Chính phủ Campuchia quyết tâm đưa đất nước thoát khỏi nhóm các “quốc gia kém phát triển” vào năm 2029, trong đó kết quả phát triển kinh tế - xã hội trong vòng 5 năm tới được đánh giá là có tầm quan trọng đặc biệt đối với việc hoàn thành mục tiêu này.
Quyết tâm trên được ông Bin Trachhey, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Campuchia đưa ra trong cuộc gặp đầu tuần này với Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Campuchia, ông Joseph Scheuer và bà Allisar Chaker, Đại diện thường trú của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Campuchia.
Cuộc gặp tập trung thảo luận những công việc cần triển khai để đưa Campuchia khỏi nhóm “quốc gia kém phát triển” (LDC) vào năm 2029, theo mục tiêu được Thủ tướng Hun Manet đưa ra trong đối thoại hàng năm giữa Chính phủ Campuchia và Liên hợp quốc hồi đầu tháng tại thủ đô Phnom Penh.
Liên hợp quốc cam kết hỗ trợ Campuchia phát triển và thực hiện một kế hoạch chuyển đổi toàn diện, thúc đẩy phát triển con người và tăng cường năng lực cạnh tranh của nước này. Liên hợp quốc cũng sẵn sàng hỗ trợ Campuchia đa dạng hóa nền kinh tế, tăng đầu tư cho ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế xanh, thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ tiếp nhận viện trợ sang huy động tài chính phát triển.
Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Campuchia, ông Joseph Scheuer đánh giá, 5 năm tới sẽ là giai đoạn đặc biệt quan trọng đối với việc hiện thực hóa mục tiêu đưa Campuchia khỏi nhóm quốc gia kém phát triển vào năm 2029. Ông Scheuer cho rằng, mục tiêu này là hoàn toàn khả thi, nếu không có biến động hoặc xáo trộn lớn về môi trường toàn cầu.
Phát biểu tháng 9 năm ngoái tại Khóa họp thứ 78 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York, Mỹ, Thủ tướng Hun Manet nhấn mạnh, cũng giống như nhiều nước đang phát triển, Campuchia còn một chặng đường dài phía trước để đạt được mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành quốc gia có thu nhập cao vững chắc, năng động và thịnh vượng vào năm 2050.
Nhà lãnh đạo Campuchia khẳng định để đạt được mục tiêu này, chính phủ cam kết thực hiện các hành động mang tính thay đổi thông qua Chiến lược Ngũ giác nhằm phát triển kinh tế - xã hội. Chiến lược này đang được triển khai từ Giai đoạn I trong 5 lĩnh vực gồm tăng trưởng, việc làm, công bằng, hiệu quả và bền vững, với 5 ưu tiên về con người, đường sá, nước, điện và công nghệ, đặc biệt là công nghệ kỹ thuật số.
Trong giai đoạn 1998-2019, tăng trưởng GDP của Campuchia đạt trung bình 7,7%/năm, là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Quy mô GDP từ 2,8 tỷ USD năm 1995 đã tăng lên 31 tỷ USD năm 2023.
Nguồn: vov.vn
Đang gửi...