - 1954. Nhà sàn được phỏng dựng từ ngôi nhà sàn của Tổng bộ Việt Minh, nơi chỉ đạo trực tiếp các hoạt động báo chí kháng chiến, là nơi thành lập Hội Nhà báo Việt Nam năm 1950.
Công trình này có bức phù điêu với 48 chân dung các thành viên ban giám hiệu, giảng viên và học viên Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng; hội trường trong lòng đồi phục vụ hội nghị, hội thảo và các hoạt động khác, có sức chứa trên 150 người; quảng trường mini phục vụ tổ chức sự kiện, rộng 200 m2...
Bên cạnh đó, công trình còn có nhà trưng bày về Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng rộng 80 m2 xây trên đồi cao, phỏng dựng theo tài liệu ghi chép và một số hình ảnh tư liệu để lại, xưa là nhà tre nứa, nay là nhà khung gỗ, mái lá nhân tạo chống cháy.
Tôn vinh và khắc ghi thế hệ nhà báo kháng chiến tiên phong
Phát biểu tại lễ khánh thành, nhà báo Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, khẳng định Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng ra đời là dấu mốc đặc biệt gắn liền với những chặng đường làm báo vinh quang dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người thầy đầu tiên của báo chí cách mạng, vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc ta.
Cũng từ dấu son đầu tiên của sự nghiệp đào tạo báo chí tại Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, đến nay Việt Nam đã có hơn 10 cơ sở đào tạo cán bộ báo chí cho cả 4 loại hình: báo in, báo phát thanh, báo truyền hình, báo điện tử với trình độ từ cử nhân đến tiến sĩ.
Nếu năm 1949, Việt Nam có khoảng 10 tờ báo với khoảng 300 người làm báo thì đến hết năm 2023, cả nước có 6 cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực, 127 cơ quan báo, 671 cơ quan tạp chí, 72 cơ quan đài phát thanh, truyền hình và trên 40.000 người làm báo…
"Thời gian dần trôi theo dòng chảy của lịch sử, hầu hết các giảng viên, học viên của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng đã về cõi vĩnh hằng. Dù muộn nhưng chúng ta vẫn đang nỗ lực tôn vinh và khắc ghi về một thế hệ nhà báo kháng chiến tiên phong trên mặt trận báo chí đã từng dành cả đời mình, góp sức làm nên truyền thống vẻ vang và sức sống của báo chí cách mạng nước ta", nhà báo Lê Quốc Minh nói.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh khẳng định, công trình được khánh thành thể hiện sâu sắc ý thức trách nhiệm, lòng tự hào, sự tri ân công lao của các thế hệ tiền bối đã tận hiến vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì khát vọng độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Di tích này tôn vinh truyền thống vẻ vang, sứ mệnh cao cả và những đóng góp to lớn của báo chí cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
"Đây cũng là dịp chúng ta cùng ôn lại truyền thống cách mạng hào hùng của dân tộc, những trang sử vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam, để nhận thức sâu sắc hơn, đóng góp trách nhiệm hơn trong thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của báo chí, truyền thông, đáp ứng kịp thời yêu cầu của giai đoạn mới với nhiều khó khăn, thách thức mới", bà Nguyễn Thị Thanh nhìn nhận.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị các cơ quan chức năng, sau khi nhận bàn giao di tích sẽ phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với Hội Nhà báo Việt Nam triển khai những hoạt động hữu ích, khai thác, sử dụng thật hiệu quả công năng của những hạng mục đã được tu bổ, tôn tạo để tiếp tục gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị bền vững của một di tích quốc gia có tầm vóc và ý nghĩa thiêng liêng, là nơi kết nối lịch sử, hiện tại và tương lai của nền báo chí cách mạng Việt Nam.