Loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử của Việt Nam được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đang được các địa phương gìn giữ và bảo tồn. Ở Bà Rịa-Vũng Tàu, nhiều nghệ nhân các câu lạc bộ đờn ca tài tử trên địa bàn đang lo lắng bộ môn này sẽ mai một do thiếu vắng đội ngũ kế thừa.
Những người đam mê đờn ca tài tử mong muốn chính quyền, cơ quan văn hoá có kế hoạch bảo tồn, truyền lại cho thế hệ trẻ niềm đam mê với bộ môn nghệ thuật đặc trưng của vùng đất Nam bộ.
Đờn ca tài tử Nam bộ có mai một?
Bà Nguyễn Thị Tư, 65 tuổi, thành viên một câu lạc bộ đờn ca tài tử ở thị trấn Long Điền, huyện Long Điền chia sẻ, bà mê đờn ca tài tử từ khi còn là thiếu nữ. Thời trẻ bà Tư chỉ dám hát cùng chị em trong làng lúc làm ruộng, sau giờ đồng áng mà không hề biết nhịp, không thuộc bài bản… Qua thời gian dài tập luyện, bà Tư biết hát lúc nào cũng không hay.
Từ khi tham gia vào câu lạc bộ đờn ca tài tử của địa phương, bà được những cô chú đi trước hướng dẫn, hát theo nhịp đàn rồi và từ đó đam mê. Thông thường bà chỉ hát những trích đoạn đơn giản vào dịp sinh hoạt tại câu lạc bộ hay lễ hội ở địa phương.
Theo bà Tư, hiện nay nhiều thanh niên ở địa phương cũng có đam mê đờn ca tài tử, cải lương và cũng muốn thể hiện năng khiếu nhưng không ai dẫn dắt. Nếu có lực lượng trẻ kế thừa thì bộ môn này sẽ phát triển mạnh hơn: "Ở địa phương những người biết về đờn ca tài tử rất ít, thậm chí ca cổ cũng rất ít người thích. Có nhiều người rất đam mê thì họ vẫn học được, vì cải lương hay đờn ca tài tử mà không có nhịp thì bắt buộc phải học từ những người đi trước. Giới trẻ cũng vậy, khi có máu đam mê rồi thì anh chị em đi trước chỉ cho các em".
Còn ông Nguyễn Thái Sơn, một nghệ nhân ở thị xã Phú Mỹ chia sẻ, nhiều năm qua tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, đào tạo nghệ thuật đờn ca tài tử, cải lương cho nhiều thế hệ.
Tuy nhiên, theo ông Sơn, đào tạo nghệ nhân đờn ca tài tử không phải như các môn học khác, bên cạnh đam mê còn phải có thanh - sắc. Do đó nhiều người sau khi được tập huấn cũng không áp dụng thành công, họ hát chỉ vì đam mê.
Cũng theo ông Sơn, chính quyền địa phương, cơ quan quản lý văn hoá phải thật sự quan tâm đặc biệt thì may ra loại hình nghệ thuật này mới tồn tại và phát triển: "Đờn ca tài tử không phải một ngày một bữa, mà còn phải có thiên phú, người yêu nghệ thuật từ đó mới quyết tâm học thầy, học bạn. Cho nên muốn bảo tồn đúng nghĩa thì cấp trên phải lắng nghe tâm tư của người làm nghệ thuật đờn ca tài tử. Có như thế mới phát triển được, chứ chỉ trên giấy thì chưa gọi là phát triển".
Hiểu đúng về đờn ca tài tử
Theo ông Phan Văn Bé, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ đờn ca tài tử tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, do hoạt động manh mún nên thế hệ trẻ không am hiểu, không yêu thích bộ môn này dẫn đến dẫn đến đờn ca tài tử đang mai một vì không có thế hệ kế thừa. Ngành văn hoá phải quyết liệt hỗ trợ cho các địa phương có phong trào đờn ca tài tử.
Ông Bé nói: "Nói chung phong trào đờn ca tài tử trong dân thì vẫn có, tuy nhiên sự hỗ trợ của Nhà nước để phong trào tồn tại thì hầu như không có. Do đó, Trung tâm văn hoá tỉnh phải hỗ trợ cho các huyện, thị, thành tổ chức phục hồi cho bằng được các hoạt động của bộ môn đờn ca tài tử, có như thế thì mới mạnh được".
Theo ông Phạm Minh Tiến, Phó giám đốc Trung tâm Văn hoá, Sở Văn hoá – Thể thao tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, nhiều người đang có sự nhầm lẫn giữa đờn ca tài tử với cải lương. Thực chất cải lương chính là “con đẻ” của đờn ca tài tử Nam bộ, không được coi là một thực thể độc lập, tách bạch với đờn ca tài tử. Nói một cách dễ hiểu, nếu đờn ca tài tử được xem là gốc rễ thì cải lương chính là ngọn.
Cũng theo ông Tiến, vì có mối quan hệ mật thiết như vậy nên rất nhiều người nhầm lẫn hai hình thức âm nhạc này với nhau. Trên thực tế, đờn ca tài tử và cải lương có sự khác biệt vô cùng lớn.
Cụ thể, đờn ca tài tử có tính thính phòng, được biểu diễn trong một không gian vừa đủ, dù ban ngày hay ban đêm, mọi người cùng nhau thưởng thức tiếng đờn, lời ca giản dị, mộc mạc mà không cần đến bất kỳ sự trợ giúp của thiết bị âm thanh nào. Để cảm nhận, người nghe phải lắng tai, thậm chí nhắm mắt lại thì mới cảm nhận được sự tinh túy, chất riêng đặc biệt trong đờn ca tài tử. Những người biểu diễn đờn ca tài tử phải trọn bộ, trọn bài. Càng biểu diễn lâu, sự sáng tạo càng thăng hoa, giúp người nghe thỏa mãn mong muốn của mình.
Trong khi đó, cải lương lại mang tính sân khấu, được trình diễn trong không gian mở, với phông màn, cảnh trí, hệ thống âm thanh hội trường, ánh sáng, diễn viên hóa trang… thu hút ánh nhìn của khán giả. Không chỉ giúp thỏa mãn về thính giác mà cải lương còn làm thỏa mãn thị giác của những người yêu âm nhạc.
UBND tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu đã đồng ý cho Sở Văn hoa-Thể thao triển khai Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ trên địa bàn tỉnh năm 2024. Mục đích là nhằm tiếp tục bảo tồn và phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; đưa di sản văn hóa nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ vào cuộc sống cộng đồng; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các câu lạc bộ đờn ca tài tử , nghệ nhân, tài tử giao lưu, học hỏi, trau dồi; từng bước nâng cao chất lượng, mở rộng đối tượng và phát triển mạnh mẽ hơn nữa phong trào đờn ca tài tử ở các địa phương. Qua đó góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân và phục vụ khách du lịch.
Nguồn: vov.vn
Đang gửi...