Văn hóa giày thể thao bắt đầu từ đâu, điều gì đã khiến nét văn hóa độc đáo này trở thành cơn sốt trên toàn cầu trong suốt nhiều thập kỷ...
Giày thể thao (sneaker) đã trở thành vật dụng không thể thiếu trong bộ sưu tập thời trang của nhiều tầng lớp trong xã hội, từ những cô cậu học trò còn ngồi trên ghế nhà trường, cho tới những doanh nhân thành đạt trên thương trường hay các ngôi sao có tầm ảnh hưởng rộng lớn trong xã hội. Văn hóa giày thể thao bắt đầu từ đâu, điều gì đã khiến nét văn hóa độc đáo này trở thành cơn sốt trên toàn cầu trong suốt nhiều thập kỷ và trở thành phong cách thời trang đại chúng tạo nhiều cảm hứng cho nhiều thế hệ trẻ Việt Nam?
Giày thể thao được phát minh tại Anh trong những năm 1860 và được sử dụng dành cho giới thượng lưu giàu có khi chơi tennis và bóng sân cỏ (croquet). Ngày nay giày thể thao đã trở thành một nét văn hóa thể hiện cá tính riêng biệt và một phong cách nghệ thuật đặc thù với nhiều mẫu thiết kế được trưng bày như các tác phẩm nghệ thuật tại các viện bảo tàng nổi tiếng thế giới hay những phiên bản giới hạn được đấu giá lên tới vài triệu USD.
Phóng viên Thời báo VTV Times tại triển lãm văn hóa giày thể thao Sneakertopia, trung tâm ArtScience (Singapore). (Ảnh: Tuấn Anh/VTV Times)
Phong cách giày thể thao phát triển mạnh mẽ khi gắn liền với hình ảnh của các vận động viên thể thao nổi tiếng vào cuối thập niên 70 và 80. Những thương hiệu như Converse’s All-Stars, hay Puma và Adidas đã làm mưa làm gió trên các mặt sân bóng rổ trong nhiều thập niên.
Văn hóa giày thể thao chỉ thực sự trở thành hiện tượng khi hãng Nike ra mắt phiên bản đầu tiên của mẫu giày Air Jordan 1s năm 1985. Năm 1984, tượng đài bóng rổ Michael Jordan mới chỉ là một tài năng trẻ chưa từng chơi trận đấu chuyên nghiệp nào. Hãng Nike, thời điểm đó chỉ được biết tới như một thương hiệu giày chạy thể thao, đã nhìn thấy tiềm năng Jordan trở thành đại diện thương hiệu trong tương lai của họ và ký với anh hợp đồng quảng cáo 5 năm, trị giá 2,5 triệu USD. Tháng Tư năm 2023, đôi giày mà Michael Jordan mang trong mùa giải NBA cuối cùng của anh được bán với giá 2,2 triệu USD, trở thành đôi giày thể thao đắt giá nhất trên sàn đấu giá.
Tượng đài bóng rổ Michael Jordan bên đôi giày Nike huyền thoại tạo nên cơn bão đam mê sneakers trên khắp các mặt sân bóng rổ. Hơn 100 triệu đôi giày phiên bản Air Jordan 1s đã được mua trên toàn cầu. (Ảnh: Nike)
Văn hóa giày thể thao đã trở thành một hiện tượng và vượt ra khỏi giới hạn của sân bóng rổ. Sau khi nhóm hip-hop Run-D.M.C. huyền thoại ra mắt bản hit "My Adidas" năm 1986, nhóm nhạc này đã được Adidas ký hợp đồng quảng cáo khổng lồ. Ngay sau đó, Kurt Cobain của ban nhạc rock Nirvana tiếp bước biến Converse trở thành một biểu tượng của sự phá cách và thương hiệu quen thuộc của giới trẻ.
Không chỉ phổ biến trên sân chơi thể thao và đường phố, văn hóa giày thể thao còn trở thành một trào lưu mới khi giới kinh doanh công sở khởi động phong trào mặc trang phục đơn giản, thoải mái vào mỗi ngày làm việc thứ 6 trong tuần. Vào ngày này, nam giới được phép cởi bỏ những bộ quần áo vest sang trọng và mang lên mình những phong cách thời trang thể hiện phong cách cá tính của riêng mình.
"Việc mang những đôi giày thể thao độc, lạ là một cách để mỗi cá nhân thể hiện vị trí trong xã hội của mình," theo lời Yuniya (Yuni) Kawamura, giáo sư chuyên ngành xã hội học tại viện thời trang Fashion Institute of Technology tại New York. "Họ muốn thể hiện những gì họ sở hữu và họ đặc biệt hơn những người khác."
Khi văn hóa giày thể thao đã trở nên ngày càng phổ biến, các hãng giày tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với những nhân vật nổi tiếng và các thương hiệu xa xỉ, cho ra đời những phiên bản giày giới hạn với số lượng hạn chế và có những thiết kế cực kỳ bắt mắt. Những sao nổi tiếng như Rihanna, Travis Scott, Kanye West và đặc biệt là chị em nhà Kardashians đã giúp định hình ngành kinh doanh giày thể thao trong cả thập kỷ vừa qua bằng việc hợp tác hình ảnh và thương hiệu của mình gắn kết với các thương hiệu giày nổi tiếng thế giới.
