Mặc dù luôn được coi là một trong những nghề ổn định ở Trung Quốc, song do đối mặt với tỉ lệ sinh và dân số giảm, hàng triệu giáo viên ở nước này đang đứng trước nguy cơ mất việc trong 10 năm tới.
Gần đây, thông tin về việc Trung Quốc có thể thừa gần 2 triệu giáo viên vào năm 2035 đã trở thành chủ đề “hot” trên mạng xã hội Weibo (tương tự Twitter) ở nước này.
Kết quả tính toán của nhóm nghiên cứu do Phó Giáo sư Kiều Cẩm Trung (Qiao Jinzhong) dẫn đầu tại Viện Giáo dục Đại học thuộc Đại học Sư phạm Bắc Kinh cho thấy, đến năm 2035, nước này sẽ dư thừa khoảng 1,5 triệu giáo viên tiểu học và 370.000 giáo viên trung học cơ sở.
Việc dư thừa giáo viên là hệ quả của tình trạng dân số tăng trưởng âm, kéo theo số lượng học sinh trong giai đoạn giáo dục nghĩa vụ 9 năm, tức tiểu học và trung học cơ sở ở Trung Quốc giảm. Theo đó, con số này sẽ chuyển từ tăng chậm sang giảm dần trong giai đoạn từ 2020-2035. Sau khi đạt đỉnh khoảng 146 triệu vào năm 2024, số học sinh sẽ có xu hướng giảm nhanh, cụ thể mỗi năm giảm 1-2 triệu trong thời kỳ từ 2025-2028, giảm 3-4 triệu từ 2028-2035 và cuối cùng giảm xuống còn khoảng 110 triệu vào năm 2035.
Không chỉ học sinh tiểu học và trung học cơ sở, số trẻ em theo học mẫu giáo ở Trung Quốc cũng chứng kiến sự sụt giảm đầu tiên sau gần hai thập kỷ vào năm 2021, trong khi học sinh tiểu học giảm lần đầu sau gần một thập kỷ vào năm 2022.
Số liệu của Bộ Giáo dục nước này công bố hồi tháng 3/2023 cho thấy, Trung Quốc có 107 triệu học sinh tiểu học vào năm 2022, giảm khoảng 1 triệu so với năm 2021, kết thúc 8 năm tăng liên tiếp. Số lượng trường mầm non tiếp tục giảm 5.610 cơ sở và 1,78 triệu trẻ theo học tại trường vào năm 2022. Trước đó, trẻ mầm non ở nước này bắt đầu tăng trưởng âm, tức giảm 130.000 trẻ từ năm 2021, sau khi tăng 17 năm liên tiếp.
Trung Quốc đang trải qua quá trình chuyển đổi nhân khẩu học gây tác động sâu rộng, với số lượng người về hưu tăng nhanh và số trẻ sơ sinh giảm mạnh. Nhiều địa phương nước này đang phải tập trung sắp xếp lại nguồn lực giáo dục. Chẳng hạn, từ tháng 11/2023, Sở Giáo dục tỉnh Hồ Nam, miền Trung Trung Quốc, đã ra thông báo về việc điều chỉnh và tối ưu hóa bố trí trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở để phù hợp với sự thay đổi dân số trong độ tuổi đến trường. Trong đó, kêu gọi phân bổ lại nguồn lực giáo dục trong vòng 5 đến 10 năm tới dựa trên tỉ lệ sinh, đô thị hóa và số trẻ em trong độ tuổi đi học, đồng thời đề cập đến việc đóng cửa các trường mầm non. Đây là chính quyền cấp tỉnh đầu tiên chính thức đề xuất đóng cửa trường mầm non.
Trong năm qua, một loạt chính quyền địa phương khác, như Sơn Đông và Tứ Xuyên, cũng công bố kế hoạch ngừng các chương trình cấp bằng giáo dục tại một số trường đại học và cao đẳng nhằm hạn chế nguồn cung giáo viên.
Từ đầu năm 2023, truyền thông Trung Quốc đã cảnh báo, do dân số bắt đầu tăng trưởng âm từ năm 2022, số trường tiểu học của nước này sẽ giảm ít nhất 1/2 trong 12 năm tới.
Nguồn: vov.vn
Đang gửi...