Một ý tưởng tiếp thị “vô tình” bỗng trở nên rất ăn khách. Thế nhưng Phê La đã lựa chọn không đi tiếp con đường này.
Nhiều người đánh giá cao ý tưởng ly len, vì nó vừa có vẻ ngoài đáng yêu, vừa giống với việc mọi người mặc áo len khi khí lạnh ùa về mùa cuối năm. Không chỉ dừng lại ở ly len, ngày 4/12 Phê La còn tung ra bộ sticker dán ly phong cách Noel với các hình ảnh như cây thông, găng tay, mũ len, tuần lộc, v.v.. Và những chiếc sticker này để dùng để dán lên ly len thành những chiếc ly xinh xắn vui nhộn.
Nhưng một điều thú vị là, trong giai đoạn chạy chiến dịch ly len và sticker Giáng Sinh, fanpage Phê La lại “vô tình” đăng một bài khác nói về việc vẽ lên ly len. Bài đăng khá đơn giản, chỉ gồm hình ảnh một bạn nữ dùng bút màu vẽ lên những chiếc ly len và dòng caption đơn giản, nhưng đã thu về hơn 3.000 lượt bày tỏ cảm xúc và hơn 300 bình luận. Ở bên dưới, các bạn trẻ khác cũng học theo và chia sẻ hình ảnh thành quả chiếc ly len được tô vẽ của mình.
Đặt dưới góc độ marketing, khoe ly vẽ là một kiểu marketing mang tên User Generated Content (UGC), hay có thể hiểu là dùng nội dung cho chính người dùng tạo ra để marketing. Mục đích là để tạo độ nhận biết, tương tác, chuyển đổi, hoặc để tăng sự uy tín cho thương hiệu.
UGC có rất nhiều hình thức, trong đó phổ biến nhất phải kể đến: Chia sẻ hình ảnh, các bài đăng trên mạng xã hội với hashtag thương hiệu; Chia sẻ các bài nhận xét, đánh giá về sản phẩm, dịch vụ trên website hoặc các trang mạng xã hội; Chia sẻ các nội dung video trực tuyến về sản phẩm, dịch vụ; Để lại bình luận trong các bài đăng.
Vốn là một loại hình marketing kinh điển, vậy nên đã có rất nhiều ông lớn thành công với chiến dịch này. Nổi tiếng bậc nhất phải kể đến #ShotOnIphone (Chụp bằng iPhone) của Apple. Chiến dịch này bắt đầu khi Apple phát hiện khách hàng mình không hài lòng với camera iPhone, đặc biệt khi chụp hình trong bóng tối. Về phần kỹ thuật, họ đã giải quyết. Tuy nhiên họ cần quảng bá rộng rãi để người dùng biết, để họ không rời bỏ sản phẩm Apple. Do đó họ quyết định làm #ShotOnIphone. Với #ShotOnIphone, rất nhiều người dùng bình thường lẫn cả chuyên nghiệp đua nhau chụp hình trong điều kiện thiếu sáng bằng iPhone và gửi về Apple. Những bức ảnh này sau đó được Apple in lên trên các tấm biển quảng cáo ngoài trời trên toàn thế giới để mọi người đều được chiêm ngưỡng.
Hoặc trong cùng ngành F&B như Phê La có Starbucks với chiến dịch #RedCupContest nổi tiếng. Họ khuyến khích khách hàng chia sẻ những tấm ảnh chụp hình chiếc cốc đỏ của Starbuck, đăng kèm với hashtag #RedCupContest. Đổi lại, 5 khách hàng có ảnh xuất sắc nhất sẽ nhận được 5 thẻ quà tặng 500 USD. Cuộc thi này lập tức thu hút đông đảo sự tham gia của người dùng. Khi kết thúc, có hàng nghìn tấm hình được gửi về và đây là một kho hình dữ liệu marketing cực kỳ có giá trị. Ngoài ra, doanh thu của Starbuck cũng tăng lên rất nhiều, vì đầu tiên mọi người phải mua đồ uống thì mới có cốc để chụp ảnh.
Dĩ nhiên, chiến dịch khoe ly vẽ của Phê La chưa thể thành công được như Apple hay Starbucks. Trên thực tế bản thân Phê La cũng mới thử nước với chiến dịch UGC kiểu này. Tuy nhiên họ vẫn có những thành công nhất định. Điển hình là lượt tương tác trên bài khoe ly vẽ rất tốt, khách hàng cũng hưởng ứng làm theo. Thậm chí số lượt tương tác còn tốt hơn cả bài đăng thông báo chương trình sticker.
Tuy nhiên Phê La lại không tiếp tục với ý tưởng vẽ ly. Tất cả dừng lại ở 1 bài đăng duy nhất. Trong khi đó họ vẫn tiếp tục phát triển các nội dung khác liên quan đến sticker. Có thể nói Phê La đã chọn sticker và ngừng vẽ ly để tránh xung đột giữa hai chiến dịch. Dù mọi quyết định đều có lý do, thế nhưng vẫn thật đáng tiếc cho vẽ ly - một ý tưởng hay của Phê La nhưng lại không thể đi đến cùng.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn
Đang gửi...