Năm 1698, sau khi lập phủ Gia Định, chúa Nguyễn liền cho cộng đồng người gốc Hoa ở Trấn Biên lập xã Thanh Hà, ở Phiên Trấn thì lập xã Minh Hương rồi ghép vào sổ hộ tịch. Thanh Hà và Minh Hương là 2 tổ chức hành chánh quản lý người Hoa theo chế độ "lãnh sự". Họ lập đền miếu làm hội quán và thờ Phước Đức Chánh thần, Quan Thánh...
Sau khi chiếm Nam kỳ lục tỉnh, năm 1871, chính quyền thực dân Pháp giải tán tổ chức Minh Hương và thành lập các bang. Hầu hết cộng đồng cư dân Minh Hương nhập vào cộng đồng người Việt. Ở một số địa phương, 3 bang Phúc Châu, Chương Châu và Tuyền Châu nhập thành lập bang Phúc Kiến. Các nhóm di dân người Hoa cùng nhau khai hoang lập nên làng xóm, chợ búa và tham gia bảo vệ vùng đất mới. Khi họ đến Nam kỳ đã đem theo tục lệ, lễ nghi, kiến trúc, kể cả các món ăn hoặc dụng cụ sinh hoạt hằng ngày, làm phong phú thêm văn hóa vật thể và phi vật thể ở vùng đất mới này.
Kiến An Cung được xây cất theo kiến trúc hình chữ công, gồm 3 gian: đông lang, tây lang và khu chánh điện, giữa có sân thiên tĩnh. Bộ giàn trò ngôi chùa không sử dụng kèo, chỉ có đòn tay ráp mộng chịu lực và bộ trính chồng 3 lớp kiềng vào cột cái khá vững chãi. Một trong những đặc trưng kiến trúc của hội quán người Hoa gốc Phúc Kiến là mái hình thuyền, với hai đầu đao cong vút, tạo nên nét đẹp vừa cổ kính, vừa thanh thoát. Lối kiến trúc này còn thấy ở miếu Thất Phủ tại Vĩnh Long.
Mái ngói Kiến An Cung được lợp 3 lớp, lớp ngói trên cùng chạy thành những đường sóng lượn. Từ nóc xuống mái là những ngọn sóng cong vút, trên đầu ngọn sóng đắp những mô hình cung điện nhiều tầng thu nhỏ, cùng với những bức tượng bằng gốm sứ. Giữa nóc mái gắn tác phẩm gốm như rồng chầu nguyệt, cá hóa long… và một số hoa văn trang trí bằng kỹ thuật ghép mảnh sành, mảnh sứ chạy theo viền đường cong của mái ngói. Cuối mái tạo hình ống gắn ngói lưu ly.
Hệ thống khung bao chạm hoa lá, chim trĩ, chữ song hỷ gắn dưới vòm mái nối vào tường vách, đầu cột. Trên mỗi đầu cột có các tác phẩm tạo hình như một cái lồng đèn chạm lọng hoa cúc, chim trĩ…
Kiến An Cung có hai lối vào chính và phụ. Trước cửa chánh điện đặt linh vật trấn môn, đó là cặp kỳ lân bằng đá xanh to lớn, oai phong trên bệ đá chạm khắc rất sinh động. Cửa vào gian chính không gắn hoành phi như thường thấy ở các cơ sở tín ngưỡng mà là một tấm biển dựng đứng, thiết kế như mô hình khánh thờ, chạm trổ rất tinh xảo với 3 chữ Kiến An Cung màu đen. Hai bên có cặp rồng chạm nổi, chậu hoa. Tất cả đều được thếp vàng, dù đã trải qua 1 thế kỷ vẫn còn lấp lánh.
Ngoài ra, khu vực này còn có các bức tranh vẽ theo lối thủy mặc, với các đề tài hoa lá, cảnh sinh hoạt của tầng lớp quan lại Trung Quốc ngày xưa, có lẽ để hoài niệm cố hương. Người Hoa có quan niệm màu đỏ đem lại sự thịnh vượng, may mắn, hạnh phúc nên từ trong ra ngoài, từ cây đố cửa, khung viền liễn đối, bao lam và bộ giàn trò gỗ trong gian chính như cây xiên, trính… đều màu đỏ. Đặc biệt, dưới dạ trính được gắn bao lam chạm lọng tại chỗ giao nhau giữa cột và trính tạo thành bộ khung viền mỹ thuật độc đáo.
Sùng kính ông Phách
Khác với người Hoa gốc Quảng Đông thường thờ Quan Công, cộng đồng người Hoa gốc Phúc Kiến sùng kính Ông Quách hơn, bởi ông là người gốc ở H.An Khê, Phúc Kiến; đồng thời là một điển hình cho ý chí nghị lực, tấm lòng bao dung và hiếu đễ với cha mẹ.
Ông Quách được triều đình phong kiến Trung Hoa phong tặng Ứng linh Uy hầu và là một vị thần tương tự như thần Thành hoàng bổn cảnh ở nước ta, với danh hiệu Bảo an Quảng trạch tôn vương. Điểm đặc biệt ở ngôi chùa này là việc thờ cúng chỉ tập trung vào những vị thần quê hương tỉnh Phúc Kiến. Ở gian chánh điện Kiến An Cung có 3 khu vực, đặt 3 khánh thờ lớn. Vị thần chính Quảng trạch tôn vương được thờ ở gian giữa. Tượng thờ được đặt trong một cái khánh, trên có tấm biển ghi Quách Thành Vương. Khánh thờ được chế tác công phu với 3 lớp bao lam chạm lọng, 2 trụ ngoài đắp rồng nổi, thếp vàng. Bao lam trên cùng uốn lượn hình trái tim, chạm hoa lá.
Tượng Ông Quách sơn mặt đỏ, tay nâng đai ngọc đặt bên trong cùng các vị thần hầu cận hai bên cầm ấn kiếm. Các tượng được thếp vàng nổi bật trên nền đỏ. Bên phải là khánh thờ Bảo Sanh đại đế cũng uy nghi không kém. Bảo Sanh đại đế (tục gọi ông Lào Yía) là vị thần quê ở thôn Bạch Hùng, H.Long Hải, Phúc Kiến. Nhiều ngôi miếu của người Hoa vị thần này có 2 vị tùng tự là Phước Đức chính thần và Thiên Hậu Thánh mẫu. Bên trái là khánh thờ Thanh Thủy đại sư, một pháp sư, anh hùng chống nhà Nguyên cuối triều Tống có tên là Trần Chiếu Ứng, quê quán cũng ở Phúc Kiến.
Phía trước các khánh tam vị kể trên là bàn hội đồng thờ Huyền Thiên thượng đế và Quan Thánh đế quân. Ở đây cũng được bố trí nghi trượng, cặp hạc đứng chầu và giàn lỗ bộ hai bên tương tự đền miếu của người Việt.
Mỗi năm, Kiến An Cung có 2 lần lễ hội: ngày 22.8 âm lịch cúng Quách Vương thành đạo; ngày 22.2 âm lịch là vía. Trong các ngày này, khách thập phương đến cúng bái đông đúc, không phân biệt người Hoa hay người Việt.