Sức mạnh nội tại của sân khấu TP.HCM

08:38 - 16/12/2024

Liên hoan Sân khấu kịch nói TP.HCM 2024 đã khép lại nhưng dư âm vẫn còn đậm nét. Qua liên hoan lần đầu tiên này, càng thấy rõ sức mạnh nội tại của sân khấu tại một thành phố năng động.

TỰ LỰC CÁNH SINH

Có thể thấy trong cả nước, không nơi nào có lực lượng sân khấu xã hội hóa đông đảo như ở TP.HCM. Những đơn vị có điểm biểu diễn ổn định, đều đặn hằng tuần thì có Hoàng Thái Thanh, Nhà hát Sân khấu nhỏ 5B, Thế Giới Trẻ, Nhà hát IDECAF, Nhà hát Thanh Niên, Kịch Hồng Vân, Sân khấu Trương Hùng Minh, Ban Mai, Quốc Thảo, Trịnh Kim Chi, Xóm Kịch của Xuân Trang. Ngoài ra còn có dạng kịch cà phê nhỏ gọn như nhóm Kịch Đời của Hồng Trang, nhóm Tía Lia của Huỳnh Lập… hoặc Nhà hát Thế Giới Trẻ của NSND Hoàng Yến chuyên diễn sân khấu học đường cho khán giả học sinh, sinh viên…

Sức mạnh nội tại của sân khấu TP.HCM

Vở Bông cánh cò của sân khấu Hồng Vân tham gia liên hoan

ẢNH: H.K

Thế giới kịch của TP.HCM sôi động như thế nhưng không ỷ lại vào ngân sách, thậm chí những sân khấu lớn hoạt động còn đóng thuế cho nhà nước.

NSND Giang Mạnh Hà, Phó chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu VN, thành viên Ban giám khảo liên hoan, nói: "Từ đó đặt ra câu hỏi tại sao TP.HCM làm được mà các địa phương khác lại không làm được, hoặc có mà yếu? Tôi nghĩ, đầu tiên do khí chất con người TP.HCM luôn năng động, sáng tạo, khi có cơ hội mở rộng, thoải mái thì sẽ phát huy sức mạnh tiềm tàng của mình. Con người là chủ thể quyết định. Hạt giống tốt được đặt vào mảnh đất phù hợp thì phát triển rất mạnh. Có lẽ dòng máu "đi mở cõi" bao đời vẫn truyền lại nên nghệ sĩ TP.HCM thích tự lập, tự mở ra sàn diễn cho mình; dù phải vất vả gầy dựng vẫn thích hơn thụ động ngồi chờ".

Đa dạng đa chiều

Nội lực của sân khấu TP.HCM còn thể hiện ở chỗ không rập khuôn, đơn điệu, mà mỗi người một vẻ tạo thành vườn hoa phong phú, đa dạng.

Sức mạnh nội tại của sân khấu TP.HCM

Vở Thành Thăng Long thuở ấy của NSND Hoàng Yến

ẢNH: H.K

Nhà văn Thu Phương, cũng là thành viên Ban giám khảo của liên hoan, nhận định: "Chỉ qua nửa tháng đã có thể thấy bức tranh tổng thể của sân khấu TP.HCM, như vườn hoa đủ loại khoe sắc khoe màu, không thiếu đề tài nào, từ lịch sử tới kinh dị, tâm lý, xã hội, tình yêu, hôn nhân, giới tính, thiếu nhi… và được dựng với đủ các phong cách. Sân khấu TP.HCM ngồn ngộn hơi thở cuộc sống, phản ánh mọi mặt của người dân, khán giả đến rạp có thể tìm thấy bóng dáng mình hoặc người thân của mình trong các vở diễn".

Để làm được điều đó, NSND Giang Mạnh Hà lý giải: "Do nghệ sĩ TP.HCM không có rào cản, khuôn mẫu nào, nên họ phát huy được nét riêng, mà nhiều nét riêng tập hợp lại nên thành vườn hoa đa sắc. Và nghệ sĩ có nhịp cầu nối liền với khán giả, biết khán giả cần gì, chỉ nói những điều khán giả cần. Hơn thế nữa, cách nói không sáo rỗng, chân thật mà sâu sắc, giản dị mà len lỏi được vào trái tim người xem. Sự chân thực, giản dị cũng là một sức mạnh nội tại, chứ không phải cứ lên gân, ồn ào mới là mạnh".

KHÁN GIẢ CŨNG LÀ MỘT ĐIỂM MẠNH

Liên hoan kéo dài hơn nửa tháng với gần 30 vở kịch được xếp lịch diễn đều đặn mỗi ngày, nhiều ngày còn xếp 2 buổi mà khán giả vẫn ngồi đông kín rạp, dù là buổi tối hay trưa. Những tràng pháo tay nổ vang khán phòng, những tiếng "hú hét" cổ động, tiếng cười, những giọt nước mắt… khiến nghệ sĩ trên sân khấu càng phấn khích diễn. Đó là những ấn tượng khó phai.

Ngay cả những suất diễn hằng tuần cũng kéo đông khán giả và được hưởng ứng nhiệt tình. Thành phần khán giả đủ các lứa tuổi, cao niên, trung niên, thanh niên, thậm chí có người lặn lội từ tỉnh lên coi, hoặc từ các huyện xa như Củ Chi, Hóc Môn...

NSND Hồng Vân nói: "Sân khấu tồn tại là nhờ sự đồng hành của khán giả, họ yêu nghệ thuật, yêu nghệ sĩ, truyền năng lượng cho chúng tôi làm nghề".

NSND Hoàng Yến cũng tâm sự: "Chúng tôi chuyên diễn cho trường học, và chính lượng khán giả trẻ đó đã giữ được trái tim nghệ sĩ chúng tôi. Các em nhỏ tuổi mà xem kịch sử nghiêm túc đến ngạc nhiên, lại còn viết thu hoạch thật cảm động. Đó thực sự là thế hệ khán giả tương lai giúp sân khấu tồn tại".

Là sinh viên Trường Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM, Thanh Xuân và Gia Hân hào hứng đi xem các vở trong liên hoan. Thanh Xuân cho biết: "Em học khoa cải lương, nhưng em học được rất nhiều qua những vở kịch. Không chỉ bổ ích cho nghề diễn mà còn dạy em những điều khác". Trong khi đó, Gia Hân chia sẻ: "Em học khoa diễn viên. Em tiếp thu được nhiều cái hay trong đạo diễn, thiết kế, âm nhạc… bên cạnh những bài học về đạo đức rất cần cho lớp trẻ".

Bà Lê Thị Nhi, khán giả 52 tuổi, nhà ở Q.Gò Vấp, bày tỏ: "Tôi đi xem rất nhiều vở kịch của khắp các sân khấu. Tôi tìm thấy nhiều thông điệp bổ ích cho mình trong cuộc sống, ứng xử. Sân khấu đâu chỉ là giải trí, mà còn có tính giáo dục rất cao".

 

 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

lịch phát sóng trên truyền hình

Thanh toán hóa đơn SCTV

Không gian lạ - SCTV9

 

Công công xuất cung - SCTV9

Thâm cung nội chiến - SCTV9

Không khoan nhượng - SCTV9

 

Wifi Internet SCTV: Tăng tốc gấp đôi – Giá không đổi

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Tin tổng hợp

Liên kết trang

 

Truyen hinh cap va Mang Internet SCTV

 

sctvonline

Trang tin sống động từng giây scj-shopping
Trang tin chuyện nóng 24h

 

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...