Những ý tưởng triển khai lối chơi cho đội tuyển Việt Nam đã được HLV Kim Sang-sik thể hiện ở trận giao hữu ngày 27.11 tới CLB Ulsan Citizen.
Nhà cầm quân người Hàn Quốc bố trí sơ đồ 3-5-2, trong đó hai cánh gồm Khuất Văn Khang (trái) và Trương Tiến Anh (phải). Bộ ba tuyến giữa gọi tên Nguyễn Hoàng Đức, Doãn Ngọc Tân và Nguyễn Hai Long, còn cặp tiền đạo có Nguyễn Tiến Linh và Bùi Vĩ Hào.
Trong đó, cách ông Kim xây dựng tuyến giữa đáng chú ý hơn cả. Trong 3 tiền vệ trung tâm đá chính trước Ulsan Citizen, Hoàng Đức ở các trận trước được thử nghiệm trong vai trò tiền đạo, Ngọc Tân đến giờ mới được triệu tập, còn Hai Long lúc được gọi, lúc không.
Điều đó cho thấy, bức tranh tuyến giữa đội tuyển Việt Nam vẫn chưa có mảnh ghép rõ ràng. Mỗi trận đấu, HLV Kim Sang-sik lại bố trí một hàng tiền vệ riêng biệt, rồi quan sát hiệu quả của tuyến giữa vào cách triển khai lối chơi, cầm nhịp trận đấu... Khi AFF Cup 2024 đến gần, việc ông Kim làm mới, nhưng chưa định hình xong tuyến giữa mang lại cảm giác âu lo.
Tuy nhiên, với bộ ba tiền vệ ở trận giao hữu đầu tiên tại Hàn Quốc, cuộc cạnh tranh ở vị trí tiền vệ trung tâm có lẽ đã sắp ngã ngũ.
Ý tưởng của ông Kim
Trong số 3 tiền vệ trung tâm, HLV Kim Sang-sik cần một người "đếm nhịp", có thể điều tiết lối chơi, sở hữu nhãn quan chiến thuật tốt, cùng khả năng kéo bóng hiệu quả để triển khai lối chơi qua trục giữa.
Hoàng Đức là cái tên phù hợp nhất cho vai trò này. Dù có giai đoạn khó khăn dưới thời HLV Philippe Troussier và đã xuống hạng nhất thi đấu, nhưng Hoàng Đức vẫn là mẫu tiền vệ của hiếm của bóng đá Việt Nam có kỹ năng che chắn tốt, cầm bóng và giữ nhịp hiệu quả.
Anh từng chiếm suất đá chính ở 3 trận cuối vòng loại World Cup 2022 (tháng 6.2021) và trở thành trụ cột dưới thời HLV Park Hang-seo, giữ vai trò cầm nhịp lối chơi ở các giải đấu quan trọng như AFF Cup năm 2021 và 2022.
Dù cũng giống người tiền nhiệm, ông Kim Sang-sik muốn Hoàng Đức chơi sau lưng tiền đạo (hoặc đá tiền đạo cắm) để tiếp cận vòng cấm nhiều hơn. Song thực tế cho thấy cầu thủ sinh năm 1998 vẫn phù hợp hơn với vai trò kiến thiết lùi sâu, nơi anh thoải mái cầm bóng để điều tiết, kiểm soát nhịp chơi.
Hỗ trợ cho Hoàng Đức sẽ là một tiền vệ con thoi, có thể đảm nhiệm khối lượng công việc lớn như đánh chặn, hỗ trợ phòng ngự, pressing hay phối hợp tấn công. Mẫu "ong thợ" miệt mài ở tuyến giữa có thể nhìn thấy ở Đỗ Hùng Dũng thời đỉnh cao, nay ông Kim đang phải lựa chọn giữa Ngọc Tân, Châu Ngọc Quang và Lê Phạm Thành Long. Trong 3 cái tên này, Thành Long nhỉnh hơn nhờ thể lực dồi dào và tư duy chơi bóng tốt.
Theo HLV Alexandre Polking, Thành Long đã cải thiện khả năng quan sát và "chơi bóng bằng cái đầu". Kinh nghiệm tích lũy trong màu áo tuyển thời ông Troussier cũng là vốn quý để tiền vệ sinh năm 1996 được tin dùng.
Mảnh ghép còn lại của tuyến giữa là một tiền vệ đa năng, có thể dâng cao hỗ trợ tấn công như tiền đạo khi cần (để chuyển từ sơ đồ 3-5-2 sang 3-4-3). Hai Long và Quang Hải là những cầu thủ đáp ứng được vai trò này.
Hai Long đang khẳng định vị thế tại CLB Hà Nội khi được giao vai trò quán xuyến tuyến giữa cùng Hùng Dũng, đồng thời đẩy cao để mang đến giải pháp mới cho hàng công. Khả năng xâm nhập vòng cấm và dứt điểm bén đã được tiền vệ 24 tuổi thể hiện với 3 bàn từ đầu giải.
Còn với Quang Hải, anh từng sắm vai trò tiền vệ tấn công tự do trong hệ thống phòng ngự phản công của HLV Park Hang-seo. Cái chân trái cực dẻo và "quái" của Quang Hải giúp đội tuyển Việt Nam tạo đột biến, đặc biệt trong thế trận phản công.
Tuy nhiên, Quang Hải không phải cầu thủ dễ dùng. Đặt trong hệ thống kiểm soát và triển khai tấn công tuần tự mà HLV Troussier trước đây hay ông Kim hiện tại xây dựng, Quang Hải chưa thể hiện được điểm mạnh cụ thể. Tiền vệ 27 tuổi cũng chỉ chơi ở mức vừa phải trong màu áo CLB Công an Hà Nội.
Định vị Quang Hải thế nào ở tuyến giữa là thử thách khó nhằn với HLV Kim Sang-sik. Nhưng nếu giải được, ông sẽ tạo ra cuộc cách tân ở vòng tròn giữa sân cho đội tuyển Việt Nam.