Trở lại Hà Nội sau đêm cuối cuộc thi Tiếng hát Hoa phượng đỏ, mẹ Vy vẫn nhiều lần vào Đà Nẵng. Mẹ liên tục tổ chức các đêm nhạc gây quỹ và tìm tài năng cho Trung tâm nghệ thuật Tình thương. Lần nào mẹ cũng đến trường quan sát tôi học và thỉnh thoảng dúi vào tay tôi ít tiền. Sáng tác đầu tay Ánh sáng đời em tôi đã hát cho mẹ nghe, rồi bày tỏ với mẹ ước mơ sau này ra Nhạc viện Hà Nội học nhạc để đi theo con đường nghệ thuật chuyên nghiệp. Mẹ Vy nói bài Ánh sáng đời em viết trên thể điệu Valse sang trọng mà thoảng buồn. Mẹ muốn tôi nhìn thế giới qua âm nhạc tươi sáng hơn, thoát khỏi bóng tối cuộc đời. Còn việc ra Hà Nội học Nhạc viện không đơn giản như mỗi tuần hai buổi học nhạc ở trường Nguyễn Đình Chiểu. Tôi sẽ phải nỗ lực gấp trăm lần hiện nay thì mới mong biến giấc mơ đó thành hiện thực.
Tình cảm hai mẹ con ngày càng khắng khít dù ở cách xa nhau cả ngàn cây số. Năm 1996, mẹ Vy gửi fax bài hát Em lắng nghe tiếng đời vào Đà Nẵng tặng riêng cho tôi. Nhận bản nhạc, cô Liên vỡ bài rồi tập cho tôi hát. Bản hòa âm đầu tiên của ca khúc này cũng do cô Liên soạn.
Một năm sau, tỉnh Quảng Trị đăng cai cuộc thi văn nghệ - thể thao cho người khuyết tật trên toàn quốc. Đây là cuộc thi mang tầm quốc gia mà lần đầu tiên Trường mù Nguyễn Đình Chiểu cử đại diện tham dự. Xác định cuộc thi này là sân chơi lớn, tôi dốc sức luyện tập ngày đêm. Mẹ Vy liên tục gọi điện cho thầy Lưu Học hỏi han quá trình tập luyện đàn bầu của tôi và việc luyện thanh bài hát mẹ gửi tặng. Thỉnh thoảng, có dịp vào Đà Nẵng, mẹ Vy tới trường, yêu cầu tôi hát rồi chỉnh sửa kỹ thuật thanh nhạc, sửa từng nốt cũng như cách nhấn câu, nhả chữ. Mẹ bảo hát điêu luyện nhưng phải có cảm xúc. Chỉ trong vòng nửa năm, tôi trưởng thành lên rất nhiều từ các kiến thức chuyên môn về thanh nhạc mẹ Vy đã truyền đạt lại cho tôi.
Tại cuộc thi này, tôi giành được hai Huy chương vàng về độc tấu đàn bầu và đơn ca. Bài hát tôi thể hiện trong đêm chung kết là Em lắng nghe tiếng đời.
Vinh dự lớn nhất tôi nhận được trong cuộc thi, ngoài hai Huy chương vàng, là bằng khen của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Người đứng đầu Chính phủ lúc bấy giờ đã coi hết chương trình đêm chung kết và rất quan tâm đến phần dự thi của tôi. Đến nay, ba mẹ tôi vẫn giữ bằng khen chú Sáu Dân tặng tôi như niềm tự hào lớn nhất của dòng họ.
Mẹ Vy thưởng cho tôi chuyến đi chơi Hà Nội sau cuộc thi. Mẹ là người em thân thương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và vẫn quen cách gọi ông là "anh Văn". Ra Hà Nội hôm trước, hôm sau mẹ dẫn tôi đến số 30 Hoàng Diệu để thăm vị tướng quân nổi tiếng thế giới. Đại tướng thích đàn piano. Ông đệm đàn say sưa cho tôi hồn nhiên hát.
