Theo đó, chính sách này áp dụng cho các nghệ sĩ nghỉ hưu, nghệ nhân được các cấp có thẩm quyền công nhận đang thực hiện các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị những loại hình nghệ thuật truyền thống (thực hành, biểu diễn, truyền dạy) đang thường trú trên địa bàn tỉnh; các câu lạc bộ, đoàn nghệ thuật ngoài công lập hoạt động biểu diễn các loại hình nghệ thuật truyền thống được thành lập và hoạt động trên địa bàn tỉnh…
Nghị quyết cũng quy định cụ thể mức hỗ trợ đối với nghệ sĩ nghỉ hưu, nghệ nhân luyện tập, biểu diễn và truyền dạy phục vụ công tác bảo tồn, quảng bá giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể.
Cụ thể, mức chi tiền luyện tập là 180.000 đồng/người/buổi. Mức chi tiền biểu diễn là 360.000 đồng/người/buổi. Mức chi tiền truyền dạy đối với nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú là 800.000 đồng/người/buổi; nghệ sĩ nhân dân nghỉ hưu, nghệ sĩ ưu tú nghỉ hưu là 600.000 đồng/người/buổi; nghệ sĩ nghỉ hưu, nghệ nhân là 500.000 đồng/người/buổi.
Ngoài ra, đối với câu lạc bộ thực hành biểu diễn, truyền dạy ít nhất 12 buổi/năm sẽ được hỗ trợ số tiền 30 triệu đồng/câu lạc bộ để mua sắm trang thiết bị; hỗ trợ kinh phí hoạt động hằng năm với mức 5 triệu đồng/năm đối với câu lạc bộ có từ 10 - 20 thành viên; 10 triệu đồng/năm đối với câu lạc bộ có từ 20 - 30 thành viên; 15 triệu đồng/năm đối với câu lạc bộ có từ 30 - 50 thành viên và 25 triệu đồng/năm đối với câu lạc bộ có từ 50 thành viên trở lên.
Cùng với đó, các đoàn nghệ thuật truyền thống ngoài công lập được thành lập và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép biểu diễn, có số buổi biểu diễn ít nhất 12 buổi/năm sẽ được hỗ trợ 100 triệu đồng (1 lần) để mua sắm trang thiết bị; hỗ trợ 2 triệu đồng/buổi khi biểu diễn và tối đa không quá 30 triệu đồng/đoàn/năm.
Chính sách hỗ trợ trên sẽ góp phần "giữ chân" các nghệ nhân, nghệ sĩ cũng như thúc đẩy các loại hình nghệ thuật truyền thống phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.