Phía trước cặp rồng đá thành bậc đền Thượng (Cổ Loa, Hà Nội) có một cây hương đá ghi rõ lai lịch của cặp rồng này. Theo đó, vào ngày lành tháng 10.1736, người xã Cổ Loa đã cung tiến làm đôi rồng trước cửa đền, sau đó họ lại làm cây hương đá. So sánh phong cách trang trí cây hương với trang trí những tác phẩm điêu khắc đá có niên đại tương đồng, càng cho thấy cặp rồng đá thành bậc đền Thượng (Cổ Loa) là hiện vật đã tồn tại ở đây từ thời Lê Trung Hưng, thế kỷ 18 - năm 1732. Đây cũng là cặp rồng đá duy nhất trên cả nước gắn với "quốc từ" thờ An Dương Vương - vị vua lập nên Nhà nước Âu Lạc.
Cặp rồng đá thành bậc đền Thượng (Cổ Loa) có chạm khắc hoa văn mang nét điển hình của điêu khắc thời Lê Trung Hưng đầu thế kỷ 18. Tượng rồng ở đây tạo có tư thế uốn lượn từ trên xuống, đầu ngẩng cao. Thân rồng tròn, uốn 5 khúc mềm mại. Các khúc uốn của rồng tuy mềm mại, nhưng đã chuyển sang cấu trúc hình chữ V, không còn giữ được khúc thắt túi như rồng thời Lý - Trần. Rồng được tạo hình với mũi cao, tai to, sừng dài và có chạc giống sừng hươu. Rồng có râu bờm, mây lửa duỗi thẳng theo kiểu "đao mác" đặc trưng cho rồng giai đoạn Lê Trung Hưng.
Theo hồ sơ bảo vật, đôi rồng được chạm trên một khối đá nguyên, thân hình khỏe khoắn, những khúc uốn to, mập mạp. Tổng thể bậc thềm là một khối hình thang lớn, trong đó lại chia thành hai hình thang nhỏ. Hình thang phía trên tạo tác hình rồng, hình thang phía dưới là bệ, một phần bệ được chôn trong đất. Tượng rồng bên trái (bên hướng Đông) có kích thước lớn hơn tượng bên phải (bên Tây). Điều đặc biệt, rồng phía Tây là rồng có 4 móng, phía Đông rồng có 5 móng.
Mặt ngoài bệ thành bậc đều trang trí băng hoa văn chạy dọc theo chiều dài. Thành bệ Tây trang trí bát bửu và các biến thể hoa lá cách điệu, có ý nghĩa cho sự phát triển thường xuyên và bền vững. Họa tiết uốn lượn của các dải hoa văn làm cho điêu khắc linh hoạt, sống động cho dù trang trí trên đá không phải lợi thế của phong cách trang trí dải hoa văn. Bệ thành bậc bên Đông trang trí hoa văn mây, lá cách điệu, là phù điêu chạm nổi.
Rồng "tả nam hữu nữ"?
Rồng bậc thềm Cổ Loa khác với đôi rồng thành bậc phía sau của điện Kính Thiên hay thành bậc rồng ở Lam Kinh mang dáng dấp đặc trưng của thành bậc cung điện, biểu trưng cho vương quyền với 5 móng. Cặp rồng đá Cổ Loa vừa có rồng 4 móng lại có rồng 5 móng. Các nhà nghiên cứu cho rằng đây là biểu trưng cho quan niệm "tả nam, hữu nữ", tượng trưng cho âm, dương; có sự phát sinh, phát triển, vốn là một quan niệm có ý nghĩa triết học, khởi nguồn từ thời dựng nước của người Việt. Điều này phù hợp với vị thế "quốc từ" của đền Cổ Loa.
Cũng theo hồ sơ bảo vật quốc gia, các hình tượng bát bửu trên bệ rồng phía Tây có sự kết hợp giữa Đạo giáo và Phật giáo. Điều này tạo nên những hòa điệu tâm linh và triết lý tôn giáo, phản ánh tư tưởng nghệ thuật mang tính thời đại, gắn liền với mong ước về một cuộc sống viên mãn, hạnh phúc, gửi gắm ước vọng của người xưa tới thần linh. Chính những hoa văn trang trí này đã tạo nên sự khác biệt của thành bậc đền Thượng với những thành bậc đã biết trong các di tích tôn giáo và tâm linh ở VN. Chưa kể, tượng rồng tuân theo những quy chuẩn chặt chẽ về cấu trúc phần đầu, với u nổi cao nhằm thể hiện năng lực tự sinh của rồng đã thể hiện tính chuẩn mực nghiêm cẩn của Nho giáo. Như vậy, trong cách tạo tác cặp rồng đá đền Thượng đã thể hiện cùng lúc cả Nho - Phật - Lão giáo.
Các nhà nghiên cứu cũng nhấn mạnh việc nghệ nhân xưa đã sử dụng đá liền khối, để tạo nên một tác phẩm thể hiện 2 phong cách trong cặp rồng đá. Đó là phong cách tượng tròn phía trên và phù điêu bên dưới, tạo nên một bộ thành bậc hoành tráng, uy nghi nơi nghi môn linh thiêng. Cặp rồng có vẻ đẹp từ hoa văn trang trí và sự hài hòa của bố cục, qua đó thể hiện hình ảnh rồng vừa có tính thần quyền và vương quyền. Do đó, cặp rồng đá thành bậc nghi môn đền thờ An Dương Vương vẫn giữ được sự uy nghiêm cần thiết, không dữ dằn, áp chế mà ngược lại, gần gũi với cộng đồng.
Hồ sơ bảo vật cho biết, nét đặc biệt của cặp rồng đá đền Thượng (Cổ Loa) là có sự kết hợp với ba cây hương đá phía trước. Ba cây hương này được gọi là "Thiên thạch trụ" - ba trụ chuyển nguồn sinh học của tầng trời xuống dưới đất. Theo đó, xét theo quan niệm tâm linh và triết học, cây hương đá ngoài trời chính là sự kết nối giữa trời và đất hay cõi âm - cõi dương - là cột thông thiên giữa trời và đất. Từ đó, sự kết hợp này còn làm được việc cầu cho mưa thuận gió hòa, cầu cho những điều tốt đẹp đến với đời sống con người. Do vậy cặp rồng đá đền Thượng là hình tượng biểu trưng cho năng lượng của trời đất, là hình ảnh thể hiện sự biểu trưng cho nhà vua và quyền lực của nhà vua - của vị thần chủ An Dương Vương. Cặp rồng vì vậy là vật thiêng mang lại sinh khí cho chốn linh thiêng như ngôi đền thờ Đức vua.