Sau vụ nổ súng ở Pennsylvania, lợi thế trong bầu cử Mỹ nghiêng rõ rệt về phía ứng viên Trump. Đảng Cộng hòa đã chính thức chọn ứng viên Trump cho cuộc bầu cử này, còn ông Trump đã lựa chọn ông Vance đồng quan điểm về vấn đề Ukraine và quan hệ với châu Âu làm phó tướng. Những diễn biến này gây lo ngại sâu sắc cho cả EU và Ukraine.
Tư tưởng của nghị sĩ Vance khiến Ukraine và EU lo ngại
Phần lớn Liên minh châu Âu (EU) đã hoảng sợ về triển vọng ông Donald Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ và có thêm một nhiệm kỳ thứ 2 làm ông chủ Nhà Trắng. Họ e sợ khi ấy Mỹ sẽ cắt viện trợ dành cho Ukraine. Và rồi, ngay sau vụ bị ám sát hụt, ông Trump hôm 15/7 (giờ Mỹ) đã chính thức được Đại hội toàn quốc đảng Cộng hòa chọn làm ứng viên tổng thống Mỹ đại diện cho đảng này. Về phần mình, ông Trump đã lựa chọn thượng nghị sĩ James David Vance cùng tham gia tranh cử với tư cách ứng viên phó tổng thống.
Vance - vị nghị sĩ 39 tuổi của bang Ohio, là một trong những đảng viên theo tư tưởng biệt lập nhất trong đảng Cộng hòa của Mỹ. Ông cực lực phản đối sử dụng thêm quỹ để giúp đỡ Ukraine. Ông cũng công kích mãnh liệt vào điều mà ông coi là sự quá lệ thuộc của châu Âu vào Mỹ trong lĩnh vực đầu tư quân sự.
Một quan chức cao cấp EU giấu tên nói thẳng thắn về vấn đề này trong cuộc phỏng vấn hôm 15/7 rằng việc ông Vance được lựa chọn làm phó tướng cho ông Trump là một “thảm họa” cho Ukraine và rộng ra là EU - liên minh đã ủng hộ Kiev trong cuộc đối đầu quân sự với Nga.
Nghị sĩ Vance đóng vai trò trung tâm trong nỗ lực xóa sổ một dự luật viện trợ cho Ukraine vào thời điểm trước đó trong năm 2024 này tại Thượng viện Mỹ. Mặc dù nỗ lực đó thất bại, ông Vance vẫn nói với phóng viên vào thời điểm đó như sau: “Chúng ta có khả năng nói khá rõ với châu Âu và phần còn lại của thế giới rằng nước Mỹ không thể viết những tờ séc trắng mãi mãi được”.
Trong khi đó, những người Mỹ ủng hộ Ukraine đã bác bỏ lập luận cho rằng Washington đang ký séc trắng cho Kiev. Họ chỉ ra rằng hầu hết số tiền phân bổ cho Ukraine không rời nước Mỹ, mà đa phần rơi vào các nhà thầu quốc phòng Mỹ cung cấp vũ khí cho Ukraine hoặc cung cấp tài chính cho hoạt động quân sự của Mỹ.
Trong cuộc phỏng vấn kéo dài với tờ Politico tại Thượng đỉnh An ninh Munich vào tháng 2, ông Vance - người từng chỉ trích sau đó chuyển sang ủng hộ ông Trump, thể hiện rõ quan điểm Mỹ không nên giúp đỡ Ukraine.
Khi ấy, nghị sĩ Vance nói: “Chúng ta đơn giản không có năng lực sản xuất để ủng hộ một cuộc chiến trên bộ tại Đông Âu vô thời hạn. Và tôi nghĩ rằng nghĩa vụ của người lãnh đạo là phải nói rõ điều này với người dân. Việc này dự kiến kéo dài bao lâu? Tốn kém như thế nào? Và quan trọng là, làm thế nào mà chúng ta có thể sản xuất được vũ khí cần thiết để viện trợ cho Ukraine?”’.
