Theo sử sách ghi chép lại, vào năm 1112 thời Lý Nhân Tông (1072 - 1128), vị Thành hoàng thứ 3 là Nguyễn Công Phạn dâng biểu từ quan, được vua chuẩn y. Ngài về làng tu tại chùa Dịch Diệp (xã Trực Chính, H.Trực Ninh, Nam Định), cùng người dân tu bổ lại chùa, đúc chuông, tạc tượng, trồng cây. Trong đó, có cây bồ đề và cây đa. Năm 2007, cây đa chết, chỉ còn lại cây bồ đề. Tính tới nay, cây bồ đề đã 900 năm tuổi.
Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, cây bồ đề vẫn hiên ngang, xanh tốt. Tuy nhiên, cơn bão số 7 (cơn bão Harriet) xảy ra năm 1962 gây ảnh hưởng lớn đã khiến một cành chính cao lớn nhất bị gãy. Rất may, cây chỉ bị nghiêng nhẹ. Sau này, 5 cành đã mọc vươn lên, có dáng như 5 ngón tay trên một bàn tay khỏe khoắn, khiến cây mang dáng dấp độc, lạ.
Theo người dân trong làng kể lại, năm 2005 - 2006, tuy phần tán lá của cây bồ đề hướng về chùa vẫn xanh tốt nhưng một phần tán còn lại của cây lại héo úa, rụng dần.
Một năm sau, khi thực hiện công việc chỉnh trang lại ngôi chùa, dân làng đã tát nước hồ để xây kè, bao gốc cho cây thì phát hiện một phần gốc cây bị sụt lở, chỉ còn phần rễ bám vào con đường nên lá héo úa.
Ngay sau đó, người dân trong làng đã chở hơn 40 khối bùn đất chèn vào gốc cây để bồi lại phần đất đang bị sụt lở và cây dần xanh tốt trở lại.
Gốc cây bồ đề có chu vi 9 m, cao 20 m, tán lá rộng 960 m2 và có hình dáng độc đáo như bàn tay xòe 5 ngón, hơi nghiêng mình về phía hồ nước.
Theo ông Trần Duy Hội, Trưởng thôn Dịch Diệp, cây bồ đề đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử, trải qua nhiều cuộc chiến tranh tàn khốc, đến nay cây vẫn khỏe mạnh, không bị sâu bệnh, cành lá sum suê, xanh tốt, ngày càng có nhiều tán mọc chồng lên nhau, phát triển rộng lớn.
Năm 2021, cây bồ đề hơn 900 tuổi đã chính thức được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây di sản Việt Nam.