Quá trình hình thành lễ hội Đổ giàn
Làng An Thái (xã Nhơn Phúc) hình thành khoảng thế kỷ 17, là địa bàn cộng cư của người Việt, người Hoa… và phát triển với tư cách là thị tứ vào thế kỷ 18. An Thái là một làng võ nổi tiếng ở Bình Định, truyền thống văn hóa đặc sắc và có nhiều nghề truyền thống như: làm bún song thằn, dệt lụa, rèn, đúc đồng, đông y…
Theo ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định, tại làng An Thái có chùa Bà Trước khai sơn năm 1760, chùa Bà Hỏa (thờ Chúc Dung thần nữ) khai sơn năm 1847, chùa Ngũ bang Hội quán (chùa Bà, thờ Thiên hậu Thánh mẫu) khai sơn năm 1873, chùa Ông (thờ Quan Công) khai sơn năm 1919. Theo thông lệ, cứ đến dịp tam hạp Tỵ, Dậu, Sửu, vào khoảng trung tuần tháng 7 âm lịch, khi mùa màng (thời bấy giờ) gặt hái đã xong, tiết thu mát mẻ, chùa Bà tổ chức trai đàn để cầu quốc thái dân an, xá tội vong nhân và mừng mùa bội thu. Ban trị sự của chùa chuẩn bị lễ vật để cúng chay cho Bà (Thiên hậu Thánh mẫu), cộng thêm những hình thức sinh hoạt khác như hát bội, hội Xô cỗ, Đổ giàn…
Theo các vị lão thành ở Ngũ bang Hội quán thuật lại, họ đã được xem hội Đổ giàn lần đầu tiên vào năm 1933 (Quý Dậu), rồi đến 1937 (Đinh Sửu), 1941 (Tân Tỵ). Những năm 1945 trở về sau, vì đất nước trong thời kỳ chiến tranh, hội Đổ giàn không đủ điều kiện thực hiện, dần trở nên mai một.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Ngọc, năm 1989 (Kỷ Tỵ), TX.An Nhơn có khôi phục một số nghi thức lễ và một vài chi tiết của hội Đổ giàn, nhưng vẫn ở dạng sân khấu hóa.
Năm 2005, lễ hội Đổ giàn tại chùa Bà được tái hiện từ ngày 14 - 16.7 âm lịch với các nghi thức như: Lễ rước nước, lễ rước cỗ, lễ rước Phật, lễ rước hương, chưng cộ đất (dùng xe cộ bánh bằng gỗ, có người kéo, dựng cảnh trên một số địa điểm để thể hiện tích xưa như thầy trò Tam Tạng đánh nhau với Ngưu Ma Vương, Bà-la-sát, Hồng Hài Nhi hoặc cảnh Thiên hậu Thánh mẫu cứu nạn...), lễ rước đèn múa lân, nghi thức cúng chay liền ba ngọ (ngày 14, 15, 16.7 âm lịch)…
Khi tổ chức xong ba ngọ chay thì các cỗ tế được chuyển về trai đàn trước sân chùa Bà, tiến hành nghi thức khai đàn, chẩn tế, lá phướn lúc này được treo trên nóc chùa, nghi thức cầu an, chuẩn bị cho diễn trình xô cỗ đổ giàn. Lúc bấy giờ, võ sư, võ sĩ của các võ đường tham dự lễ hội đã sắp xếp bố trí khá chu đáo, tất cả đều tập trung tinh thần, quyết tâm thể hiện tính thượng võ trong biểu diễn võ cổ truyền để giành được cỗ heo và lá phướn danh dự, tượng trưng cho tinh thần thượng võ. Nếu giành được phần thắng, uy tín và tiếng vang của võ đường sẽ nhân lên gấp bội, mang phần danh dự về cho địa phương và bản thân mình…
Theo TS Nguyễn Văn Dự, giảng viên Trường ĐH Văn hóa TP.HCM, chùa Bà ra đời năm 1873 (Quý Dậu). Nên lễ hội Đổ giàn theo chu kỳ tổ chức vào các năm: Quý Dậu 1873, Đinh Sửu 1877, Tân Tỵ 1881… Sau lần tổ chức năm 1941 (Tân Tỵ), lễ hội Đổ giàn không còn tổ chức nữa. Đến năm Ất Dậu 2005 phục hồi trở lại, rồi dừng tiếp cho đến nay.
Còn theo ông Nguyễn Thanh Quang, nguyên Trưởng phòng Quản lý văn hóa, Sở VH-TT tỉnh Bình Định, mục đích ban đầu của lễ hội Đổ giàn là cầu mưa thuận, gió hòa, cầu phúc lộc cho dân làng. Nhưng sức hấp dẫn của lễ hội không phải ở chỗ làm chay, hát bội mà là tiết mục đổ giàn với sự tham gia tranh tài cướp lấy con heo quay của các võ sĩ tài nghệ cao cường thuộc các võ đường ở làng An Thái, An Vinh, Suối Bèo, Trường Định…
Nên khôi phục lễ hội Đổ giàn
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu còn trình bày tham luận, thảo luận về các nét đặc trưng của lễ hội Đổ giàn, tính cộng đồng của lễ hội Đổ giàn, yếu tố Phật giáo trong lễ hội Đổ giàn…
Các đại biểu cũng tán thành việc khôi phục và phát huy giá trị di sản lễ hội Đổ giàn và các yếu tố liên quan đến di sản từng hình thành và tồn tại ở thị tứ An Thái. Đồng thời, nên nghiên cứu, đề ra kế hoạch cụ thể, có tính khoa học việc xây dựng quy ước, thể lệ tổ chức hội Đổ giàn và các hoạt động dân gian trong diễn trình lễ hội.
Các đại biểu cũng cho rằng, chính quyền và ngành văn hóa địa phương cần xây dựng kế hoạch hành động trên địa bàn, hướng đến chuẩn bị chu đáo cho mùa lễ hội định kỳ năm Ất Tỵ 2025.
Theo ông Mai Xuân Tiến, Phó chủ tịch UBND TX.An Nhơn, lễ hội Đổ giàn An Thái đã có từ rất sớm, là một hoạt động sinh hoạt văn hóa tinh thần và thể thao của nhân dân địa phương. Những giá trị đặc sắc của lễ hội Đổ giàn An Thái được lan tỏa và thấm sâu trong đời sống tinh thần của nhân dân từ xưa cho đến ngày nay, được một công trình nghiên cứu về lễ hội xưa ghi nhận đây là trong 100 lễ hội độc đáo nhất của Việt Nam.
Ông Mai Xuân Tiến cũng khẳng định, Ban tổ chức tọa đàm sẽ báo cáo Sở VH-TT, Thị ủy, UBND TX.An Nhơn, trao đổi với các nhà nghiên cứu và thống nhất từng ý tưởng khôi phục, thực hành; có ý kiến đề xuất với UBND tỉnh Bình Định cho chủ trương lập hồ sơ khoa học di sản đề nghị ghi danh lễ hội Đổ giàn An Thái là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.