Ông Vance nói rõ Mỹ chưa sản xuất đủ đạn dược để duy trì mức độ viện trợ cho Ukraine. Ngoài ra, ông kêu gọi tương tác với Tổng thống Nga Putin để bảo đảm “lợi ích của nước Mỹ”. Trong khi đó, ông Trump đã nói rằng nếu tái đắc cử tổng thống, ông cam kết sẽ đẩy nhanh đàm phán chấm dứt xung đột quân sự tại Ukraine.
Đây thực sự là những tuyên bố rất mạnh miệng tại nơi tổ chức Thượng đỉnh An ninh Munich - diễn đàn cổ xúy cho hợp tác an ninh quốc phòng xuyên Đại Tây Dương.
Trong lần ra mắt đầu tiên tại hội nghị quốc tế cấp cao này, ông Vance đã bỏ qua cuộc gặp bên lề giữa một bên là Tổng thống Ukraine Zelensky và Ngoại trưởng Ukraine Kuleba với một bên là nhóm thượng nghị sĩ lưỡng đảng của Mỹ. Ông nói với tờ Politico: “Tôi không nghĩ rằng mình có thể học thêm được điều gì mới từ cuộc gặp này”.
Nỗi lo kép của EU về an ninh và kinh tế khi Trump - Vance đắc cử
Bên cạnh đó, người châu Âu còn ám ảnh về chủ trương bảo hộ của ông Vance, nếu được triển khai sẽ cản trở quan hệ thương mại của châu Âu với Mỹ. Thượng nghị sĩ này là người bảo vệ nhiệt thành cho hoạt động sản xuất của Mỹ và cổ xúy thuế nhập khẩu.
Chính sách đối ngoại của Vance mang đậm phong cách Trump, đó là “nước Mỹ trước tiên”. Tư tưởng đó của ông Vance mở rộng sang các chỉ trích khái quát hơn nhằm vào khối EU và khối quân sự NATO. Trong một phát biểu tại Thượng viện Mỹ hồi tháng 4, ông phê phán châu Âu đã không chi đủ tiền cho phòng thủ.
Nghị sĩ Vance nói: “Trong 3 năm, người châu Âu nói với chúng tôi rằng Tổng thống Nga Putin là mối đe dọa sinh tồn đối với châu Âu. Và cũng trong 3 năm, họ đã không phản ứng lại được như thể điều đó thực sự đúng”. Ông gọi đích danh riêng nước Đức vì đã không chi được 2% GDP cho quốc phòng - mức mà các nước NATO đã nhất trí để đạt được mục tiêu chung.
Còn tại thượng đỉnh Munich 2024, ông Vance nói: “Chúng tôi muốn châu Âu thành công nhưng châu Âu vẫn phải đảm nhận vai trò lớn hơn cho an ninh của chính họ”.
Đã từ lâu, ông Vance cổ xúy cho sự nghiệp của người lao động Mỹ và tầm quan trọng của khu vực sản xuất Mỹ. Nếu trở thành phó tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới, dự kiến ông Vance sẽ thúc đẩy mạnh mẽ chính sách hướng vào nền kinh tế nội địa cũng như cạnh tranh với Trung Quốc.
Khi chính thức lựa chọn ông Vance làm phó vào ngày 15/7, ứng viên tổng thống Mỹ Trump nhấn mạnh thành tích của nghị sĩ Vance trong bảo hộ công nhân Mỹ: “Vance có sự nghiệp kinh doanh rất thành công trong lĩnh vực công nghệ và tài chính. Và giờ đây trong chiến dịch tranh cử, ông ấy sẽ tập trung mạnh mẽ vào những người mà vì họ ông đã đấu tranh xuất sắc, đó là công nhân và nông dân Mỹ ở Pennsylvania, Michigan, Wisconsin, Ohio, Minnesota và hơn thế nữa”.
Nguồn: vov.vn
Đang gửi...