Góc trưng bày những mẫu giày sneakers thế hệ mới với thiết kế và chất liệu thân thiện môi trường tại triển lãm văn hóa giày Sneakertopia tại Singapore (Ảnh: Tuấn Anh/VTV Times)
Những đôi giày thể thao phiên bản giới hạn đã trở nên hấp dẫn trong mắt giới sưu tập, kéo theo sự bùng nổ của thị trường giày thể thao đã qua sử dụng. Những người đã có phiên bản giày Air Jordan 1,2 3, và 5, tìm mọi cách để sở hữu bằng được phiên bản số 4. Và khi những người bán nắm được tâm lý này và nâng giá bán của những đôi giày hiếm có lên, điều đó lại càng khiến những đôi giày trở nên đặc biệt và nhiều người thèm muốn có được chúng hơn.
Đối với Xzaiver Griffin, 29, một giám đốc marketing số đang sinh sống tại tiểu bang Florida, Hoa Kỳ và sở hữu hơn 100 đôi giày thể thao, sở thích sưu tập giày thể thao đã mang lại cho anh "một cộng đồng bè bạn" "Tôi đã có cơ hội gặp gỡ những người bạn có cùng đam mê giày thể thao. Đối với Xzaiver, văn hóa giày thể thao là những đêm thức trắng cùng nhau ngủ trong lều để xếp hàng chờ mua những đôi giày mới nhất trong ngày ra mắt hay gặp gỡ để khoe với nhau những đôi giày phiên bản giới hạn vừa mua được".
Văn hóa giày thể thao dù du nhập vào Việt Nam muộn hơn nhiều nước trên thế giới, tuy nhiên ngày nay cũng phát triển mạnh mẽ và phổ biến với nhiều tầng lớp, lứa tuổi khác nhau.
Góc tủ sưu tập nhiều mẫu giày sneakers độc đáo của doanh nhân Việt Nam nổi tiếng với nickname Minh Nhựa. Con gái anh cũng sở hữu riêng cho mình một bộ sưu tập giày sneakers rất ấn tượng. (Ảnh: House n Home)
Tương tự như ở các quốc gia khác trên thế giới, văn hóa giày thể thao ở Việt Nam phát triển rộng rãi và gắn liền với hình ảnh của nhiều ngôi sao nổi tiếng có tầm ảnh hưởng lớn tới công chúng.
Quang Hải là một trong số những ngôi sao có phong cách thời trang ấn tượng, kết hợp những bộ vest lịch lãm với những đôi sneakers thể thao sành điệu. Quang Hải mới đây trong lễ ăn hỏi cô dâu Chu Thanh Huyền. (Ảnh: Đi Soi Sao Đi)
Với Nam Pham, một trong những sneaker đời đầu và đồng sáng lập của Thần Kinh Giày – cộng đồng sneakers lớn nhất nhì Việt Nam, mỗi đôi giày với anh là một câu chuyện của ký ức. Nam Pham sưu tầm một đôi giày vì câu chuyện phía sau nó, ví dụ như trường hợp của Michael Jordan đã từng giải nghệ sau khi cha mình mất nhưng sau đó quay trở lại và giành chiến thắng… Hay như câu chuyện về Kobe Bryant sẵn sàng từ bỏ hết mọi thứ, kể cả bạn bè chỉ để tập trung cho sự nghiệp, luôn ra sân tập lúc 4:00 sáng hàng ngày cho đến tận chiều tối v.v... tất cả những câu chuyện đó truyền cảm hứng cho Nam Pham và là lý do anh đặc biệt đam mê sưu tập các dòng giày thể thao gắn với thương hiệu Kobe và Jordan.
Với Nam Pham, mỗi đôi giày là một câu chuyện ký ức (Ảnh: Elleman)
"Sneakerhead không cần nhiều giày, nhưng phải truyền nhiều cảm hứng", theo Fabo Nguyễn Ngọc Tuấn (Fabo Nguyen), một youtuber quen thuộc của cộng đồng sneakers và streetwear Việt Nam. Sở hữu bộ sưu tập hơn 500 đôi giày và một số trong đó là những đôi giày phiên bản siêu hiếm, nhưng với Fabo Nguyen, người chơi giày không nhất thiết phải sở hữu nhiều giày nhưng cần có một kiến thức sâu rộng về các thiết kế, câu chuyện phía sau mỗi đôi giày và đặc biệt là truyền được cảm hứng cho cộng đồng hướng tới những giá trị cuộc sống tốt đẹp. Chính nhờ những nhà sưu tập và sở hữu những thiết kế cực kỳ hiếm và đắt tiền mà sân chơi sneakers Việt Nam trở nên sôi động và không hề thua kém nước ngoài, điều khiến Fabo Nguyen cảm thấy tự hào.
Nguồn: vtv.vn
Đang gửi...