Khai mạc Hội nghị An ninh Munich: “Hoà bình thông qua đối thoại”

06:48 - 18/02/2024

Hội nghị An ninh Munich (MSC) lần thứ 60 hôm nay bắt đầu diễn ra tại thành phố Munich, miền Nam nước Đức. Diễn ra trong 3 ngày, đây là diễn đàn quan trọng để các bên đối thoại cấp cao tăng cường sự hiểu biết, cùng thảo luận các biện pháp giảm đối đầu và đối phó với những thách thức an ninh toàn cầu.

Theo Chủ tịch Hội nghị An ninh Munich 2024 Christoph Heusgen, với chủ đề “Hoà bình thông qua đối thoại”, Hội nghị An ninh Munich năm nay được kỳ vọng sẽ tạo không gian đối thoại và hoà giải giữa các quốc gia.

“Hội nghị An ninh Munich là một hội nghị có khát vọng toàn cầu. Điều này có nghĩa là chúng tôi muốn tập trung vào các vấn đề toàn cầu quan trọng nhất. Chúng tôi không muốn giới hạn hội nghị trong cuộc xung đột ở chính châu Âu. Chủ đề chính sẽ là: Làm thế nào chúng ta có thể tìm thấy điểm sáng trong tất cả những cuộc khủng hoảng này. Chúng tôi hi vọng Hội nghị an ninh Munich sẽ tạo cơ hội cho những bước tiến dù nhỏ. Thông điệp mà chúng tôi muốn gửi đi là “Hoà bình thông qua đối thoại” và chúng tôi muốn cung cấp một nền tảng cho các cuộc đối thoại này”, ông Heusgen nói.

Các cuộc xung đột ở Gaza, Ukraine, vùng Sừng châu Phi và tương lai của Tổ chức quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) được dự báo sẽ thống trị chương trình nghị sự của Hội nghị an ninh Munich năm nay.

Lập trường của cựu Tổng thống Donald Trump, người  sẽ tái tranh cử vào tháng 11 tới, về chi tiêu quốc phòng đã khiến các đồng minh NATO lo ngại về số phận của điều khoản phòng thủ tập thể. Phái đoàn đông đảo các quan chức Mỹ trong đó có Phó Tổng thống Kamala Harris và Ngoại trưởng Antoni Blinken được dự đoán sẽ dành phần lớn thời gian để trấn an các đồng minh trong bối cảnh ngày càng có nhiều tiếng nói kêu gọi châu Âu tự lực hơn nữa trong vấn đề này và tăng cường khả năng phòng thủ.

Một báo cáo công bố trước thềm Hội nghị an ninh Munich cho thấy, dù Nga vẫn là mối quan tâm hàng đầu của các nhà lãnh đạo chính trị, song các cử tri châu Âu giờ đây lo lắng hơn về vấn đề di cư do biến đổi khí hậu và xung đột, cũng như mối đe doạ của chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan. Đáng chú ý, báo cáo của Hội nghị an ninh Munich cũng chỉ ra rằng, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị và sự bất ổn kinh tế gia tăng, ngày càng nhiều chính phủ ưu tiên lợi ích tương đối thay vì tham gia vào hợp tác tổng lợi nhuận.

Được tổ chức thường niên từ năm 1963 tới nay, Hội nghị An ninh Munich là diễn đàn quan trọng để các nhà lãnh đạo, các bên đối thoại cấp cao thảo luận các biện pháp giảm đối đầu và đối phó với những thách thức an ninh quốc tế. Tuy nhiên, cũng giống như năm ngoái, không có bất kỳ một quan chức Nga nào được mời dự hội nghị dù xung đột Nga-Ukraine tiếp tục là một trong những trọng tâm thảo luận. Theo Trung tâm nghiên cứu Stimson Center tại Mỹ, sự vắng mặt của các nhà ngoại giao đến từ các quốc gia đại diện cho “một bên” của những thách thức nói trên khiến hội nghị khó có thể đưa ra những biện pháp thực sự giúp tháo các ngòi nổ căng thẳng hay góp phần giải quyết những thách thức ngày càng tăng do sự cạnh tranh gay gắt giữa các cường quốc.

 

 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC