Nhìn sang các nước láng giềng, việc nhập tịch nhằm đổi màu thành tích đội tuyển quốc gia không phải chuyện mới. Singapore đã từng thành công với những lần "Tây hóa" đội tuyển cùng 4 chức vô địch Đông Nam Á. Philippines dù chưa thể "hóa rồng" nhưng vài lần bổ sung "chất Tây" đã giúp họ nâng cấp được chất lượng đội hình khiến đối thủ phải dè chừng. Cách đây mấy năm, đội tuyển Lào đã từng gọi Billy Ketkeophomphone, một cầu thủ di cư, chơi bóng ở Ligue 1 (Pháp) và dù chưa tạo nên đột biến nhưng đội tuyển xứ triệu voi khi ấy có vẻ khó bị bắt nạt hơn trước.
Nhóm các đội bóng hàng đầu khu vực như Thái Lan, Malaysia và gần nhất là Indonesia cũng quay lại cách làm này. Đội tuyển Indonesia hiện tại chẳng khác đội châu Âu của Đông Nam Á. Cách làm này đang gây tranh cãi nhưng phải thừa nhận, bóng đá Indonesia mạnh lên là có thật! Bản chất của trò chơi đối kháng như bóng đá rất cần nhân lực có tố chất mạnh mẽ, to khỏe; trong khi dân bản địa Đông Nam Á rõ ràng bị bất lợi hơn về thể chất so với nhiều khu vực khác. Chẳng thế mà Indonesia đang là đội bóng Đông Nam Á duy nhất có mặt tại vòng loại thứ ba World Cup 2026.
Mỗi quốc gia sẽ có chiến lược riêng, phù hợp với đặc điểm, tình hình nội tại của nền bóng đá nước mình. Nhưng nhìn toàn cục, hiện tại hầu hết các liên đoàn bóng đá ở Đông Nam Á đã và đang bước vào thời kỳ quá độ, với chính sách "Tây hóa" mạnh mẽ đội tuyển quốc gia. Ngay cả Campuchia cũng mở đường cho nhiều cầu thủ nhập tịch có thời gian sinh sống hơn 5 năm ở đất nước chùa Tháp được gọi vào đội tuyển chuẩn bị cho AFF Cup 2024. Singapore không nhập tịch ồ ạt như xưa nhưng họ vẫn có cầu thủ gốc Nhật trong đội hình. Thái Lan mấy năm nay cũng sử dụng cầu thủ Thái kiều, mang 2 dòng máu để làm mới hình ảnh.
Trong xu thế đó, VN cũng không đứng ngoài cuộc. Sau Nguyễn Xuân Son, trong tương lai gần nếu có nhân tố ngoại nào khác trở thành công dân VN được cống hiến cho đội tuyển bóng đá quốc gia VN cũng cần được nhìn nhận như bước đi tất yếu. Có điều chúng ta không lạm dụng cách làm này để kỳ vọng nâng cấp thành tích, mà chỉ nên xem là giải pháp tình thế nhằm tạo đà cho một cuộc cách mạng căn cơ hơn trong bóng đá với nền tảng đào tạo trẻ và hệ thống giải quốc nội ổn định.
Trước tình hình này thì tới đây, AFF Cup (hay tên mới là ASEAN Cup 2024) có thể được xem là giải đấu của "thời kỳ quá độ - Tây hóa" đại trà ở nhiều đội tuyển quốc gia. Bởi "chất Tây" trong màu áo đội tuyển các nước Đông Nam Á chưa bao giờ đậm đặc đến thế.