Sau buổi gặp gỡ Đại tướng, mẹ Tường Vy đặt nghệ danh cho tôi là Hà Chương. Cái tên mẹ Vy đặt như khai sinh ra một tôi khác. Tôi - Nghệ sĩ Hà Chương. Tôi chính thức có người mẹ thứ hai trong đời.
GIẤC MƠ NHẠC VIỆN VÀ NHỮNG NGẢ ĐƯỜNG DẪN VỀ HÀ NỘI
Tôi gọi điện cho mẹ Tường Vy. Kể từ sau đêm liên hoan Tiếng hát Hoa phượng đỏ năm 1995, tôi luôn hỏi ý kiến của mẹ về tất cả dự định của mình. Hà Nội luôn đầy choáng ngợp trong buồng phổi chàng trai quê mùa mới hai mươi hai tuổi là tôi. Mẹ Vy lại nghe tôi nói về ước mơ ra Hà Nội, liền hào hứng hứa giúp đỡ vật chất và chỗ ở. Thêm nữa, mẹ sẵn sàng tìm chỗ cho tôi đi hát kiếm thêm. Vài ngày sau, hồ sơ đăng ký thi tuyển của tôi đã được mẹ Tường Vy điền xong. Bộ hồ sơ đó do mẹ Vy lấy ở Nhạc viện Hà Nội.
Tôi quyết định rời Đà Nẵng. Khi đã gắn bó mười năm trời với một nơi chốn thì mỗi tiếng ve rả rích ở đây cũng đủ sức cứa lòng mình ghê gớm.
Ba mua vé tàu ghế cứng, dẫn tôi ra Hà Nội.
Mẹ Tường Vy cho hai cha con mượn một căn phòng khá tiện nghi. Ở được vài bữa thì ba về. Sau thoáng bỡ ngỡ, tôi bắt đầu thích nghi với Hà Nội. Mặc dù học giỏi đàn bầu nhưng tôi vẫn chỉ là một học sinh tỉnh lẻ. Tôi hoàn toàn không biết gì về các thí sinh khác ở miền Bắc. Hà Nội rộng lớn, nhân tài nhiều như nấm sau mưa.
Mẹ Vy vẫn chưa yên tâm với trình độ của tôi, vì theo mẹ, tôi chơi đàn đôi chỗ còn vụng về. Nhưng lúc đó chỉ còn đúng bốn mươi ngày nữa là đến kỳ thi. Mẹ Vy mời nghệ sĩ khiếm thị Hoàng Mạnh Cường dạy cho tôi kinh nghiệm thi cử và cả ký âm, xướng âm. Hàng ngày, chú xe ôm quen chở tôi đến nhà anh Cường để học ký âm, xướng âm với đàn piano. Toàn bộ chi phí đi lại, mẹ Vy thanh toán.
Ngoài ra, mẹ Vy còn chạy lo các thủ tục để tôi có thể nhập học phổ thông vào trường Nguyễn Văn Tố. Đây là ngôi trường lâu đời ở Hà Nội, được xây dựng từ thời Pháp thuộc. Vẫn chưa yên tâm, mẹ dắt tôi đến Nhạc viện, mua tặng một cây đàn bầu rồi trực tiếp gửi gắm tôi cho Nghệ sĩ Nhân dân Thanh Tâm, Trưởng khoa Nhạc cụ Dân tộc dạy bồi dưỡng luyện thi.
Mẹ Vy an ủi, động viên, giúp đỡ tôi hết mình. Nhờ vậy mà tôi thấy yên tâm phần nào, lấy lại sự vững tin vào con đường phía trước. Tôi bước vào cuộc thi với tâm thế của một người chẳng có gì ngoài niềm tin vào bản thân.
Để rồi cuối cùng, tôi bước qua cuộc thi cam go là bản lề của đời mình với kết quả thủ khoa. Cầm kết quả trong tay, tôi bật khóc, những giọt nước mắt hạnh phúc vì tôi đã không phụ lòng tin thương của những người đã yêu mến và tận tình giúp đỡ tôi. Đặc biệt là mẹ Tường Vy - người mẹ thứ hai, người thầy vĩ đại của tôi.
(Trích từ hồi ký Nhắm mắt nhìn sao của Hà Chương)